Ngày làm việc thứ mười lăm, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tháo gỡ khó khăn nguồn bổ nhiệm thẩm phán tối cao

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 7/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường và biểu quyết về nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, các ĐBQH nhất trí với đề xuất: “Từ nay đến ngày 1/2/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội trường trong ngày làm việc thứ mười lăm, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội trường trong ngày làm việc thứ mười lăm, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quang Khánh

Buổi sáng, Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng hệ thống điện tử về 1 nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc. Kết quả, với 258/429 đại biểu tham gia cho ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua phương án 1 “có quy định Văn phòng Kiến trúc sư trong Luật Kiến trúc”.

Ở nội dung xin ý kiến ĐBQH về thẩm quyền quy định danh mục các dự án dự phòng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, với 299/439 đại biểu cho ý kiến tán thành, Quốc hội đã chọn phương án 1 là giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao phân bổ chung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được các nguồn vốn hàng năm và phải bố trí được trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền. Riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội và từ tăng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, bảo đảm quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả theo đúng luật quy định.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Các đại biểu đều đồng tình về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã họp nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách Nhà nước năm 2018 và 2019 và thảo luận ở hội trường về một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách Nhà nước năm 2018 và 2019.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước, song một số ý kiến đề nghị cần có báo cáo về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua. Các đại biểu cũng cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể như: Phạm vi sửa đổi, bổ sung luật; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; nhiệm vụ giám định tư pháp; thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước...

Cũng trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Các đại biểu nhất trí với đề xuất: “Từ nay đến ngày 1/2/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.

Một số ý kiến cho rằng, do vị trí, vai trò quan trọng nên để bảo đảm chất lượng thì cần kèm theo điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao phải có thời gian giữ ngạch Thẩm phán cao cấp tối thiểu là 30 tháng hoặc 36 tháng. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai, nếu sửa nghị quyết kèm theo điều kiện trên sẽ không tháo gỡ được khó khăn vướng mắc trong việc thiếu nguồn bổ nhiệm, đồng thời cũng là nguồn lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao. “Điều kiện này cũng sẽ phũ phàng loại đi nguồn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao từ 142 thẩm phán cao cấp hiện được bổ nhiệm từ năm 2017 đến nay và sẽ không đạt được yêu cầu cấp thiết của việc trình Quốc hội trong việc sửa nghị quyết Nghị quyết số 81/2014/QH13 lần này”, đại biểu nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