Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, chia sẻ, ngành GD Nghệ An xác định “Nhà trường chia sẻ trách nhiệm với gia đình, cộng đồng để thúc đẩy và tạo điều kiện tối ưu cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non”. Trong đó, gia đình, nhà trường và cộng đồng có trách nhiệm hình thành và phát triển ở trẻ em các chức năng tâm, sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời”.
Hiện thực hóa
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho biết: Sau khi ban hành Kế hoạch, hàng năm Sở GD&ĐT ban hành các Công văn hướng dẫn cụ thể nội dung kế hoạch; chọn điểm chỉ đạo mô hình theo các vùng miền. Chỉ đạo 100% phòng giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn; một số đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia thực hiện chương trình phối hợp; đưa nội dung phối hợp vào chương trình hoạt động của từng tổ chức Hội để triển khai thực hiện, đánh giá thi đua.
Các lực lượng xã hội cùng phối hợp dạy bơi và tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ mầm non huyện Tương Dương |
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở GD Mầm non (MN) căn cứ vào Bộ tiêu chí xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương trình Phòng GD&ĐT phê duyệt. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở GDMN triển khai bộ tiêu chí, cách xây dựng kế hoạch; tổ chức Hội thảo các cấp (tỉnh, huyện, xã) có sự tham gia đầy đủ của các ban, ngành, đoàn thể, phụ huynh tại các cơ sở GDMN thực hiện tốt mô hình để làm tốt công tác truyền thông, chia sẻ, học tập kinh nghiệm.
“Chúng tôi đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong công tác phối hợp chăm sóc GD trẻ. Sau 2 năm triển khai thực hiện mô hình, hiệu quả thấy rõ nhất, được phụ huynh và xã hội thừa nhận đó là sự thay đổi mau lẹ về môi trường nhà trường theo hướng xanh, sạch, đẹp, thân thiện với trẻ, đặc biệt là môi trường trải nghiệm cho trẻ đã thay đổi tích cực. Giáo dục mầm non từ cấp học khó khăn nhất đã nhanh chóng vươn mình thành ngôi trường cuốn hút trẻ tới trường và làm mê lòng bất cứ ai đến thăm trường". Phó Giám đốc Nguyễn Anh Khoa cho biết.
Đổi thay tích cực
Diện mạo GDMN ở Nghệ An hôm nay đã có nhiều đổi thay hết sức tích cực. Là tỉnh miền núi duyên hải nhiều khó khăn về địa hình, địa lý nhưng nhờ sự kết hợp hiệu quả Gia đình - nhà trường và cộng đồng, mỗi ngôi trường được thiết kế khoa học để trẻ có nơi chơi, vận động, nơi trải nghiệm, góc thực hành để hình thành và phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ cũng như năng lực thẩm mỹ ở trẻ.
Đổi thay tích cực này đã và đang góp phần phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực của trẻ, các hoạt động học, chơi cũng được thiết kế lại theo hướng chuyển từ giáo dục áp đặt sang tự giáo dục.
Cộng đồng chung tay lo cơ sở vật chất, trường lớp cho trẻ mầm non là dấu ấn thành công của sự kết hợp 3 bên |
Điểm sáng của mô hình là vận động được sự tham gia của cha mẹ trẻ và các tổ chức xã hội vào quá trình giáo dục của nhà trường. Câu khẩu hiệu đặt nơi trang trọng nhất tại các trường mầm non: “Con của các bạn cũng chính là con của chúng tôi” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành con đường đi đến thành công của mô hình theo công thức “Tam giáo” (Giáo dục nhà trường - Giáo dục gia đình và Giáo dục cộng đồng, cụ thể hóa nguyên lý giáo dục của Đảng “Nhà trường gắn liền với xã hội”.
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Khoa đưa ra bài học kinh nghiệm sau 2 năm triển khai kết hợp 3 bên ở Nghệ An. Mô hình “Câu lạc bộ cha mẹ trẻ” đã khơi dậy sự gắn kết, tham gia và trách nhiệm của mỗi gia đình, người dân để cùng nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ theo cách của mình. Đến một số huyện vùng miền núi Nghệ An, bất kể ngày nào cũng có thể bắt gặp những người dân làm việc tại trường như một thành viên thực thụ, cần mẫn tưới tắm bồn hoa, vườn rau xanh hay làm mới, sửa sang lại đồ chơi ngoài trời “để con trẻ có chỗ chơi”.
Đặc biệt là sáng kiến mỗi gia đình cùng góp gà, góp gạo và tham gia nấu cháo để các bé có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã tạo thành điểm sáng về cách thức xã hội hóa giáo dục. Nhà trường vận hành theo mô hình “Câu lạc bộ cha mẹ trẻ” đã mở ra hướng đi mới của khái niệm “nền giáo dục mở” mà mọi cấp học, bậc học cần hướng tới để xây dựng một xã hội vì sự học, chăm lo cho sự học của con em mình. Đây là cách triển khai hết sức hiệu quả ở các cơ sở GDMN vùng khó và cũng là một trong những tác nhân quan trọng làm nên thành công chung.
"Từ thiết kế hoạt động giáo dục đến tổ chức các hoạt động học và chơi, giáo viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức, giám sát và giúp đỡ; trẻ được thực hành, trải nghiệm để phát triển cá nhân.... và quan trọng hơn cả là trẻ dần được hình thành thói quen tự lập trong một số tình huống cuộc sống xung quanh trẻ. Những thói quen, kỹ năng trên đã giúp trẻ có được hành trang cần thiết khi chuẩn bị bước vào lớp 1, giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý một cách nhẹ nhàng".– Phó Giám đốc Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh.