'Nghề' livestream: Phía sau mức thu nhập 'khủng'

GD&TĐ - Livestream trên TikTok đã và đang trở thành kênh bán hàng hấp dẫn, có doanh thu khủng nhờ thu hút được nhiều người dấn thân vào “cuộc chơi”.

Người bán vẫn miệt mài nói chuyện, ca hát nhưng không thu hút được nhiều người xem.
Người bán vẫn miệt mài nói chuyện, ca hát nhưng không thu hút được nhiều người xem.

Không phủ nhận việc kiếm cả chục triệu đồng mỗi tháng từ công việc này, song nhiều người chia sẻ “nghề” này cũng bòn rút thời gian, sức khỏe, đối mặt với nỗi lo “bão hòa” ngày càng lớn.

Mạng “ảo”, thu nhập thật

Theo báo cáo “Thị trường thương mại điện tử - Thời của mua sắm và giải trí” của Kirin Capital phát hành vào đầu tháng 4/2024, số lượng khách hàng Việt ưa thích lựa chọn mua sắm trực tuyến chiếm đến 50% tỉ trọng. Trong khi đó, chỉ có 30% số người mua hàng vẫn ưa thích kênh mua sắm truyền thống.

Với xu hướng phát triển của thời đại công nghệ số, các sàn thương mại điện tử đang dần gặt hái nhiều thành công khi thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Cùng với đó, livestream (phát trực tiếp) đã trở thành công cụ bán hàng đầy tiềm năng cho các nhãn hàng và cả người kinh doanh với quy mô lớn, nhỏ. Ngoài việc đem lại mức doanh thu “khủng” cho các nhà kinh doanh, hình thức này còn là cơ hội giúp quảng bá, mở rộng đối tượng khách hàng.

Sự phát triển mạnh mẽ này cũng đem đến nhiều cơ hội việc làm cho những người bán hàng trực tuyến. Ngoài thời gian học trên trường, Phạm Thị Thu Hương (21 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) còn kinh doanh thời trang trực tuyến. Nắm bắt tâm lý ưa chuộng mua sắm trực tuyến của khách hàng hiện nay, đều đặn mỗi tuần bạn trẻ này đều phát livestream bán hàng.

“Thường thì các nhãn hàng lớn sẽ thuê người mẫu để livestream. Tuy nhiên vì là kinh doanh nhỏ nên để tối ưu chi phí, tôi tự làm người mẫu cho cửa hàng. Mỗi phiên phát trực tiếp của tôi thường diễn ra trong khoảng 4 tiếng. Việc tung những ưu đãi chỉ có khi livestream, tương tác với khách hàng giúp tôi bán được nhiều sản phẩm hơn. Nhờ vậy, doanh thu của tôi tăng cao hơn khoảng 10 - 15% so với trước đây”, chị Thu Hương chia sẻ.

Khác với Thu Hương, Trần Ngọc Minh Anh (19 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một mẫu livestream thời vụ, được nhãn hàng thuê với mức lương thỏa thuận. Nhờ vào gương mặt xinh xắn, cô bạn nhận được nhiều lời mời hợp tác làm mẫu bán mỹ phẩm, quần áo. Theo Minh Anh, mức thù lao cho mỗi giờ livestream là 100.000 - 120.000 đồng/giờ, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình của sinh viên đi làm các công việc bán thời gian khác.

Ghi nhận trên các hội nhóm tuyển dụng mẫu livestream bán hàng, không khó để tìm được những tin tuyển dụng với mức lương từ 7.000.000 - 9.000.000 đồng/tháng đối với người làm toàn thời gian, từ 80.000 đồng/tiếng đối với mẫu làm việc bán thời gian.

nghe-livestream2-6253.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Nỗi niềm người trong nghề

Khoảng thời gian từ 0 - 2 giờ sáng thường được coi là khung giờ “vàng” để nhiều bạn trẻ mua sắm. Đây cũng là khoảng thời gian mà các sàn thương mại điện tử hay các nhà bán lẻ online tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn nhất.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hoa, chuyên gia tâm lý giải thích, thời điểm vào ban đêm, ý thức kiểm soát của con người sẽ bị giảm xuống. Vì vậy, khi mua sắm vào ban đêm, người ta dễ bốc đồng mua sắm nhiều mặt hàng khác nhau. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân bán hàng online thường tung nhiều chiêu bài ưu đãi nhằm thu hút người mua hàng chốt đơn vào ban đêm.

