Nhiều vị trí việc làm
Theo tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch Việt Nam và châu Âu, sinh viên ngành Quản trị khách sạn sẽ được cung cấp kiến thức về quản lý và tổ chức các hoạt động của khách sạn một cách hiệu quả và hợp lý, kiến thức về kinh doanh lưu trú và các kỹ năng nghiệp vụ khách sạn, đồng thời rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế.
Quản trị khách sạn được nhận định là rất thích hợp cho những thanh niên tự tin, năng động, có năng khiếu tổ chức quản lý, sắp xếp công việc, có tư duy logic...
Cử nhân ngành Quản trị khách sạn có thể làm nhiều công việc khác nhau từ bộ phận nhân sự, bộ phận tiền sảnh, bộ phận ẩm thực cho đến công tác quản lý tại các doanh nghiệp du lịch.
Đảm nhận công việc trong các bộ phận của một khách sạn - nhà hàng từ 3 - 5 sao như: Tiền sảnh - lễ tân, bộ phận phòng, ẩm thực, bếp, nhân sự, tài chính - kế toán, kinh doanh - tiếp thị.
Công tác tại các vị trí quản lý dịch vụ tại khách sạn. Điều hành, tiếp thị, nhân sự, tài chính tại các cơ quan nghiên cứu, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước.
Làm việc tại các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với các vị trí quản lý, hành chính, nhân lực, tài chính,marketing... Ngoài ra còn có thể làm việc tại các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu về du lịch; hoặc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực du lịch.
Ở các trình độ trung cấp và cao đẳng ngành Quản trị khách sạn, sinh viên có nhiều cơ hội tại các vị trí việc làm cụ thể như lễ tân, phòng, bếp, tiếp thị, hướng dẫn...
Ưu thế của các lao động trình độ cao đẳng và trung cấp là dễ tìm được việc làm, nhanh chóng tiếp cận với môi trường công việc thực tế, qua đó nhanh chóng nắm bắt được kinh nghiệm làm việc, mở ra cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
Nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu
Thực trạng hiện nay nguồn nhân lực ngành Quản trị khách sạn nói riêng và nhân lực ngành du lịch nói chung là chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu.
Việc thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực khối ngành này còn hạn chế so với nhu cầu chung. Khảo sát tại một số công ty du lịch cho thấy, có tới 30 - 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ.
Trình độ ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghiệp vụ còn thiếu đã hạn chế các đơn vị du lịch không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài....
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM - cho biết, nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong 12 nhóm ngành cần nhiều lao động tại TPHCM.
Vì vậy, cần chú trọng đầu tư vào việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; phải thống kê chính xác lượng cung - cầu lao động của ngành này để việc đào tạo cân đối cung - cầu thị trường lao động, tránh tình trạng nhân lực khối ngành du lịch vừa thừa vừa thiếu.