Nghề giáo tiếp tục cần cơ chế đặc thù hơn nữa

Tại hành lang Quốc hội, một số đại biểu là nhà giáo chia sẻ về mong muốn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó nhấn mạnh việc cần cơ chế đặc thù hơn nữa cho nghề giáo.

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân PGS TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu đoàn Hà Nội: Nhà giáo cần sự chia sẻ của xã hội và phụ huynh      

Hiện nay, cả xã hội rất quan tâm đến chất lượng giáo dục. Quan niệm cho rằng, đã là giáo dục phải chuẩn mực, giáo dục phải “tròn”, nên xã hội có cái nhìn khắt khe với giáo dục và yêu cầu cao hơn so với các lĩnh vực khác. Những sai sót, thiếu chuẩn mực ở những lĩnh vực khác người dân dễ dàng chấp nhận, trong khi giáo dục chỉ cần một lệch lạc nhỏ cũng dẫn đến những phản ứng gay gắt.    

Vì giáo dục là hình mẫu để đào tạo, bồi dưỡng cho cả một thế hệ nên để đáp ứng được mong muốn này, Nhà nước cần quan tâm đầu tư thoả đáng hơn cho giáo dục. Đây là điều kiện cần để những người tâm huyết với giáo dục yên tâm hơn với nghề, tạo điều kiện để giáo dục phát triển.      

Bên cạnh cơ chế chính sách, giáo dục cũng cần có sự thấu hiểu của xã hội, đặc biệt là phụ huynh. Có sự chung tay của các đối tượng này với nhà trường trong thực hiện các hoạt động giáo dục, thì giáo dục mới có bước chuyển mình.    

Đổi mới giáo dục hiện nay không chỉ là đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà điều quan trọng nhất có lẽ là đổi mới người thầy. Người thầy sẽ truyền tải tinh thần đổi mới đó, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới. Nếu không có được đội ngũ đủ am hiểu, đủ năng lực truyền tải tinh thần đổi mới, gây ra tình trạng có thể hiểu không đúng, sai lệch đi tư tưởng đổi mới thì không hiệu quả.      

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Hải Dương.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Hải Dương, nguyên giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương:  Chính sách với nhà giáo dừng lại ở mức… động viên tinh thần    

Chế độ chính sách cho giáo viên là vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội rất quan tâm và nhiều lần đặt ra tại Quốc Hội. Hiện nay, chúng ta có một số chính sách, ưu đãi cho giáo viên nhưng mới chỉ dừng ở mức… động viên tinh thần.  Nhìn vào khối lượng công việc, áp lực giáo viên phải đối mặt, đặc biệt giáo viên vùng sâu, xa; biên giới, hải đảo áp lực rất lớn. Nhiều người trong đó phải vượt lên những áp lực đó để bám nghề với lý do đơn thuần yêu nghề, mến trẻ.      

Ngay tại Hà Nội, thu nhập của giáo viên cũng không đảm bảo cuộc sống, như vậy sẽ khó toàn tâm toàn ý cho công việc. Có những vùng giáo viên hợp đồng có thâm niên mấy chục năm nhưng mức lương còn thua công nhân lao động chân tay. Những thực tại diễn ra khiến giáo viên khó có thể yên tâm sống với nghề không, chứ chưa nói đến nâng cao chất lượng đội ngũ.      

Tôi mong Nhà nước, ngành giáo dục cần tiếp tục có những chế độ, quyết sách ưu đãi giáo viên, đặc biệt những giáo viên, giáo viên vùng sâu, xa, miền biên giới, hải đảo. Nghề giáo nên là nghề đặc thù.   

Tôi ghi nhận sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào cho khối các trường sư phạm. Hiện nay, Bộ GD&ĐT chỉ quy định 2 khối ngành sư phạm và sức khoẻ có điểm sàn, còn các ngành khác đã giao cho các trường tự chủ. Vì thế, cánh cửa vào các trường sư phạm, đặc biệt trường trọng điểm khó khăn hơn. Đây là quy định cần thiết nâng cao chất lượng giáo viên.      

Tuy nhiên, nâng cao chất lượng đầu vào cũng phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Có sự thật là sinh viên tốt nghiệp khối các trường sư phạm rất chật vật khi tìm việc làm. Đầu vào khó hơn nhưng đầu ra không được đảm bảo, gần như thả nổi, thì sinh viên  sẽ từ chối các trường sư phạm. Chính vì thế, khối các ngành sư phạm cực kỳ khó khăn trong khâu tuyển sinh. Có những trường chỉ có 1 sinh viên nộp hồ sơ vào khối ngành sư phạm. Nếu như các Bộ, ngành liên quan không có cơ chế chính sách hợp lý, tình trạng này cứ tiếp diễn, những năm tới sẽ đối mặt với việc thiếu giáo viên trầm trọng. Chất lượng đội ngũ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.