Nghề giáo đa năng ở Trường Sa Lớn

Là thầy giáo nhưng kiêm luôn việc làm “bảo mẫũ” cho các trò “thò lò mũi xanh” khi chúng quay ra ăn vạ, dỗi hờn. Đó chỉ là việc cỏn con so với hàng trăm thứ khó khăn khác. 

Thầy Hiệp nắn chữ cho học sinh lớp mẫu giáo
Thầy Hiệp nắn chữ cho học sinh lớp mẫu giáo

Chưa kể, việc dạy học ở thị trấn đảo Trường Sa Lớn (Huyện Trường Sa, Khánh Hòa) cách đất liền hàng trăm hải lý, những người thầy giáo trẻ phải sống xa gia đình, xa vợ, xa con…nhưng họ lại rất đỗi tự hào.

Dỗ trước, dạy sau

Ngay năm đầu tiên cưới vợ, chàng trai trẻ Phạm Trung Việt (Sinh năm 1984, quê Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã chẳng thể cùng người vợ trẻ thăm hai bên gia đình nội, ngoại. 

Cưới vợ chưa ấm hơi, anh đã tình nguyện ra dạy học tại trường tiểu học Trường Sa, thị trấn Trường Sa Lớn. 

“Những đứa trẻ ở Trường Sa cần tôi, chúng cần được học hành đầy đủ để sau này làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, từ quê hương Trường Sa nơi chúng sinh ra. 

Còn chúng tôi, những người thanh niên trẻ cũng cần đóng góp sức mình để xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương mình” - Việt tâm sự .

5 năm dạy tiểu học trong đất liền, từng ấy kinh nghiệm dường như chưa đủ khiến thầy Việt luống cuống chân tay những ngày mới dạy ở đảo vì phải kiêm luôn “bảo mẫu”. 

Trường tiểu học thị trấn Trường Sa được chia làm 2 khối, khối lớp mẫu giáo và khối tiểu học. 

Bởi vậy, thầy Việt và đồng nghiệp phải thay nhau, người thì đứng lớp dạy tập đọc, tập viết cho các em lớp một, người kia kể chuyện, giúp mấy trẻ mẫu giáo tập tô, tập vẽ.

“Thỉnh thoảng, mấy đứa nhỏ lại tranh giành nhau đồ chơi, tô màu nhem nhuốc cả quyền sách rồi bỗng dưng khóc ầm ĩ lên khiến tôi luống cuống chẳng biết làm thế nào . 

Thương lũ trẻ nhưng chưa biết cách dỗ dành được chúng, vì bản thân chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc coi giữ trẻ” - Việt chia sẻ.

Nghe thầy Việt tâm sự tôi mới biết thầy còn chưa có con, vì vừa mới lập gia đình xong thì đã ra dạy học tại thị trấn Trường Sa Lớn. Thế là thầy Việt vừa mày mò đọc thêm sách, vừa gọi điện hỏi nguời quen kinh nghiệm dỗ trẻ. 

Phải tới cả tháng sau đó, thầy Việt mới quen được với công việc, dỗ được những cô cậu còn bi bô, hay hờn dỗi .

Dạy học ở Trường Sa khiến Việt trở thành “thầy giáo đa năng”. “Bản thân tôi khi ở trong đất liền vốn chỉ dạy toán thì ra tới đây tôi phải kiêm luôn cả môn đạo đức, tự nhiên, xã hội, nhạc, họa, thể dục… Tất tần tật!

Giáo án cũng do mình soạn, cái không biết thì liên lạc về cho đồng nghiệp ở đất liền để tham khảo, học hỏi. Bây giờ tôi có thể tự tin dạy học được tất cả các môn học bậc tiểu học rồi!” - Việt cười thật tươi, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

“Học trò ở thị trấn Trường Sa Lớn khác nhiều với học trò trong đất liền. Bọn trẻ ít nói hơn, sống thu mình hơn với người lạ và việc giao tiếp với các em cần có thời gian và kiên trì. 

Ban đầu, khi mới tiếp nhận lớp, thầy nói gì bọn trẻ cũng thường không nghe lời, mỗi đứa mỗi góc chơi đùa với nhau. 

Thế là thầy phải cho cả lớp nghỉ học, nghĩ ra cách là cùng chơi trò chơi với tụi nhỏ để các em với thầy trở nên quen, rồi thành thân thiết.

Sau một vài ngày đầu, mọi chuyện khá lên và bọn trẻ trở nên nghe lời và rất dễ thương… Những câu hát của các học trò nhỏ ở thị trấn Trường Sa đã vang vang trên lớp mỗi ngày. 

Bên cạnh những bài hát tuổi thơ, thật xúc động khi nghe được cả bài hát về chủ quyền biển đảo quê hương… từ những công dân tí xíu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đảo quê hương thiêng liêng.

Những ngày Tết khó quên

Ở đảo cách đất liền hàng trăm hải lý, xa bạn, xa gia đình, xa vợ… là thiệt thòi lớn, nhưng bù lại, thầy Việt nhận được rất nhiều tình cảm thân thương từ các em học sinh, các cán bộ, chiến sĩ sống trên đảo Trường Sa Lớn. 

