Khóc cười bốc thăm cho trẻ vào mầm non
Từ ngày 4/8, các trường mầm non trên địa bàn TP Vinh bắt đầu tổ chức bốc thăm để tuyển sinh đầu năm học 2017 – 2018. Trường Mầm non Hoa Sen – trường mầm non công lập trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ có 75 chỉ tiêu cho 3 nhóm lớp trong độ tuổi từ 24-36 tháng.
Nhà trường đã giới hạn đối tượng trẻ là các cháu có cha, mẹ, người đỡ đầu có hộ khẩu tại TP Vinh hoặc đăng ký tạm trú ổn định tại TP Vinh từ 1 năm trở lên. Tuy nhiên, tổng hồ sơ đăng ký là 210, khiến cho phụ huynh đi bốc thăm cho con hết sức hồi hộp.
Chị Nguyễn Thị Thùy Ngân (SN 1991) trú tại phường Trường Thi mặc dù đang mang thai tháng thứ 8 vẫn đến tận trường từ sớm để bốc thăm, tìm cơ hội vào học “trường chuẩn” cho con trai đầu là cháu Trần Trọng Nghĩa (SN 2015). “Cả tối hôm qua cả nhà mất ăn mất ngủ. Sáng nay tôi còn sang đón cả bà ngoại đi bốc thăm cùng cho thêm tự tin”, chị Ngân nói. May mắn đã mỉm cười với bà mẹ trẻ khi bốc được lá thăm có, cả nhà ôm lấy nhau mừng chảy nước mắt.
Tại phường Hưng Bình, theo khảo sát, năm nay toàn phường có 250 cháu 2 tuổi. Trong đó, có gần 100 hồ sơ đăng ký vào học trường mầm non của phường, tuy nhiên chỉ tiêu thì chỉ có 25 cháu.
Với tỷ lệ 1 chọi 4, cơ hội vào mầm non được đánh giá còn khó hơn vào đại học. Để công khai, minh bạch, không gây phản ứng tiêu cực trong phụ huynh, nhà trường Mầm non Hưng Bình đã mời lãnh đạo phường đến dự, theo dõi buổi bốc thăm và Các phiếu trống và phiếu có đều được phụ huynh kiểm tra, và xóc đều trước khi bỏ vào hòm phiếu.
Nhận kết quả, các cháu thì chưa biết gì, còn người lớn thì kẻ khóc người cười. Chị Nguyễn Thị Huệ (một phụ huynh ở khối Bình Yên, phường Hưng Bình, nhận lại hồ sơ của con do không may khi bốc thăm cho biết: Nhưng không được thì sắp tới tôi sẽ gửi hồ sơ của cháu ở trường dân lập hoặc nhờ ông bà ở quê lên trông giúp.
Cô Lê Thị Kim Thoa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Bình chia sẻ: Trẻ đến tuổi đi học đều có quyền lợi được đến trường như nhau, nhưng việc cơ sơ vật chất và giáo viên không đáp ứng đủ nhu cầu trẻ nên chúng tôi buộc phải chọn phương thức tuyển sinh là bốc thăm. Nhà trường cũng mong phụ huynh thông cảm, chia sẻ với những khó khăn này nếu như không may bốc phải phiếu trống.
Cũng chung quan điểm, cô Nguyễn Hồng Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen cho biết: “Với 210 hồ sơ dự tuyển mà chỉ có 75 chỉ tiêu cho 3 nhóm lớp thì bốc thăm vẫn là phương án tối ưu nhất, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các cháu.
Có tình trạng hồ sơ ảo, một phụ huynh chuẩn bị nhiều hồ sơ chúng tôi sẽ đánh dấu trường hợp đó và xem xét cụ thể sau, đảm bảo không có tình trang tiêu cực, gian lận trong bốc thăm”. Cô Vân cũng cho biết, sáng 9/8 không ít trường hợp con cháu của lãnh đạo tỉnh, hoặc của chính giáo viên trong trường “rớt tuyển” do phụ huynh bốc phải phiếu không.
