Cô giáo tâm huyết, sáng tạo của Thủ đô

GD&TĐ - Tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Thức, giáo viên Trường Tiểu học Gia Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) đã gắn bó với nghề giáo ngót nghét hai chục năm. 

Cô giáo tâm huyết, sáng tạo của Thủ đô

Tình yêu với nghề, sự tận tụy với học sinh chính là động lực để cô cống hiến, cũng như đổi mới phương pháp dạy và học. Năm 2017, cô là một trong những nhà giáo được vinh danh Nhà giáo tâm huyết sáng tạo của ngành GD-ĐT Thủ đô.

Linh hoạt với mỗi bài giảng

Chia sẻ về nghề của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thức tâm sự: “Một giáo viên tâm huyết, sáng tạo, trước hết phải có kiến thức chuyên môn sâu. Bản thân mỗi giáo viên rất cần thường xuyên, nỗ lực học tập, tích cực học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, khi rảnh rỗi, tôi thường tìm đọc thêm sách, báo, tra mạng Internet… để tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức. Cũng có khi, tôi đến bảo tàng để tìm hiểu các tư liệu lịch sử. Dự giờ đồng nghiệp và rút kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy cũng là một cách giúp tôi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, người giáo viên cần phải không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Đổi mới sáng tạo thể hiện ngay từ khâu chuẩn bị kế hoạch bài dạy”.

Trước khi soạn bài, cô Thức đều nghiên cứu kĩ nội dung bài học, xác định mục tiêu cho từng hoạt động, xác định nhiệm vụ của cô và trò. Trên cơ sở đó, xây dựng các hoạt động dạy và học phù hợp. Với mỗi bài dạy, cô luôn trăn trở suy nghĩ xây dựng thêm các câu hỏi, bài tập ở mức 3 và mức 4 để phát triển năng khiếu phù hợp với năng lực của học sinh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Trong mỗi tiết học cô thường kết hợp đa dạng phương pháp và hình thức dạy học. Bởi theo cô, dạy học cũng có nhiều phương pháp và hình thức. Tuy nhiên không có một phương pháp dạy học nào tối ưu với mọi mục tiêu và nội dung dạy học. Vì vậy, trong quá trình dạy học, cô phối hợp dạy toàn lớp, dạy theo nhóm lớn, nhóm nhỏ, dạy cá thể, vận dụng linh hoạt Mô hình Trường học mới, sử dụng đa dạng các kĩ thuật dạy học như kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật các mảnh ghép… một cách khéo léo, linh hoạt để phát huy được năng lực của học sinh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Theo cô Nguyễn Thị Thức, phương tiện dạy học trong đó ứng dụng CNTT có vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm tăng cường tính trực quan, nâng cao hiệu quả tiết dạy. Trong giờ học có ứng dụng CNTT, học sinh được quan sát hình ảnh với màu sắc sinh động, được xem những đoạn phim tư liệu, được làm bài tập trên máy tính… từ đó các em sẽ hứng thú, hiểu bài và ghi nhớ bài lâu. Cho nên việc tạo hứng thú trong tiết học cũng là điều rất quan trọng.

“Một tiết học diễn ra nhẹ nhàng, đầy hứng thú sẽ mang lại hiệu quả cao. Khi nghiên cứu và thiết kế bài dạy, tôi luôn chú ý đến yếu tố tạo cảm hứng cho học sinh. Khi thì đưa vào bài dạy một câu chuyện vui, một đoạn phim hoạt hình, một câu đố vui hay chỉ là một đoạn lời bình đậm chất văn để tiết học thêm phần vui và nhẹ nhàng” – cô Thức chia sẻ.

Là một giáo viên tâm huyết với nghề, cô không chỉ chăm chút từng bài giảng mà trong dạy học, cô luôn khơi nguồn, truyền cảm hứng say mê học tập cho học sinh. Cô luôn là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho các em noi theo. Năm học nào, học sinh lớp cô chủ nhiệm cũng có phong trào học tập tốt, nhiều học sinh đạt giải cao cấp quận, thành phố, quốc gia trong các sân chơi trí tuệ.

Đặc biệt với những học sinh có năng lực học tập hạn chế, cô luôn gần gũi hướng dẫn và phụ đạo tận tình, nên các em cũng dần dần tiến bộ. Điển hình em Phùng Minh Tú, một học sinh rất sợ học hai môn Toán và Tiếng Việt. Dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo của cô, em đã tiến bộ từng ngày. Cuối năm hai bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt, em đều đạt điểm 8. Năm học 2016 – 2017, cô bồi dưỡng 5 học sinh giỏi cấp quận, 1 học sinh giỏi cấp thành phố, 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc cấp quốc gia Cuộc thi Giải Toán Tiếng Việt trên mạng; 1 học sinh giải Nhất cấp quận Cuộc thi Giải Toán tiếng Anh trên mạng với số điểm tuyệt đối 300/300.

Cũng trong năm học 2016 – 2017, cô giáo Nguyễn Thị Thức đã đoạt giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học thành phố Hà Nội và được Liên đoàn Lao động quận Long Biên khen tặng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Cô tâm sự, những danh hiệu mà mình được vinh dự đón nhận chính là nguồn cổ vũ và động lực để cô phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?