Buổi sáng, Quốc hội tiếp tục dành thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7. Theo Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở chất vấn của các ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp. Kết quả có 419/430 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã đồng ý thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp.
Tiếp đó, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân. Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 nội dung này.
Các đại biểu đều đồng tình cho rằng, sửa đổi hai luật và Nghị quyết số 81/2014/QH13 là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập... Đối với Luật Chứng khoán (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung, như: Phạm vi điều chỉnh; vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty đại chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng; quản trị công ty đại chúng; mô hình tổ chức của sở giao dịch chứng khoán... Có ý kiến cho rằng, Điểm d, Khoản 1 của Điều 9 quy định nội dung “Thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán” là trùng với nội dung đã được quy định ở Chương IX về “Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại”, và nội dung này cần nêu rõ giải quyết khiếu nại, tố cáo áp dụng theo luật nào.
Đối với dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, cần tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình để khả thi trong việc tổ chức đội tự vệ tại các cơ quan (dự thảo luật quy định công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi).
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13, nhiều ý kiến đại biểu tán thành đề xuất từ nay đến ngày 1/2/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân Tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp để bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao…
Chủ động ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Sáng 6/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của các ĐBQH về một số vấn đề thương mại được cử tri quan tâm như tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Phó Thủ tướng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên bất cứ biến động nào của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Ngay khi tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra vào năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tình hình để kiến nghị chính sách. Về ngắn hạn, sự cạnh tranh hiện nay có thể giúp thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng tới nguồn cung của một số mặt hàng xuất khẩu. Về dài hạn, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến GDP Việt Nam trong 5 năm tới giảm khoảng 6.000 tỉ đồng.
Để ứng phó với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án để bảo đảm nền kinh tế tiếp tục phát triển, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư.