Giàn mướp vàng hoa

GD&TĐ - Năm ấy, các cô giáo từ vùng xuôi mang con chữ đến với những trẻ em vùng đồi chè nông trường Quyết thắng. Cực nhọc, vất vả, khó khăn lắm. 

Giàn mướp vàng hoa

Dân ở đây cũng tứ xứ tụ về, quây quần lại thành những khu tập thể. Tuổi thơ của chúng tôi là những đồi chè bạt ngàn xa tít tắp. Bờ lau xanh trận chiến giữ công đồn. Mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc như chúng là những chàng thợ mỏ thực thụ.

Những trò chơi đánh khăng đánh đáo, những buổi chiều thỏa thích bên dòng suối mát trong. Tuổi thơ cứ thế dần lớn lên trong tiếng ru của đại ngàn, trong tiếng thở dài của vách núi, trong những con đường ngoằn ngoèo đầy bụi đất, trong những trưa hè trốn mẹ đi bắt chim.

Chúng tôi, những đứa trẻ vùng cao lần đầu đến lớp. Đứa chân đất đầu trần, đứa mặt mũi lấm lem, đứa mũi chảy như con giun đang lưỡng lự không biết bò ra hay bò vào theo nhịp hít thở của nó.

Cô giáo là một người thanh mảnh, khuôn mặt hiền từ, tóc xoăn từng lọn trông rất lạ mắt. Chỉ có thằng Năm là tóc gần giống cô nhưng là do nó đi giang nắng quá nên tóc nó quăn đi vì nắng gió. Lớp học là hội trường của nông trường lúc hội họp. Nhìn rất quen mà hôm nay lạ quá chừng. Có cái bảng và một cái tủ gỗ của chú Chín mới đem qua tức thời.

Cô nhìn cái Mai và bảo nó lên bảng. Cái bảng bằng ba tấm ván ghép lại, được sơn dầu hắc, mùi nồng nồng sộc vào mũi:

- Sao con lại đi chân đất thế?

- Mẹ có dép cho con rồi nhưng con quen đi chân không rồi cô ạ!

- Phải mang dép thường xuyên để không dẫm phải gai, hay mảnh chai người ta vứt bỏ.

Cái Mai bẽn lẽn nhìn cô rồi đi xuống. Thằng Tiến láu táu cái miệng nhất sao hôm nay cũng ngồi im re luôn. Cu cậu nhấp nha nhấp nhỏm với con sáo đang đậu trên cây trẩu gần cửa sổ. Mắt nhìn không chớp mắt, chỉ sợ chớp mắt rồi con sáo bay mất. Cô bước lại gần:

- Con tên gì? Tiến giật thốt người như kẻ ăn trộm bị chủ nhà bắt gặp.

- Dạ con tên Tiến. Tiếng nó hôm nay sao nhỏ nhẹ thế, thường ngày nó chỉ quát tháo bắt nạt chúng tôi thôi.

- Áo của con đứt cúc gần hết rồi kìa!

- Dạ mặc ri cho hắn mát đó cô.

- Thôi lên bảng cô đơm lại cúc cho. Mắt hắn mở to ngạc nhiên vô cùng, sao phải đơm lại cúc áo nhỉ! Nhưng rồi nó cũng ngoan ngoãn để cô đơm lại cúc áo cho nó. Trong chiếc túi của cô, có đủ thứ giống như hòm đồ nghề của bố cái Ngọc khi sửa xe đạp.

Cô vừa làm vừa trò chuyện với chúng tôi. Sự xa lạ giờ không còn khoảng cách.

Rồi cô dạy cho lũ trẻ những chữ cái đầu tiên. Những con chữ cứ nguệch ngoạc không ra hình thù cụ thể. Sau này học lên dần, nhớ lại những con chữ ấy tôi mới hiểu chữ kiểu tượng hình như thế nào. Tôi là đứa chậm chạp, nên cô luôn cầm tay nắn nót từng con chữ. Lúc ấy, bàn tay cô mềm mại vô cùng. Chúng tôi lớn dần theo con chữ.

Từ lúc nào, tình cảm của cô với những đứa học trò nghèo cũng bắt đầu bật lên như những mầm xanh biếc. Riêng với tôi, tôi vẫn nhớ mãi một lần được cô đưa đến trường vì chân đau. Con đường đá đến trường đã thấm biết bao giọt mồ hôi của cô.

Tôi không sao quên được hình ảnh cô với chiếc xe đạp cũ kĩ cứ kêu “cót két” theo từng vòng quay mà chú Bảy Tiếu đã cho cô mượn. Thế mà ngồi sau lưng cô, con đường dài dường như ngắn lại; cái nóng của buổi trưa nắng gắt dường như cũng mát dịu hẳn đi.

Nhìn lưng cô ướt đẫm mồi hôi mà miệng vẫn vui cười. Con đường từ nhà tôi tới trường hoa dại mọc đầy. Những bông hoa không tên vẫn cứ hồn nhiên sinh trưởng và tô điểm cho vùng cao những nét riêng mà không phải nơi nào cũng có.

Khi sang đến lớp 2 vì trong nhà tôi không có gì để tôi tặng cô giáo nhân ngày 20/11. Lũ bạn đứa thì một bịch bắp, đứa một rổ rau, đứa một thau măng rừng, đứa có nguyên xâu cá… Tôi cứ thập thò mãi, và quyết định sáng ngày mai cũng sẽ có quà tặng cô. Sáng sớm hôm sau, tôi đến trường thật sớm. Chân ngập ngừng lại phòng cô:

- Quà con tặng cô nè!

- Ở đâu vậy con?

- Dạ trên giàn của nhà con.

- Ồ, cô cảm ơn rất nhiều con gái nhé!

Tôi chẳng ngại ngần gì khi trao mấy quả mướp cho cô. Một sự thật mà tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ chôn giấu mãi mãi. Những quả mướp kia thực ra là của nhà dì Hồng. Tối qua tôi đã vạch hàng rào sang nhà dì hái trộm. Nhà tôi cũng có giàn mướp nhưng không có quả chỉ toàn là hoa. Không biết vì sao cô lại biết. Cô gọi riêng tôi ra ngoài và nói với giọng trầm buồn:

- Cô biết con rất thương cô. Lo cho cô rất nhiều nhưng món quà con tặng hôm ấy chẳng có ý nghĩa gì. Nó lại là món quà đến từ vườn nhà người khác.

Tôi òa lên khóc. Cô dỗ dành rất nhiều. Tôi nín khóc và chiều hôm ấy, hai cô trò lại cọc cạch trên chiếc xe đạp để đến nhà dì Hồng xin lỗi trong sự ngỡ ngàng vì giàn mướp dì nhiều trái quá nên dì không nhớ. Tôi nhớ mãi lời cô:

“Hãy trung thực với tất cả mọi việc, sống với nhau bằng tấm lòng chân thật con gái nhé!”.

Đến hôm nay, tôi bỗng nhớ lại những câu chuyện của người cô năm xưa. Và cũng cảm ơn giàn hoa mướp đầy hoa vàng nhắc nhở tôi kỉ niệm xưa dâng trào trong cảm xúc. Thầm cảm ơn cô về những gì tốt đẹp cô đã dành cho tôi và lũ trẻ con vùng cao ngày ấy. Đó là những lời dạy dỗ quý báu cổ vũ tôi trong những tháng năm dài...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.