Có người kéo dài “hợp đồng huyện” đã gần 20 năm. Bỏ nghề không nỡ, mà tiếp tục thì họ phải làm nhiều việc “tay trái” để nuôi “tay phải”.
Vừa qua, huyện Yên Thành tổ chức xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, khi có kết quả, một số giáo viên không trúng tuyển gửi đơn “kêu cứu” vì đã hợp đồng lâu năm, có nhiều thành tích, cống hiến cho ngành Giáo dục và lo ngại không có cơ hội lần sau.
Hi vọng rồi thất vọng
Thầy Nguyễn Duy Trình vừa nhận kết quả đợt xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng năm 2022 của huyện Yên Thành, Nghệ An. Nhưng một lần nữa, thầy lại không trúng tuyển.
“Tôi đã gửi ý kiến khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền của huyện. Nếu vẫn không được, có lẽ tôi sẽ nghỉ việc. Tôi mang danh “giáo viên hợp đồng huyện” gần 20 năm rồi, đã quá chán nản, bao nhiêu lần hi vọng rồi lại thất vọng”, thầy nói.
Từ năm 2004, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục – Thể thao Đà Nẵng, thầy Trình được nhận làm giáo viên hợp đồng dạy Thể dục tại Trường Tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Lương do huyện chi trả, với số tiền thời điểm đó chỉ vỏn vẹn 200 nghìn đồng/tháng.
Nhưng thầy giáo trẻ luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp đánh giá cao. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, thầy Trình cũng có 10 năm làm Bí thư Đoàn nhà trường, tham gia hoạt động phong trào năng nổ.
Đồng thời, thầy cũng thi và học liên thông lấy bằng đại học sư phạm để chuẩn hóa bằng cấp. Tính đến nay, 18 năm dạy học, thầy Nguyễn Duy Trình nhận nhiều bằng khen, giấy khen của ngành Giáo dục cũng như địa phương.
Năm 2019, thầy Trình cùng đồng nghiệp đã cứu được nam sinh Trường ĐH Y Hà Nội thoát đuối nước khi bơi tại thác 7 tầng (huyện Quế Phong, Nghệ An).
Dù đạt nhiều thành tích như vậy, nhưng đến nay, thầy Nguyễn Duy Trình vẫn đang là giáo viên hợp đồng huyện, với lương mỗi tháng hơn 2 triệu đồng.
“Tôi chờ đợi rất lâu nhưng vẫn không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên Thể dục tiểu học, dù đây là môn bắt buộc ở các nhà trường”, thầy chia sẻ. Cách đây 2 năm, huyện Yên Thành có tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng, trong đó có vị trí Tổng phụ trách Đội. Thầy Trình đã gấp rút đi học chứng chỉ Đoàn Đội để tìm cơ hội nộp hồ sơ ứng tuyển. Tuy nhiên sau đó, huyện này đã dừng tuyển dụng vị trí này.
Năm 2022, huyện Yên Thành được giao định biên và tiếp tục xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng, trong đó có 5 chỉ tiêu vị trí giáo viên môn Thể dục cấp tiểu học. Có 10 hồ sơ ứng tuyển, nhưng sau đó chỉ có 8 người tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, lần này, thầy Trình lại tiếp tục lỡ cơ hội, không trúng tuyển.
“Tôi biết việc xét tuyển lấy điểm từ trên xuống dưới, nhưng tôi mong lãnh đạo huyện và ngành Giáo dục xem xét năng lực chuyên môn của tôi trên thực tế, quá trình công tác lâu năm và xem xét lại trường hợp của mình. Đến nay, tôi cũng gần 45 tuổi rồi, tôi sợ khó chờ được đến cơ hội lần sau”, thầy giáo trình bày.
Lấy nghề tay trái nuôi hi vọng nghề giáo
Vợ thầy Nguyễn Duy Trình cũng là giáo viên dạy mầm non trong xã. Tiền lương của cả 2 vợ chồng cộng lại không đủ trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi 2 đứa con ăn học. Trong khi đó, gia đình còn có bố là thương binh, mẹ già yếu. Để có tiền trang trải cuộc sống, thầy làm thêm đủ nghề từ thợ xây, phụ hồ, sửa điện, mở lớp dạy bơi.
Những năm qua, vì không có tiền dựng nhà ra riêng, vợ chồng thầy Trình vẫn sống chung với bố mẹ trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ hiện đã hư hỏng, xuống cấp. “Sắp tới các con vào đại học, cần nhiều tiền, không thể trông cậy vào mức lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Nếu không vào biên chế, có lẽ tôi phải kiếm nghề khác còn nuôi con ăn học”, thầy Trình nói.
Theo cô Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Thành, không chỉ thầy Trình mà ban giám hiệu nhà trường cũng mong muốn nam giáo viên này được tuyển dụng vào biên chế.
Thầy là người tâm huyết, có năng lực chuyên môn tốt. Khối lượng công việc của thầy tương đương giáo viên khác trong trường, với 23 tiết/tuần, nhưng mức lương được nhận lại thấp hơn nhiều lần.
