Ngày Tết ngẫm 'Tật xấu người Việt'

GD&TĐ - Cuốn sách 'Tật xấu người Việt' thể hiện góc nhìn 'tản mạn về tính cách người Việt và văn hóa thị dân' của tác giả Di Li.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuốn sách “Tật xấu người Việt” thể hiện góc nhìn “tản mạn về tính cách người Việt và văn hóa thị dân” của tác giả Di Li. Tác phẩm này sẽ càng thêm ý nghĩa khi năm hết Tết đến, chúng ta có dịp gác lại hết những lo toan, bộn bề trong cuộc sống, thư thái đọc từng trang sách và nhìn lại bản thân để “sửa mình” và tự tin bước sang Xuân mới...

“Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm”. Đây là đôi lời giới thiệu mở đầu của “cuốn sách dành cho người trưởng thành” như “Tật xấu người Việt”, dự báo góc nhìn gai góc, nhưng hữu ích và sâu sắc.

Cuốn sách này là một phần của “bộ sách về tính cách người Việt và văn hóa thị dân” với phần hai “Tính tốt người Việt” sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Đối với bất kì cá nhân, tập thể hay nói rộng ra là cả một dân tộc, tốt và xấu luôn là hai yếu tố song hành, tồn tại trong văn hóa, tính cách và chẳng ai mong muốn bị chỉ ra tật xấu của mình. Nhưng muốn trưởng thành thì cần phải nhận ra khuyết điểm của bản thân và sửa chữa chúng.

Tác phẩm “Tật xấu người Việt” là tiếng nói thẳng thắn, trực diện như chính cái tên của nó với mong muốn chỉ ra “những khiếm khuyết trong tính cách (và tính nết) của người Việt” với “tinh thần hài hước tự trào” để tất cả cùng tiến bộ.

Được chắp bút bởi một tác giả đa tài và có hiểu biết sâu sắc về văn hóa của nhiều nước trên thế giới như Di Li, cuốn sách luôn có những dẫn chứng cũng như sự đối chiếu rất “đắt”.

Nhiều tật xấu đã được chỉ ra một cách thẳng thắn và khá toàn diện như: “Tự ái (không phải là tự trọng), mặc cảm tự ti, lỗ mãng, cả nể, duy tình (không tuân thủ luật lệ), chửi bới (thay cho phản biện), soi mói đời tư cố chấp (không chịu xin lỗi khi có lỗi), hay đổ lỗi…

Gần 400 trang của phần sách đầu tiên phần nào giúp chúng ta ngẫm, nhận ra nhiều khuyết điểm còn tồn tại trong tác phong, tính cách, lối ứng xử…, qua đó từng bước sửa chữa, hạn chế để nâng cao bản thân.

Từ tật xấu tính cách

Có những tật xấu đã tồn tại trong tính cách lâu đến mức ai cũng nhận ra nó trong bản thân nhưng đều tặc lưỡi chấp nhận, thậm chí coi điều ấy là một nét đặc trưng của người Việt. Cả nể là một trong những tật xấu như vậy. Với nhan đề “Những người cả nể”, tác giả Di Li phân tích cho độc giả thấy đức tính nổi bật này của người Việt.

Mở đầu, tác giả đưa ra dẫn chứng về sự sốc văn hóa của chính mình khi đối mặt với tính thẳng thắn của người nước ngoài. Đó là, hai lần Di Li bị từ chối khi nhờ hai người bạn đều là đồng nghiệp người Mỹ. Tuy việc chỉ là xem một vài trang giấy và gạch chân “những câu văn dịch chưa chuẩn mực” nhưng hai đồng nghiệp người nước ngoài ấy khi cảm thấy mình không thể giúp được đã từ chối rất thẳng thắn.

Vẫn là công việc như vậy, thậm chí là lớn hơn, người Việt sẽ vẫn nhận lời và cố thực hiện dù cho bản thân có bận đến mức nào đi chăng nữa vì nể người nhờ. “Người Việt hiếm có khả năng từ chối người khác, đặc biệt là với những mối quan hệ mang tính ngoại giao hoặc thân thiết”.

Tác giả còn lấy một dẫn chứng cụ thể mà cũng rất hài hước, đó chính là kiểu đi ăn tiệc như chạy “sô”: “Có người ăn nửa bữa đứng dậy để kịp chạy “sô” đám khác, có người thì nhà chủ ăn nửa bữa hoặc cuối bữa rồi mới đến, chỉ ngồi trà suông vì đã ăn ở nơi khác rồi”.

