Nghệ An: Lớp học dân tộc nội trú 100% đậu đại học tốp đầu, 11 em vào Bách khoa

GD&TĐ - Lớp học với toàn bộ học sinh là người dân tộc thiểu số đều đậu vào các trường đại học tốp đầu của cả nước với điểm số xét tuyển trên 20 điểm. Trong đó, có 11/28 bạn đậu vào Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Có 11/28 bạn lớp 12A1 Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An cùng trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội.
Có 11/28 bạn lớp 12A1 Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An cùng trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội.

Lớp học 100% đậu đại học tốp đầu cả nước

Vừa qua, sau khi làm thủ tục nhập học xong xuôi, 11 tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã cùng chụp ảnh lưu niệm và gửi về “báo cáo” với thầy cô Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An.

Điều đặc biệt là cả 11 bạn đều học cùng lớp 12A1 Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An, là con em người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi xa xôi của Nghệ An.

Trong đó, em Hà Mạnh Hùng đạt 27,9 điểm khối A nằm trong danh sách học sinh đạt điểm cao thi THPT quốc gia được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương sắp tới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trong dịp đến thăm, động viên học sinh lớp 12A1 trước kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trong dịp đến thăm, động viên học sinh lớp 12A1 trước kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Đây cũng là lớp học có thành tích về điểm thi THPT quốc gia khối A, B cao nhất từ trước đến nay của nhà trường.

Ngoài nhóm học sinh cùng trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội, các bạn trong lớp đều đậu vào các trường ĐH tốp đầu của cả nước như: ĐH Y Hà Nội, Y Thái Bình, Học viện Sỹ quan công binh, Phòng không không quân, Học viện Ngoại giao, ĐH Xây dựng, Giao thông vận tải…

Trong lớp còn có 2 em khác được Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An khen thưởng là Hà Trung Kiên (26,35 khối B) và em Nguyễn Thị Thùy Linh (25,25 khối B).

Danh sách học sinh lớp 12A1 trúng tuyển vào các trường ĐH (đã cộng điểm ưu tiên).
 Danh sách học sinh lớp 12A1 trúng tuyển vào các trường ĐH (đã cộng điểm ưu tiên).

Thầy Nguyễn Đậu Trung, giáo viên chủ nhiệm lớp vui mừng cho biết: Thành tích này trước hết là nỗ lực hết mình của cả lớp trong học tập. Các em đặt mục tiêu cho mình và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Ngoài học chính khóa ở lớp, các em còn tự học nhóm vào buổi đêm để bù đắp kiến thức, học hỏi lẫn nhau.

“Về phía các giáo viên, nhìn thấy năng lực, sự cố gắng của học sinh nên cũng dành thời gian, tâm huyết, kiến thức để dạy học. Nhóm học sinh xuất sắc được bồi dưỡng thêm để phấn đấu đạt điểm cao. Sự quan tâm, lo lắng của thầy cô cũng lan tỏa đam mê và lo lắng cho chính học trò. Năm lớp 12 vừa qua, tất cả thầy cô đều nhìn thấy sự tiến bộ vượt bậc của 28 học sinh trong lớp”, thầy Hùng cho hay.

Giúp học sinh mạnh dạn theo đuổi ước mơ

Hà Trung Kiên là học sinh người dân tộc Thái, nhà ở xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Như nhiều hộ khác trong bản, nhà Kiên cũng thuộc hộ nghèo, cả gia đình nhìn vào vạt rẫy trên rừng. Dù vậy, cậu học trò người Thái rất ham học, học giỏi, đặt mục tiêu đỗ vào đại học.

Lớp 12A1 trong thời gian ôn thi THPT quốc gia. Cả lớp có 28 bạn đều đậu ĐH tốp đầu cả nước.

Lớp 12A1 trong thời gian ôn thi THPT quốc gia. Cả lớp có 28 bạn đều đậu ĐH tốp đầu cả nước.

Kết quả, kỳ thi THPT vừa qua, em đạt 26,35 điểm khối B1. Với số điểm này, em có thể trúng tuyển vào trường quân y như mong muốn của bố mẹ và người thân.

Nhưng em lại chọn vào Học viện Nông nghiệp Hà Nội, lý do vì từ nhỏ em đã rất thích nông nghiệp, bản thân em sinh ra là con nhà nông. Nam sinh hi vọng sau khi tốt nghiệp sẽ đem kiến thức mình học được về tự sản xuất, làm trang trại và giúp ích cho bà con dân bản ở quê hương.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhà nghèo sao các em cứ chọn học ngành y, bách khoa, xây dựng… làm gì với thời gian học 5 - 6 năm, làm gánh nặng cho bố mẹ. Nhưng nếu có cách, tìm được nguồn hỗ trợ, thì giúp các em được học ĐH đúng với đam mê, năng lực là ưu tiên của các thầy cô. 
Thầy Nguyễn Đậu Hùng

Em Hà Mạnh Hùng – thủ khoa khối A của trường cũng đã đăng ký nguyện vọng 1 vào quân đội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em muốn việc học sau này của mình không là gánh nặng thêm cho người thân.

Nhưng cuối cùng, em lựa chọn nhập học ĐH Bách khoa, vì em đam mê công nghệ thông tin. Trước khi nhập học, em đi làm thêm ở xưởng mộc để kiếm tiền làm lộ phí ban đầu ra Hà Nội.

Tương tự em Nguyễn Thị Thùy Linh cũng đã lên đường nhập học ĐH Y Hà Nội sau khi có sự hỗ trợ, tiếp sức của các mạnh thường quân.

Thầy Nguyễn Đậu Hùng, giáo viên chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Học sinh của toàn trường và lớp 12A1 nói riêng hầu hết đều là con hộ nghèo, ở vùng sâu vùng xa. Tâm lý chung của phụ huynh vẫn muốn con học các ngành công an, quân đội hoặc sư phạm để đỡ nhiều chi phí, đó là điều dễ hiểu.

Hiện nay các bạn trong lớp đã nhập học vào các trường ĐH ổn định.
 Hiện nay các bạn trong lớp đã nhập học vào các trường ĐH ổn định.

Tuy nhiên, không phải em nào cũng đủ năng lực hoặc có sở thích đó. Vì vậy, trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh, thầy cô còn phải tư vấn cho cả phụ huynh. Các ngành được nhà nước bao cấp không phải là con đường lập nghiệp duy nhất".

Theo thầy Hùng, hiện các học sinh của lớp đã nhập học ổn định. Nhiều em ở trọ chung, tìm được việc làm thêm để lo chi phí sinh hoạt. Cũng có những nhà hảo tâm nhận tài trợ cho các em trong thời gian đi học.

Thầy Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An cũng chia sẻ: Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng quan trọng không kém việc dạy học. Trường chúng tôi là trường nội trú, vì vậy các thầy cô giáo đều hiểu rõ năng lực, sở thích và hoàn cảnh của từng học sinh. Từ đó, định hướng cho các em học nghề hay vào đại học, ngành gì…

Em nào đậu ĐH mà hoàn cảnh quá khó khăn, nhà trường cố gắng liên hệ với các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm để đỡ đầu, hỗ trợ các em kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