Không để là điểm trung chuyển ma túy
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi đầu tiên trong phiên chất vấn. Đại biểu nhấn mạnh vấn đề cử tri rất quan tâm và bức xúc hiện nay là việc vận chuyển, mua bán ma túy giờ không tính bằng gram hay kg mà tính bằng tấn. Điều này cho thấy công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp so với tính phức tạp của tình hình. Trách nhiệm của ngành Công an ở đâu, giải pháp căn cơ trong phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn ma túy?
Cùng đặt câu hỏi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) băn khoăn: Phải chăng chúng ta chưa đánh mạnh như một số nước trong khu vực nên tội phạm đã chọn Việt Nam làm địa bàn trung chuyển ma túy đi các nước? Lỗ hổng yếu kém trong công tác kiểm soát ma túy tại các cửa khẩu là gì mà để một số lượng ma túy lớn xâm nhập vào nội địa? Phòng, chống tội phạm ma túy cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội khác quan tâm đặt câu hỏi chất vấn trong buổi sáng ngày 4/6.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Thời gian qua, lượng ma túy bị bắt giữ rất nhiều, tuy nhiên chúng ta có thể yên tâm là lực lượng công an đã dự báo trước tình hình này. Kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống ma túy vừa qua cũng là con số nói lên điều này. Trước hết phải khẳng định, tội phạm ma túy là một vấn đề quốc tế, không một quốc gia nào có thể giải quyết được tội phạm ma túy mà không có sự hợp tác.
Năm 2018, Bộ Công an đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn, chiếm 70% vào nước ta qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Sau khi bị trấn áp mạnh, các đối tượng chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam. Đặc biệt, đầu năm 2019 đến nay phát hiện có sự can thiệp chỉ đạo của các tội phạm ma túy là người nước ngoài không chỉ hoạt động ở Việt Nam mà ở gần như các nước trên thế giới, trong đó có khu vực ASEAN. Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia đã phối hợp và phát hiện đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới.
|
Mỗi bánh heroin liên quan đến 10 gia đình
Vấn đề người nghiện và quản lý người nghiện ma túy cũng được nhiều đại biểu hỏi và đặc biệt quan tâm đến những giải pháp. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Từ ma túy sẽ nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người, cướp của. “Chúng tôi lượng tính nếu mỗi bánh heroin lọt được vào Việt Nam thì khoảng 10 gia đình có người đi tù, có người vi phạm pháp luật, từ vận chuyển, mua bán. Đã nghiện ma túy còn nảy sinh ra các loại tội phạm khác nên tội phạm ma túy là tội phạm hết sức nguy hiểm”.
Cuộc chiến chống ma túy rất gian khổ, ác liệt không chỉ của một ngành Công an mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng gia đình. Mới chiều 3/6, đã có một chiến sỹ hy sinh ở Đồn Biên phòng Bát Mọt, Thanh Hóa và hai chiến sỹ bị thương nặng cũng trong cuộc chiến chống ma túy. Có thể nói, thời gian vừa qua ngành Công an, lực lượng biên phòng ở cửa khẩu đã phối hợp rất tốt để ngăn chặn và phát hiện được nhiều vụ ma túy. Nếu như không phát hiện được lượng ma túy đó thì chúng ta hình dung xem nó sẽ gây tác hại như thế nào đến đời sống của xã hội, đến từng gia đình và thế hệ trẻ của chúng ta.
Trên thực tế, trong trại cải tạo liên quan đến ma túy dao động khoảng trên 60% số người, nên đấu tranh với tội phạm ma túy, ngăn chặn ma túy là vấn đề rất quan trọng trong mục tiêu làm giảm phạm pháp hình sự trong nước. Vấn đề này đã có một số giải pháp. Về mặt pháp luật, sẽ tổng kết và đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, tiếp tục thực hiện các chủ trương, các chỉ thị của Đảng về vấn đề phòng, chống ma túy. Thậm chí, có lúc chúng ta phải khôi phục lại Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 2009 về tội sử dụng trái phép chất ma túy (sử dụng thì không bị xem xét xử lý về hình sự).
Đây là một vấn đề cần phải tổng kết để đánh giá vì đã sử dụng ma túy là hết sức nghiêm trọng. Vấn đề quản lý và không được phát triển người nghiện, không để mọi người tiếp tục sử dụng ma tuý là mục tiêu của chúng ta. Hiện nay các đối tượng rất lợi dụng việc này, nếu muốn tiêu thụ lượng ma túy vào trong nước thì phải đưa lượng người nghiện tăng lên, tăng nhu cầu trong nước. Chúng ta phải tìm mọi cách giảm nhu cầu đó, có cách quyết liệt để đấu tranh với tội phạm này. Thành ra việc khôi phục, đánh giá làm phương hướng trong việc xử lý về mặt hình sự trong giai đoạn sắp tới nếu được sẽ có điều kiện rất thuận lợi để quản lý và xử lý những người nghiện trong xã hội.
Xung quanh những câu hỏi về quản lý người nghiện bằng xử phạm hành chính, có những quan điểm cần phải xử lý về mặt pháp luật. Xử lý hành chính là những biện pháp đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện, quản lý tại cộng đồng, khu dân cư đang tiếp tục được thực hiện. Muốn làm giảm mục tiêu tội phạm thì phải xuất phát từ cơ sở, không để chờ vụ án xảy ra rồi lực lượng công an mới đến điều tra, xử lý và ngăn chặn. Phải làm sao xử lý được những vấn đề tội phạm sớm, công tác phòng chống, ngăn chặn không để tội phạm hình sự xảy ra là mục tiêu cao để xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, cho người dân có môi trường an lành.