Hay là chuyện cố ăn, cố uống khi người khác mời cho dù đã rất no. Bởi vậy, đôi khi đi ăn tiệc đối với người Việt cũng là một việc rất vất vả và “khổ”. Ngay cả những chuyện lớn như chuyện làm ăn, công việc cũng bị sự cả nể chi phối dẫn đến những lời hứa suông.

Thậm chí, vua thời xưa lấy vợ cũng chỉ vì… cả nể vì các quan đại thần tự nguyện dâng con gái yêu: “Mới đây lại vừa có một ông quan đòi dâng con gái cho ta. Dù tuổi đã cao mà ta cũng không thể từ chối, không sẽ làm cho ông ta tức giận”.

Câu chuyện đặt tình cảm, sự nể nang lên trên hết của người Việt cũng được tiếp tục nhắc đến qua phần “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Khác với người phương Tây “vốn đã quen với tư duy logic, sống mạnh về lý trí và nguyên tắc”, người Việt khi làm việc luôn “cần phải có đủ cả lý, cả tình”.

Tác giả đã lấy dẫn chứng về các cuộc thi, ban giám khảo nhiều khi chấm giải đưa ra những quyết định “thấu tình đạt lý”: “Điểm chỉ là để tham khảo, là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ”.

Hay trong các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhiều khi việc tuyển dụng cũng dựa trên tình cảm. Chính vòng xoáy của chữ lý và chữ tình suốt bao thế hệ người Việt nhiều khi đã tạo ra sự khó xử, dẫn đến cả “lùm xùm, kiện cáo, nhỏ to, chê bai, giận dỗi”. Biết là như vậy, nhưng ai cũng chấp nhận tật xấu này và quen với nó đến mức đặt chữ “tình” lên cao như một phản xạ.

Tranh minh họa trong cuốn sách 'Tật xấu người Việt'. Ảnh: Anh Sơn.

Tranh minh họa trong cuốn sách 'Tật xấu người Việt'. Ảnh: Anh Sơn.

Một tật xấu nữa trong tính cách mà cũng rất quen thuộc với người Việt đó chính là văn hóa đổ lỗi: “Hết đổ cho người thì đổ cho thời tiết, đổ cho số phận, đổ cho thiên không thời, địa không lợi, nhân không hòa”.

Văn hóa đổ lỗi đôi khi đã hình thành trong con người Việt từ bé. Trong khi các bà mẹ nước ngoài, khi “đứa trẻ bị vấp ngã”, họ “khuyến khích nó tự đứng lên” thì tại Việt Nam sẽ thường nghe những câu nói như: “Ôi thương, bà đánh chừa cái đất này làm cho em ngã”.

Tất nhiên, đây chỉ là câu nói thể hiện tình cảm của người bà, người mẹ nhưng đứa trẻ vô hình trung lớn lên trong sự đổ lỗi. Những ví dụ rất xác đáng khác về việc đổ lỗi của người Việt cũng được nhà văn Di Li nêu ra. Đó có thể là sự đổ lỗi cho giáo viên, bạn xấu… mà mọi người dường như quên mất rằng, đâu mới là căn nguyên chính của sự việc “không ai có lỗi làm sao xin lỗi”.

Trong phần này, tác giả đã kể cho độc giả một mẩu chuyện về Bác Hồ khi thăm lớp huấn luyện nghiệp vụ nấu ăn đầu tiên toàn miền Bắc vào năm 1961. Trong khi mọi người than phiền, đổ lỗi cho hoàn cảnh nên không thể học tập được, Bác đã nhẹ nhàng kể về việc trước đây khi Bác chỉ là một “vong quốc nô” làm phụ bếp nhưng vẫn dành thời gian và quyết tâm để học hỏi nhiều điều.

Chính vì tâm lí đổ lỗi nên nhiều khi sự sai sót vẫn diễn ra như một vòng tròn tuần hoàn mà chẳng ai có lỗi, khiến không được tìm ra và khắc phục triệt để. Bởi vậy, khi đọc và ngẫm phần viết về văn hóa đổ lỗi của người Việt, chúng ta sẽ không khỏi giật mình mà tự thay đổi bản thân, tránh đi tật xấu “giống như một người ngứa mông mà lại đi gãi đầu thì làm sao hết ngứa?”.

Tranh minh họa sinh động trong cuốn sách 'Tật xấu người Việt'. Ảnh: Anh Sơn.

Tranh minh họa sinh động trong cuốn sách 'Tật xấu người Việt'. Ảnh: Anh Sơn.

