Ngày mới ở làng “Chanchu”

GD&TĐ - Chúng tôi trở lại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nơi mà cách đây 10 năm, đã từng là địa chỉ sẻ chia của những tấm lòng nhân ái của cả nước. 

Ngày mới ở làng “Chanchu”

Sau Chanchu, cơn bão “xa đất liền nhưng gần ngư dân” vào tháng 5/2006 khiến 266 người chết và mất tích nhưng chỉ có 20 người được tìm thấy xác, Bình Minh được nhắc đến với tên gọi là làng Chanchu khi 83 ngư phủ đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển. Nước mắt vẫn nghẹn ngào nuốt vội khi nhắc lại những vết thương chưa bao giờ khép miệng, nhưng câu chuyện ở Bình Minh đã lấp lánh những niềm vui được chắt chiu từ trong khó nhọc…

Nỗi đau đã lùi xa

Vừa trở về sau chuyến đi khơi chụp mực xà, anh Trần Công Tú bỏ dở cả bữa cơm trưa để tiếp chuyện chúng tôi. Người đàn ông 52 tuổi với 37 năm đi biển, quen ăn sóng nói gió, vẫn không khỏi rùng mình khi nhắc lại cơn bão kinh hoàng mười năm về trước. “Giữa biển khơi thì mình cũng như hạt cát thôi, có hai chiếc tàu ngay giữa dòng xoáy, cũng không hiểu sao mà tàu mình sống sót trở về trong khi tàu bên cạnh mất tích không còn một ai”.

Ở nhà khoảng 3 tháng, làm đủ thứ nghề, nghĩ rằng hẳn đã đoạn tuyệt với biển nhưng rồi “không bước xuống biển thì biết lấy gì sống” - anh Tú kể - “đi biển cũng là nghề truyền thống của gia đình mà, đâu bỏ cuộc được”. Anh Tú mua lại ghe nhỏ với 90 CV rồi đi biển trở lại. “Chưa hết chợn nên tôi không đi câu mực nữa, chuyển sang đánh bắt ven bờ”. Hai năm trở lại đây, sau khi hoàn thành lớp đào tạo thuyền trưởng miễn phí do UBND xã phối hợp tổ chức, anh Tú cùng 4 người khác chung vốn đóng tàu gỗ công suất lớn, trở lại vươn khơi với nghề chụp mực xà.

Ông Phạm Phú Thành - chủ tàu Qna 95959 TS vừa bị tàu nước ngoài đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa hồi đầu tháng 5/2016 cũng là một trong những ngư dân trở về từ Chanchu: “Chúng tôi chỉ muốn quên đi vết thương chưa bao giờ lành của thảm họa Chanchu. Nhưng mình là lao động chính của gia đình, rồi còn công ăn việc làm của anh em; còn là vấn đề chủ quyền biển đảo nữa, bỏ biển sao đành”.

Trở về với bàn tay trắng, ông Thành vẫn quyết tâm vay vốn đóng mới tàu vỏ thép để tiếp tục vươn khơi bám biển. Đang “đứng ngồi không yên” với khoản nợ 6 tỉ, chưa biết nhìn vào đâu để trả, nhưng ông Thành vẫn mong được hỗ trợ đóng mới tàu để tiếp tục vươn khơi.

Giờ ở xã Bình Minh đã có nhiều ngư dân chuyển từ đi bạn thành chủ tàu. Thời điểm xảy ra bão Chanchu, Bình Minh có 60 thuyền, chủ yếu là công suất nhỏ, ngư dân đa số đi bạn.

Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Hiện Bình Minh có đội tàu đánh bắt xa bờ rất lớn, với 4 tàu vỏ thép, 147 tàu thuyền vỏ gỗ. Bằng nhiều nguồn vay, ngư dân mạnh dạn đóng mới cải hoán tàu có công suất lớn mua sắm các trang thiết bị hiện đại vươn khơi bám biển ngư trường truyền thống, quyết tâm làm giàu từ biển”.

Cộng đồng sẻ chia, cổng trường rộng mở

Sau đại tang làng cát, đã có rất nhiều tấm lòng hảo tâm của bà con cả nước, các tổ chức xã hội hướng về nơi “tâm bão” trên đất liền đã mang đến cho những học sinh có người thân bị nạn sự động viên, khích lệ lớn, tiếp sức cho các em đến trường... Bộ GD&ĐT thời điểm ấy đã quyết định đặc cách tốt nghiệp THPT cho con em nạn nhân bão Chanchu khi ngày thi đã cận kề.

Ngành Giáo dục ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đều tham mưu cho chính quyền miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho các em. Rồi sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan báo chí... với những suất học bổng hay bảo trợ dài hạn với một mục đích duy nhất là “tiếp lửa” cho các em đến trường.

Mất cha khi mới hơn một tuổi, cháu Trần Thị Mỹ Loan đến nay đã học gần hết tiểu học, vẫn đều đặn được Hội Khuyến học Thăng Bình tặng học bổng hàng năm. “Hồi đang học mẫu giáo, cháu được hỗ trợ 500.000 đồng/năm, lên lớp Một thì mức hỗ trợ được tăng lên với 800.000 đồng/năm; mới đây thì được hỗ trợ 1 triệu/năm” - bà Nguyễn Thị Hoa, bà ngoại của Loan kể.

Chồng mất trong chuyến đi biển dài đến vô tận, mười năm qua, chị Hoàng Thị Nguyệt nuốt nỗi đau vào trong, chạy chợ, buôn bán từ mớ rau, con cá, một mình nuôi 6 đứa con nhỏ ăn học.

Khi nghe tin dữ của cha ở ngoài khơi xa, em Trần Văn Tài - đứa con cả của chị Nguyệt - đã mím chặt môi, quả quyết với chúng tôi rằng em sẽ thi đỗ vào lớp 10 trường công lập để an ủi vong linh ba và làm chỗ dựa cho cả gia đình. Giờ thì Tài và đứa em kế đã có nghề nghiệp ổn định, phụ được mẹ chút đỉnh để hỗ trợ em gái thứ 3 đang học CĐ, 3 đứa em còn lại vẫn đang học phổ thông.

Theo như ông Trương Công Bảy, chính quyền đã vận động các hộ gia đình gửi tiết kiệm số tiền được hỗ trợ từ nhiều nguồn vào ngân hàng để nuôi con ăn học. “Chúng tôi ưu tiên giải quyết việc làm cho số phụ nữ đơn thân để có nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài việc chạy chợ buôn bán cá, một số chị em được nhận vào làm may gia công tại địa phương, xẻ cá, chế biến thủy sản hoặc hỗ trợ vay vốn chăn nuôi… Trong số con em của 83 ngư dân xấu số trong cơn bão Chanchu, có khoảng 10 em đã tốt nghiệp ĐH chính quy, khoảng 20 em theo học CĐ, TCCN và đã có việc làm ổn định”.

Những ngày này, người dân làng Bình Minh đang chuẩn bị làm giỗ lần thứ 10 cho những ngư dân xấu số vĩnh viễn nằm lại ở biển khơi trong cơn bão dữ Chanchu. Sau những trận cuồng phong, sóng biển lại lặng lẽ, hiền hòa như một lời sám hối, một bình minh mới đã trở lại trên xã biển Bình Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