Giám tuyển có thể được ví như “người mẹ”, hoặc “người đỡ đầu” cho các dự án, triển lãm nghệ thuật. Họ là những người thầy trong nghề, hiểu sâu về các góc cạnh chuyên môn. Không chỉ hướng dẫn, tuyển lựa, giám tuyển còn đỡ đầu và làm lan tỏa các giá trị.
Người “đỡ đầu” nghệ thuật
Giám tuyển (curator) là người trực tiếp phụ trách việc sưu tập, giám định, phục chế, bảo quản, trưng bày, tổ chức triển lãm cho các bảo tàng hoặc nhà trưng bày nghệ thuật.
Họ cũng là người kết nối tác giả, tác phẩm, điều tra, nghiên cứu, diễn giải về các vấn đề nghệ thuật, thị trường cho các cấp độ quản lý, nhà đầu tư, nhà sưu tập.
Ngoài ra, họ còn là cầu nối làm việc với các đồng nghiệp trong các lĩnh vực như bảo tồn, giáo dục, thiết kế, tài chính, tiếp thị, bảo hiểm.
Tại Việt Nam, nghề giám tuyển có lẽ còn khá xa lạ đối với nhiều người. Vì thế, có thể hiểu nôm na, giám tuyển là những chuyên gia giải các bài toán cụ thể về chuyên môn hẹp. Mỗi giám tuyển thường sở hữu vài chuyên môn sâu, điều mà các bảo tàng khó tuyển, nên buộc phải mời cộng tác viên từ bên ngoài, đặc biệt là giám tuyển nước ngoài.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng, ngoài vai trò phát hiện tài năng và tác phẩm, giám tuyển còn đóng vai trò là người hướng dẫn, chỉ đường cho nghệ sĩ làm loại hình nghệ thuật mới biết được hướng đi cần tới.
Cuối năm 2020, tại TPHCM diễn ra Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam” với nhiều tranh cãi. Nhưng phải khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có một cơ sở đào tạo giảng dạy nghề giám tuyển. Đa số những người làm công tác giám tuyển là những nghệ sĩ đi lên từ quá trình tự học. Vì vậy có ý kiến cho rằng, muốn làm giám tuyển, chỉ cần biết ngoại ngữ, am hiểu văn hóa - nghệ thuật, thêm vào đó là mối quan hệ rộng rãi trong giới chuyên môn.
Trước ý kiến này, giới nghệ thuật chạnh lòng vì từ trước tới nay không có mấy triển lãm được hướng dẫn bởi những giám tuyển chuyên nghiệp, có tầm. Thế nên, sau mỗi kỳ triển lãm (chủ yếu quy mô cấp quốc gia) đều để lại những dư âm nuối tiếc cho một sự thiếu hụt ở một vài lĩnh vực cụ thể.
Có những cuộc triển lãm không thu hút được công chúng, có triển lãm không bán được tác phẩm nào; thậm chí có triển lãm không có tờ báo nào đưa tin.
Cần lập tức đào tạo giám tuyển
Trước tình hình đó, nhà nghiên cứu nghệ thuật kiêm giám tuyển Lý Đợi nhận định thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn đang độ dậy thì. Ông cho rằng, vấn đề giám tuyển hiện nay còn mới, được thể hiện qua những tranh luận mang tính sơ đẳng về việc dùng chữ “curator” hay “giám tuyển”.
Tuy nhiên, với một số người, chẳng hạn như nhân viên bảo tàng, thì công tác giám tuyển đã xuất hiện từ lâu, chỉ là lúc ấy khái niệm giám tuyển chưa hình thành. Thời gian gần đây, thị trường đã xuất hiện một bộ phận hiểu và thực hiện công việc giám tuyển cặn kẽ.
Ông Lý Đợi cho rằng, việc của giám tuyển là tuyển chọn, tổ chức và trình bày tác phẩm trong triển lãm, sự kiện. Thậm chí giám tuyển ở Việt Nam còn kiêm nhiệm thêm việc xin giấy phép, thuê mặt bằng… Đây là hình thức giám tuyển bước 1 - cũng là hình thức giám tuyển phổ biến ở nước ta, tức triển lãm diễn ra ở quy mô nhỏ. Nhiều họa sĩ tự giám tuyển luôn triển lãm của mình mà không hề hay biết.
Giám tuyển bước 2 là nhà giám tuyển nghệ thuật hiện tại giám tuyển triển lãm của các giám tuyển khác. Còn đối với những sự kiện lớn thì công việc giám tuyển đã lên bước 3, quy tụ nhiều giám tuyển với các chức vụ cao thấp khác nhau.
Nếu công việc giám tuyển của nhân viên bảo tàng mang tính bản năng (cấp độ 1), thì giám tuyển cấp độ 2 là những người có khả năng tạo ra triết lý, thông điệp và tư tưởng cho triển lãm. Giám tuyển cấp độ 3 sẽ là những người tự tạo ra nhu cầu, thông điệp và hiện thực hóa ý tưởng. Còn cấp độ cao nhất là giám tuyển ngoại hạng với khả năng tạo ra xu thế và khái niệm mới.
Nếu chúng ta lấy mốc năm 1995, khi các sự kiện nghệ thuật quốc tế bắt đầu trở lại Việt Nam thì đến nay đã có 25 năm nghề giám tuyển hiện diện.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 100 người làm nghề giám tuyển, vài người vươn tầm ra quốc tế như Trần Lương, Nguyễn Như Huy… Nhiều tên tuổi quốc tế đến hoặc về Việt Nam như Dinh Q.Lê, Zoe Butt. Nhìn từ tổng thể nghệ thuật thì giám tuyển vẫn là hoạt động tự phát, tự học tự làm, chưa có cơ sở giảng dạy nghệ thuật đương đại nên thực hành giám tuyển ở nước ta hãy còn mới và gặp nhiều khó khăn.
Trước nhu cầu cấp thiết phải có người “đỡ đầu” cho thị trường nghệ thuật đang dộ dậy thì, TS Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đề nghị có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, mở các lớp đào tạo giám tuyển, cử người đi nước ngoài học, để trong tương lai không xa chúng ta có được đội ngũ làm việc chuyên nghiệp hơn. Thứ hai, các bảo tàng và các tổ chức nghệ thuật nói chung phải thiết lập được cơ chế mới về quản lý và tài chính thì mới mong thuê được các giám tuyển lành nghề, giỏi việc.