Đến tật xấu hành động

Tại Việt Nam, nhất là ở những khu vực dân cư đông đúc, vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn vốn dĩ đã chẳng có gì xa lạ. Hàng xóm đôi khi Tết đến Xuân về lại cãi nhau chỉ vì hát karaoke quá to. Không khác mọi người là mấy, chính nhà văn Di Li cũng đã phải trải qua hoàn cảnh tối không ngủ được vì hàng xóm tầng trên làm việc khuya, gây tiếng ồn.

Mặc dù, “lên bấm chuông rồi, nhã nhặn hết sức có thể và hầu như năn nỉ” nhưng tác giả chỉ nhận được thái độ khá phổ biến của người Việt khi bị nhắc nhở về tiếng ồn đó là sự khó chịu kèm theo việc tiếng ồn vẫn tiếp diễn.

Nhà văn đã đưa ra một ví dụ để so sánh sự tương phản trong tiếng ồn ở Tây và ta. Trong khi người nước ngoài, nhất là ở châu Âu không chịu được tiếng ồn cho dù đó chỉ là tiếng kẹt của cánh cửa bị khô dầu thì chúng ta cũng dần quen và thích nghi với đủ loại tạp âm.

Người đọc sẽ không khỏi bật cười khi đọc câu chuyện ngài đại sứ do chênh lệch múi giờ nên phải giải quyết công việc đến tận 2 giờ sáng và bất đắc dĩ bật dậy nhờ tiếng nhạc như báo thức của “các quý bà yêu thể dục”. Người Việt hẳn đã chẳng lạ lẫm với tiếng nhạc tập thể dục xập xình theo nhịp đếm hay tiếng xe cộ của người đi làm sớm và tập ngủ được với đủ loại tạp âm như vậy.

Nhưng thật sự, sự ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cộng đồng rất nhiều. Không thiếu những hành vi bạo lực xuất phát chỉ vì hát hò, loa đài quá to. Phần này của cuốn sách không chỉ nêu lên thực trạng về tiếng ồn ở Việt Nam, mà cũng cảnh báo độc giả về những ảnh hưởng về cả hành vi lần tâm lí đến từ “tiếng ồn của những người hàng xóm”.

Ngày Tết vừa du Xuân vừa dành khoảng thời gian nhàn rỗi và đọc cuốn “Tật xấu người Việt” chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều thông điệp, trong đó có riêng hẳn một phần mang tên “Quà Tết bây giờ”.

Tác phẩm 'Tật xấu người Việt' là tiếng nói thẳng thắn, trực diện với 'tinh thần hài hước tự trào' để tất cả cùng tiến bộ. Ảnh: Anh Sơn.

Tác phẩm 'Tật xấu người Việt' là tiếng nói thẳng thắn, trực diện với 'tinh thần hài hước tự trào' để tất cả cùng tiến bộ. Ảnh: Anh Sơn.

Qua phần này, nhà văn đã phản ánh về văn hóa tặng quà đang bị biến chất ở Việt Nam. Bắt đầu từ câu chuyện khiến cho nhiều học sinh phải suy ngẫm đó là việc chúc mừng thầy cô nhân ngày 20/11, tác giả Di Li đã chỉ ra văn hóa tặng quà ngày càng thực dụng.

Cứ ngỡ, ngày 20/11 là ngày hội của ngành nhà giáo, ngày mà học trò tíu tít gặp gỡ và chúc mừng các thầy cô đã và đang dạy dỗ mình thì sự thật đáng buồn là ngày nay lời chúc đang thưa dần, có nguy cơ biến mất. Tương tự, quà Tết “nếu quà chỉ là cân cam, hộp mứt thì quả là bêu riếu”.

Nhiều người đang xa dần những giá trị về mặt tinh thần mà sống thực dụng. Đọc xong “Quà Tết bây giờ” chắc hẳn độc giả cũng nhận ra thông điệp đầy ý nghĩa của tác giả, đó là hãy trao nhau nụ cười và tình yêu vào dịp Tết, đừng để: “Có phải thời bây giờ, được tặng quà mà đâm cũng buồn”.

Còn rất nhiều chia sẻ, gửi gắm của tác giả trong cuốn “Tật xấu người Việt” để độc giả đọc và ngẫm trong ngày đầu Xuân. Có tật xấu sẽ khiến ta bật cười nhưng cũng có tật xấu phải gật gù và thầm nhủ: “Ừ nhỉ, phải sửa ngay thôi…” để tiến bộ hơn nữa trong một năm mới năng động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chính sách chiết khấu quà tết cho doanh nghiệp tốt nhất