Điều này đồng nghĩa với việc những người mẫu livestream sẽ phải làm việc vào lúc hầu hết mọi người đã được nghỉ ngơi. Trần Ngọc Minh Anh chia sẻ, đối với người trong nghề, làm việc liên tiếp nhiều tiếng đồng hồ từ tối đến 2 - 3 giờ sáng là chuyện hết sức bình thường. Để có mức thu nhập cao, các người mẫu livestream phải đánh đổi sức khỏe, thời gian.

“Liên tục đứng cười nói, tạo không khí vui vẻ để giữ chân người xem trong 5 - 6 tiếng đồng hồ rất mệt, có lúc tôi gần như hành động như một cái máy được lập trình sẵn. Thế nhưng chỉ cần ống kính được giơ lên, tôi phải đảm bảo trưng ra dáng vẻ tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng. Nếu thể hiện mình uể oải hay mệt mỏi thì sẽ ảnh hưởng đến số lượng người xem khiến doanh thu sụt giảm. Thậm chí, nếu không hoàn thành công việc có thể sẽ bị nhãn hàng phạt số tiền hợp đồng cả vài triệu đồng”, Minh Anh giãi bày.

Giờ giấc sinh hoạt, ăn uống đảo lộn, nhiều ngày cô gái trẻ trở về nhà lúc 4 - 5 giờ sáng trong trạng thái rã rời, thiếu ngủ. Minh Anh chia sẻ, đây không phải định hướng công việc lâu dài của cô vì bản thân cô hay tham công tiếc việc, làm việc quá sức dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Phạm Thị Thu Hương cho biết, thời điểm năm 2022 được coi là thời “đỉnh cao” của nghề livestream. Trước đây, mỗi buổi phát trực tiếp, tung ưu đãi, Thu Hương “chốt” được đều đặn 60 - 70 đơn hàng.

“Thế nhưng cái gì cũng có thời, việc bán hàng trên các phiên phát trực tiếp của tôi vẫn ổn, song số lượng đơn hàng chỉ bằng 40% so với trước. Lý do, hiện nghề này cũng rất cạnh tranh, thậm chí có dấu hiệu “bão hòa” khi người người, nhà nhà đều “lên sóng” phát trực tiếp. Đặc biệt, các nhãn hàng lớn cũng “vào cuộc” với sự đầu tư hình ảnh, kịch bản vô cùng chỉn chu”, chị Thu Hương cho hay.

Cũng theo chị Hương, không phải ai cũng đủ “duyên” làm nghề này. Để giữ được lượng tương tác tốt, những người làm nghề livestream phải biết tìm cách “mua vui” bằng nhiều tài lẻ để thu hút, giữ chân người xem. Có người tận dụng lợi thế về ngoại hình, có người có khiếu hài hước, nói chuyện có duyên, thậm chí ca hát, nhảy nhót…

“Có những đêm tôi nằm lướt mạng xã hội, bắt gặp những phiên livestream lúc 2 - 3 giờ sáng. Người bán vẫn miệt mài ngồi nói chuyện nhưng người xem thì không có. Bản thân tôi cũng có nhiều buổi thao thao bất tuyệt cả tối nhưng không thu hút được người xem, tỉ lệ chuyển đổi thành đơn hàng kém, những lúc đó nản lắm nhưng vẫn phải kiên trì.

Bởi, nghề livestream vẫn là xu hướng trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng bùng nổ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, công việc livestream cũng đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo không ngừng”, chị Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.