Dời địa điểm tổ chức từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám sang Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và tưng bừng với nhiều hoạt động có phần mới mẻ, Ngày thơ Việt Nam 2023 được kỳ vọng sẽ góp phần lan tỏa và nâng cánh thi ca cất lên “nhịp điệu mới”…
Trở lại sau 3 năm, Ngày thơ Việt Nam 2023 với chủ đề “Nhịp điệu mới” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức nhằm ngày Rằm tháng Giêng, tức Chủ nhật (5/2/2023). Khác với những lần tổ chức trước chỉ diễn ra trong buổi sáng, Ngày thơ Việt Nam 2023 diễn ra từ 8 giờ đến 21 giờ.
Trong đó, một số hoạt động như tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, trình chiếu phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam; giới thiệu ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ trên hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn; giao lưu với công chúng tại “Quán thơ”, “Đường sách”, “Nhà ký ức”… diễn ra ban ngày.
Còn đêm thơ Nguyên tiêu được bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ dưới ánh đèn sân khấu “Đàn thơ” dựng trước cửa Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long.
Có thể thấy, cùng với không gian mới, thời gian tổ chức của Ngày thơ Việt Nam được kéo dài cả ngày Rằm tháng Giêng. Nhờ đó, khách thơ được thoải mái la cà nơi “Đường sách” bên phố Nguyễn Tri Phương để thấy văn chương nước nhà, nhất là thi ca luôn ăm ắp và chờ đón những con mắt xanh thấu tỏ liệu rằng có phải thơ ca đang… “lạm phát” hay “thơ dở nhiều hơn thơ hay” hay không!.
Và khi lòng thơ tới cũng là lúc khách thơ bước tới chiêm ngưỡng “Cổng thơ” được dựng lên bằng thi ca - không đơn thuần là nơi đón chào những bàn chân bước tới chụp hình kỷ niệm mà còn ẩn chứa lớp lang ẩn dụ để ai đó quan tâm có thể luận giải gật gù đắc chí hoặc lắc đầu thắc mắc.
Qua “Cổng thơ” ấy, mỗi người được thung thăng dạo bước trên “Đường thơ” chấp chới những cánh bướm, rẻ quạt gấp từ giấy gió mời chào cùng thưởng lãm, ngâm nga 100 câu thơ nổi bật của thi ca Việt Nam.
Những “Quán thơ” và “Nhà ký ức” đón chờ cuối “Đường thơ” để ai đó muốn gặp lại thi nhân xưa qua các hiện vật quý giá (từ Bảo tàng Văn học) hoặc trò chuyện, bình phẩm với thi nhân nay về thơ ca Đông - Tây, kim - cổ rồi cuối cùng để hồn mình hòa nhịp, bay bổng trong đêm thơ Nguyên tiêu được trình diễn, thắp sáng nơi Hoàng thành Thăng Long cổ kính, mênh mông…
Khi vén màn không gian và thời gian đã được ban tổ chức tích cực dịch chuyển ấy phần nào đem đến sự tươi mới, khiến khách thơ tò mò giục lòng bước đến Ngày thơ Việt Nam 2023.
Song, ngoài chút mơi mới ấy thì không ít người dễ dàng nhận thấy giai điệu thi ca ở đây vẫn mang nhịp cũ trong những trình diễn năm xưa. Chẳng hạn như, 100 câu thơ chọn lọc viết trên giấy gió và treo nơi “Đường thơ” vẫn là dáng hình quen thuộc của những Ngày thơ Việt Nam trước đó, đã từng chọn, từng treo trên dáng hình tre trúc hay cờ phướn theo lối vào Văn Miếu.
Còn những “Quán thơ”, “Nhà ký ức” thì chưa năm nào vắng bóng ở các Ngày thơ Việt Nam, có chăng chỉ là mang tên gọi khác.
Riêng với đêm thơ Nguyên tiêu được cho là điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam năm nay khi sân khấu hóa một cách kỳ công, tạo hiệu ứng giải trí qua sự dàn dựng bài bản của đạo diễn Lê Quý Dương. Tuy nhiên, dường như sau những bóng bẩy, hào nhoáng từ âm thanh, ánh sáng hay các vũ điệu tưng bừng… thì vẫn là lệ cũ: Đọc, trình diễn, diễn xướng thơ theo tuần tự thế hệ: Từ Thơ Mới đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ Đổi mới và cuối cùng là thơ trẻ.
Đã nhiều năm qua, Ngày thơ Việt Nam bị chê nhàm, nhạt, hình thức, chưa lan tỏa được giá trị đích thực của thơ ca mà ngày càng bị nghiệp dư hóa bằng thơ câu lạc bộ thậm chí thơ ca lép vế trước những hoạt động trưng bày sản vật vùng miền.
Ngày thơ Việt Nam 2019 được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: ITN. |
Bởi vậy, sau những gián đoạn vì dịch Covid-19, sự trở lại lần này của Ngày thơ Việt Nam luôn được khách thơ mong chờ, kỳ vọng có những đổi mới, đột phá, nhưng không chỉ dừng lại ở việc đổi chỗ, thêm thời gian hay “cơ học” gộp 2 sân thơ (già - trẻ) - như ban tổ chức truyền thông.
Khách thơ chờ đợi một chương trình tôn vinh và thể hiện được vẻ đẹp lấp lánh của áng thơ qua các hình thức thể hiện thoát khuôn mẫu cũ, nhiều khi không hẳn là sự hoành tráng, to tát, ồn ào nhưng xa rời công chúng mà là những gì gần gũi, mộc mạc, hồn hậu như bản chất của thi ca dân tộc ngàn năm. Cũng vì, khách thơ mong mỏi từ đây sẽ góp phần lan tỏa và tạo nên “nhịp điệu mới” cho thi ca.
Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Văn, sự đổi mới, cải tiến của Ngày thơ Việt Nam cần được bắt đầu từ chủ đề cho đến hình thức thể hiện. Sự thưởng thức, thẩm thấu để thấy được cái hay, cái đẹp của thơ không chỉ là xem, nghe trên sân khấu hóa mà còn từ việc tạo ra không gian đọc chậm hợp cảnh, hợp tình.
“Còn khi vẫn là rượu cũ trong bình mới thì khó lòng đem đến cho lễ hội thi ca diện mạo mới. Đó là còn chưa kể đến việc quá nhàm, nhạt khiến các cây bút chuyên nghiệp sao nhãng, không muốn ghé chơi…”, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn bày tỏ.
Vả lại, việc tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu vào buổi tối, giữa tiết trời còn vương lạnh thậm chí ướt mưa cũng gây không ít trở ngại cho các nhà thơ đã ở tuổi xưa nay hiếm vốn đã ngần ngại ghé lễ hội nay lại càng ngần ngại hơn.
Chẳng thế mà, nhà thơ Anh Ngọc, người từng đọc thơ và được độc giả mến mộ trong một số Ngày thơ Việt Nam trước đó cho rằng không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như buổi sáng Nguyên tiêu khai hội vẫn phù hợp hơn cả.