"Ở đây, tôi có thêm một gia đình lớn, một nhiệm vụ lớn và niềm tự hào dường như cũng lớn hơn. Năm đầu ra dạy học tại Trường Sa, năm đầu tiên có vợ, cũng là năm đầu tiên phải ăn tết xa nhà…nhưng những trống trải buồn nhớ vì xa cách gia đình đã được bù lại bằng những tình cảm lớn khó quên của cái Tết ấm tình quân dân lần đầu tiên tôi có trong đời.

Ăn Tết cùng với những người lính đảo đang bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương khiến tôi xúc động, cảm thấy cuộc đời ý nghĩa hơn khi góp phần nhỏ bé của mình sát cánh với các cán bộ, chiến sĩ và cả những công dân nhỏ tuổi ở Trường Sa bảo vệ giữ gìn mảnh đất biển đảo thiêng liêng của tổ quốc” - Thầy Việt chân thành.

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, thầy Việt khoe với người thân ở đất liền bánh chưng gói bằng lá bàng vuông đã đủ đầy, cành quất, cành mai… chu tất chẳng thiếu thứ gì. 

Nhưng món quà xuân thích nhất đối với những người thầy dạy học ở Trường Sa chính là nhận được những cuộc gọi chúc tết từ đất liền. 

Giọng nói qua chiếc điện thoại di động cứ ngắt quãng mà không hẳn là do sóng di động ở đây chập chờn.

Nhưng điều bất ngờ, hạnh phúc nhất mà người thầy nhận được trong mùa xuân đầu tiên ở đảo Trường Sa Lớn là những tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới được viết bằng những dòng chữ non nớt nguệch ngoạc, những bức vẽ ngộ nghĩnh đầy tình yêu của các trò mà mới hôm qua còn khóc nhè, hờn dỗi khi thầy cầm tay tô những con chữ đầu tiên.

Người đồng nghiệp anh em

Trong suốt câu chuyện của mình, thầy Việt luôn nhắc tới đồng nghiệp duy nhất đã cùng nhau chia sẻ buồn vui, khó khăn từ những ngày đầu lên đảo. 

Thầy Việt bảo, đồng nghiệp chẳng khác nào anh em, nếu không có nhiệt huyết và tình cảm của thầy Đồng Minh Hiệp (SN 1991) ấy, lũ trẻ chắc sẽ không được chăm sóc học hành đầy đủ, để đỡ thiệt thòi khi sinh ra và lớn lên ở nơi hải đảo.

Thầy Hiệp tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2012 và tình nguyện dạy học ở thị trấn Trường Sa Lớn. Thầy Hiệp nhà ở tỉnh Khánh Hòa là con trai út nên quyết định này làm cả nhà mất ăn, mất ngủ. 

Mẹ thầy Hiệp không đồng ý vì sợ con phải khổ, nhưng thầy Hiệp kiên trì vận động, lại được ba hiểu và ủng hộ đó là vì muốn mang sức trẻ cống hiến cho đất nước. 

Cuối cùng mẹ thầy Hiệp đã đồng ý để cậu con trai chưa một lần xa nhà được ra Trường Sa dạy học.

“Em biết là cả nhà lo nhưng lúc ấy, và cả tới bây giờ nữa, em vẫn muốn được dạy học cho các em nơi đảo xa. Không hiểu sao đó là việc em muốn từ khi bắt đầu đi học” - Thầy Hiệp thật thà. 

Và thầy sinh ra như để dành cho mảnh đất này, đem tri thức, lòng yêu thương tới cho lũ trẻ làng chài nơi hải đảo xa xôi…

Dạy học ở Trường Sa cũng nhiều khác biệt hơn đất liền. “Những ngày sóng gió, tàu vận chuyển hàng hóa vào đảo chậm, thầy trò chẳng còn phấn hay bút chì để tập viết. 

Thế là mấy thầy trò vừa phải đi gom phấn vụn để dùng lại, vừa phải học “chay” đợi tàu mang phấn mới đến. 

Được cái, mấy đứa nhỏ rất chịu khó học nên dù thiếu thốn, nhưng giờ ghép vần đều thành thạo cả rồi” - thầy giáo trẻ nhất đảo nở nụ cười hạnh phúc lấp lóa dưới tia nắng xuyên qua lá bàng vuông của Trường Sa Lớn.

Quý học trò, tận tụy dạy học trò nên gia đình của các em đều coi thầy Hiệp và thầy Việt như người thân. 

Thầy Hiệp kể, cuộc sống ở đảo xa không đủ đầy nhưng những khi bắt được con cá hay có ít quà từ đất liền, mấy gia đình trong đảo luôn nhớ tới hai thầy giáo của lũ trẻ đầu tiên. 

Và cũng chẳng biết từ bao giờ, thầy Hiệp và thầy Việt đã trở thành những thành viên thân thiết của các gia đình cư dân làng chài và các gia đình trên đảo.

Chia tay những người thầy giáo trẻ, tôi mang theo mong muốn chân thành tự đáy lòng của thầy Việt, có một ngày được đưa vợ ra thị trấn Trường Sa Lớn, cùng sinh sống và phụ dạy tụi nhỏ học. 

Tôi tin mong muốn ấy sẽ sớm thành hiện thực, vì Trường Sa Lớn rất cần những tấm lòng yêu thương con người và tổ quốc như thế.

Theo Laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