“Do là giáo viên hợp đồng nên thầy Trình không được tăng bậc lương, hoặc có chế độ phụ cấp như viên chức. Nhà trường cũng giao thêm việc, tạo điều kiện cho thầy có thêm thu nhập, nhưng không đáng kể. Theo đuổi nghề giáo nhiều năm, giờ nghỉ dạy kiếm việc khác cũng khó khăn và đáng tiếc với cả thầy lẫn nhà trường”, cô Nga chia sẻ.
Thầy Phan Tất Tuấn (41 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Quang Thành, huyện Yên Thành) cũng có ý định bỏ cuộc sau gần 20 năm gắn bó với nghề, dù đã có đầy đủ bằng đại học.
“Ban đầu, tôi cứ nghĩ mình cứ đi dạy, phấn đấu rồi sẽ được ghi nhận. Nhưng chờ hết năm này qua năm khác, vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng huyện. Đến nay, mức lương của tôi chỉ 1,9 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng nhận thêm cả mẫu ruộng, mà cuộc sống vẫn chật vật”, thầy trải lòng.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai đã chuyển xuống mầm non dạy nhiều năm nhưng nguyện vọng vẫn muốn trở về dạy Âm nhạc tiểu học |
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai (giáo viên Trường Mầm non Minh Thành, huyện Yên Thành) vốn là giáo viên hợp đồng dạy Âm nhạc của Trường Tiểu học Minh Thành từ năm 2007. Đến năm 2016, cô học thêm bằng trung cấp mầm non và chuyển xuống bậc học này dạy hợp đồng theo Thông tư 09 với lương và các chế độ phụ cấp tương đương viên chức.
Dù quyền lợi và thu nhập được cải thiện nhiều, nhưng cô Thanh Mai bày tỏ: “Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được trở về tiểu học dạy Âm nhạc, để phù hợp với chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường của mình. Thời điểm chuyển xuống dạy mầm non, lãnh đạo huyện cũng cho biết khi có chỉ tiêu ở tiểu học, nếu giáo viên có nguyện vọng, thì sẽ được ưu tiên tuyển dụng về cấp học cũ”.
Nhưng trong đợt tuyển dụng vừa qua, cô Thanh Mai không trúng tuyển vị trí giáo viên Âm nhạc tiểu học. Nói về kết quả này, cô chia sẻ “bản thân rất buồn, và không muốn chờ đợi nữa”. Hiện, cô đang mở lớp dạy múa cho trẻ, ngoài ra còn biểu diễn, làm MC cho một số sự kiện trên địa bàn để có thêm thu nhập.
Vẫn phải chờ chỉ tiêu biên chế
Liên quan đến vấn đề tuyển dụng, mới đây, 12 giáo viên hợp đồng của huyện Yên Thành có gửi đơn khiếu nại tập thể lên Thanh tra tỉnh Nghệ An. Các giáo viên này hầu hết có từ 15 năm dạy hợp đồng trở lên. Trong đơn nêu, họ thuộc đối tượng con thương, bệnh binh, gia đình chính sách.
Dù hợp đồng lâu năm với đồng lương ít ỏi nhưng vì lòng yêu nghề và hy vọng vào tương lai nên vẫn hết sức cố gắng và bám trụ với nghề. Quá trình công tác luôn hoàn thành nhiệm vụ, đạt nhiều thành tích.
“Sau khi tiếp nhận Công văn số 5378 về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước, chúng tôi đã rất vui mừng và phấn khởi”, các giáo viên nêu trong đơn.
Tuy nhiên, các giáo viên này cho rằng, quá trình tuyển dụng không thỏa đáng khi không xem xét ưu tiên những người có cống hiến, thâm niên công tác. Thay vào đó một số giáo viên trẻ tuổi hơn lại trúng tuyển.
Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Yên Thành (Nghệ An) hiện địa phương có 415 giáo viên hợp đồng. Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng - cho biết: “Trong đợt đặc cách tuyển dụng mới đây, nhiều giáo viên bị trượt cũng băn khoăn, có ý kiến lên mạng xã hội và gửi một số cơ quan chức năng”. Tuy nhiên vị này khẳng định “quy trình tuyển dụng của huyện làm đúng. Đảm bảo không có tiêu cực”.
Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thành, lãnh đạo địa phương thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của nhiều giáo viên. Nhưng chỉ tiêu biên chế được giao quá ít, nên chưa thể tuyển dụng hết. Trong khi đó, địa phương này đang thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Các đợt tuyển dụng gần đây, huyện ưu tiên chỉ tiêu cho giáo viên văn hóa tiểu học, Tiếng Anh, Tin học để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Còn giáo viên các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục số lượng tuyển dụng rất ít.
Ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành, Nghệ An - cũng cho biết, Phòng đã gặp mặt, động viên, chia sẻ một số trường hợp giáo viên không trúng tuyển. Về phía ngành rất mong muốn những giáo viên hợp đồng huyện được tuyển dụng, vừa đảm bảo đời sống cho họ, vừa đảm bảo đội ngũ triển khai nhiệm vụ giáo dục toàn diện. Nhưng về phương án giải quyết chỉ có thể chờ được giao định biên chứ không có cách nào khác.