Giải pháp để tăng huy động trẻ 2 tuổi đến lớp
Một trong những lý do khiến chỉ tiêu dành cho trẻ 2 tuổi bị giảm đi, khiến cho việc tuyển sinh đầu năm căng thẳng là để đảm bảo ưu tiên phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Tại TP Vinh, Trường mầm non Lê Mao năm nay có gần 50 trẻ lên 5 tuổi chưa đi học hoặc đang học ở các trường mầm non tư thục (chưa có chức năng phổ cập) sẽ chuyển về.
Bởi vậy các lớp học từ 2 - 4 tuổi bị "co lại", và chỉ có 50 chỉ tiêu/ 210 cháu 2 tuổi có nhu cầu vào lớp. Trường Mầm non Hưng Bình cũng tiếp nhận mới gần 80 cháu 5 tuổi là con em của phường là con em các hộ của phường hoặc đăng ký tạm trú tại địa phương. Vì vậy chỉ tiêu cho trẻ 2 tuổi phải giảm một nửa.
Đây cũng là tình trạng của nhiều huyện đồng bằng, mật độ dân số động. Huyện Nam Đàn năm nay tăng so với năm học trước 21 nhóm lớp, nhưng giảm 8 nhóm lớp ở độ tuổi nhà trẻ. Nguyên nhân không phải do số lượng các cháu sinh năm 2015 giảm mà để dành lớp cho số cháu từ 3 – 5 tuổi (huy động ra lớp tăng 796 cháu).
Theo ông Đặng Hoài Nam – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn, để đáp ứng nhu cầu trẻ mầm non ra lớp, các cấp đảng ủy, chính quyền huyện, xã rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Chuẩn bị cho năm học 2017 – 2018 đã xây dựng 68 phòng học mới, đưa vào sử dụng, trong đó trường Mầm non Nam Thái có 10 phòng, Hồng Long có 8 phòng… Tuy nhiên, cái khó của huyện là hiện có 518 giáo viên mầm non và đang đang thiếu 107 người so với tiêu chuẩn của Bộ GD&DDT.
Tại thị xã Hoàng Mai, việc huy động trẻ 2 tuổi ở nhóm trẻ công lập giảm xuống 11,6% (so với 12%) so với năm trước. Nhiều đơn vị chỉ bố trí được 1 nhóm trẻ như Trường Mầm non Quỳnh Vinh A, Mầm non Mai Hùng. Thời gian qua, để giảm nhiệt cho hệ thống các trường mầm non công lập, thị xã cũng khuyến khích thành lập trường dân lập. Năm học 2016 – 2017, Trường Mầm non Long Thành đã đi vào hoạt động với quy mô 15 phòng học, nhưng chỉ huy động được 5 lớp.
Ông Nguyễn Viết Lộc – Trưởng phòng GD&ĐT Hoàng Mai lý giải: Mặc dù cơ sở vật chất mới và đầy đủ, nhưng do học phí cao hơn (600 nghìn/tháng) nên nhiều phụ huynh không đủ điều kiện cho con theo học.
Còn đối với thành phố Vinh, với 29 trường mầm non ngoài công lập, cùng với các nhóm lớp tư thục khác đáp ứng được khoảng 50% trong tổng số trẻ đến trường của thành phố. Mặc dù vậy, số trẻ đến tuổi đi học nhưng vẫn phải ở nhà còn rất nhiều. Với trẻ 2 tuổi, theo khảo sát toàn thành phố có 5.530 cháu nhưng chỉ tiêu chỉ được 3.226 cháu (đã bao gồm cả trường ngoài công lập).
Ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng GD Mầm non – Sở GD&ĐT lo ngại: Nhiều chung cư đang được xây dựng trong nội thành TP Vinh, phần lớn các hộ sinh sống là các gia đình trẻ, kéo số trẻ em sinh ra và đến độ tuổi đi học cao. Nhưng thực tế hầu hết các chung cư chỉ có siêu thị, nhà để xe… chứ ko có trường mầm non. Đây là áp lực lớn cho ngành giáo dục để đáp ứng nhu cầu và quyền lợi đi học của các cháu.
Hiện với mục tiêu tăng tỷ lệ huy động trẻ 2 tuổi đến lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo đang giao cho Phòng Giáo dục mầm non tham mưu lập Đề án Giáo dục mầm non ngoài công lập trình UBND tỉnh để củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.