Sáng ngày 16/3, sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn cho khối 9, Kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh, rất nhiều học sinh, giáo viên đã cùng nán lại đề trao đổi về đề thi và bài làm. Theo chia sẻ của nhiều học sinh, cấu trúc đề thi năm nay khá quen thuộc với 2 phần đọc hiểu và làm văn. Tuy nhiên các câu hỏi trong mỗi phần
Em Anh Thư (học sinh từ huyện Đô Lương) cho biết: Với phần đọc hiểu về đoạn trích trong bài thơ Mẹ ốm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, thì không quá khó để trả lời các câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, cách dùng từ, đặt câu, các biện pháp tu từ được sử dụng. Chủ đề về tình mẫu tử cũng rất gần gũi, thân thiết và điều mà chúng em thấy rất trân trọng, thiêng liêng để có cảm xúc.
Nhưng phần làm văn, em thấy có một câu khá là khó đối với mình. Đó là câu với ngữ liệu là câu chuyện ngụ ngôn “Xén lá”. Anh nhà giàu trồng cây hoa mẫu đơn, hoa nở rực rỡ được nhiều người trầm trồ khen đẹp, nhưng khi anh xén hết lá chỉ còn mỗi bông hoa thì ai cũng lắc đầu bỏ đi.
Em viết theo cách hiểu của mình, đó là quan niệm về thẩm mỹ, cái đẹp trong cuộc sống, nhưng không biết là đúng được bao nhiêu phần trăm với đáp án.
Còn bạn Thùy Chi (Trường THCS Bạch Liêu, huyện Yên Thành) chia sẻ:” Ở trong phòng thi, đọc lướt qua đề thì em thấy các câu hỏi đều gợi cảm xúc cho mình. Đây cũng là đề thi mở, chứ không giới hạn trong một bài, một chủ đề nào đó trong chương trình học.
Câu nghị luận văn học thì truyện ngụ ngôn xén lá là một ngữ liệu mới, không có trong sách, và chúng em phải tự hiểu, viết bằng cảm nhận và suy nghĩ của mình. Còn câu cuối cùng chiếm 10/20 điểm của đề thi mặc dù là một câu hỏi về chức năng, nhiệm vụ của văn học trong cuộc sống, mở ra liên hệ vào bản thân mình nhưng học sinh phải tự chọn dẫn chứng để chứng minh.
Riêng em, em thấy văn học, ngoài phản ánh hiện thực cuộc sống, thì còn có chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, nhân văn, làm con người sống đẹp hơn. Trong chương trình văn học có thể lấy dẫn chứng từ nhiều tác phẩm, bản thân em thì phân tích từ tác phẩm Trăng sáng của Nguyễn Duy”.
Nhiều thầy cô giáo cũng nhận định: Đây là một đề thi rất hay, vừa bám sát chương trình học, kiểm tra các khả năng đọc hiểu, vận dụng của học sinh, vừa nhẹ nhàng, có chất văn, có độ khó nhưng không đánh đố học sinh.
Đề sẽ khiến học sinh bộc lộ những phẩm chất, năng lực văn chương của mình. Đồng thời, đề cũng có tính chất gợi mở, để học sinh liên hệ đến bản thân, cho các em thể hiện quan niệm của mình về những giá trị đạo đức, lối sống trong xã hội.
Trong đó, riêng câu nghị luận văn học là câu hỏi được nhiều giáo viên đánh giá là câu mang tính phân loại học sinh. Cô Nguyễn Thị Thuận, nguyên GV Ngữ văn Trường THCS Nghi phú, nay là GV trường THPT Lê Viết thuật (TP Vinh) nhận xét đây là câu khó nhất trong đề.
Truyện ngụ ngôn “Xén lá” có thể hiểu từ việc nói về quan hệ giữa hoa và lá để liên hệ đến những vấn đề nhân sinh như giữa cá nhân với cộng đồng, cách nhìn nhận đánh giá vạn vật cũng như cái đẹp trong cuộc sống, chỉ thực sự viên mãn khi có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố. Vì thế, cần cái nhìn đa chiều về cuộc sống chứ không nên nhìn nhận một cách phiến diện.
“Tuy nhiên, theo tôi, đó cũng không phải là đáp án duy nhất cho câu hỏi này, mà có một khoảng mở cho học sinh. Câu trả lời của mỗi em, phụ thuộc vào hiểu biết, vốn sống, quan niệm về cuộc sống của em học sinh đó, nên sẽ có nhiều ý kiến được đưa ra”, cô Thuận nói.
Và điều quan trọng không phải là cách hiểu của học sinh có đúng và giống như cách hiểu của thầy cô, giám khảo hay không, mà là cách các em đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng, để thuyết phục người đọc về ý kiến của mình. Làm được điều này, thì học sinh đó thực sự là giỏi văn và về kỹ năng và cảm thụ văn học.