Ngày hội khởi nghiệp quốc gia: Thay đổi tư duy, nhận thức của HSSV về việc làm

GD&TĐ - Theo kế hoạch, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 16/12. Chia sẻ về ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức với quy mô lớn nhằm hiện thực hóa Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp với chuyên gia nước ngoài
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp với chuyên gia nước ngoài

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

- Thứ trưởng có thể cho biết quan điểm về khởi nghiệp và mục tiêu của Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”?

Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” với mục tiêu xuyên suốt là “Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp”.

Với mục tiêu của Đề án, thì việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho HSSV trong các nhà trường được đặt lên hàng đầu với những bước đi, nội dung cụ thể: Trước hết là truyền thông, nâng cao nhận thức để HSSV có tinh thần khởi nghiệp; Thứ hai là trang bị cho HSSV những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp; Tiếp đến là tạo môi trường để hình thành và phát triển những ý tưởng khởi nghiệp và có thể hình thành những dự án khởi nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi trường đại học có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Có thể hiểu khởi nghiệp có nghĩa là bắt đầu sự nghiệp của mình để tạo ra giá trị cho bản thân, cho cộng đồng và xã hội. Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp là giúp cho các em có thêm động lực học tập và thay đổi tư duy, nhận thức. Trước đây, sinh viên nhận thức là học xong, khi ra trường sẽ đi xin việc làm, thực hiện Đề án này chúng ta làm cho sinh viên thay đổi nhận thức, tư duy và tinh thần học tập để sau khi tốt nghiệp sinh viên không chỉ tìm việc làm mà còn có thể tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Với những bạn sinh viên có khả năng hơn thì có thể thành lập doanh nghiệp để khởi nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao đổi thông tin với báo chí về Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV năm 2018
  • Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao đổi thông tin với báo chí về Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV năm 2018

- Khi triển khai thực hiện Đề án 1665, Bộ GD&ĐT đánh giá như thế nào về vai trò của các trường đại học đối với hệ sinh thái khởi nghiệp; Đồng thời có những chỉ đạo gì đối với các trường?

Từ thực tiễn của các quốc gia khởi nghiệp trên thế giới cũng như ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Techfest 2018 vừa qua tại Đà Nẵng, có thể thấy, các trường đại học có vai trò hết sức quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Trước hết, trường đại học là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên . Cung cấp kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết để các bạn trẻ có thể đối mặt với những vấn đề của thực tiễn một cách tích cực nhất, nhìn thấy trong các khó khăn những cơ hội, có niềm tin và động lực để giải quyết khó khăn, mang lại giá trị cho bản thân, cộng đồng và doanh nghiệp. Đó cũng là cách để HSSV có thể tạo lập sự nghiệp của mình, dù là đi làm thuê hay khởi tạo doanh nghiệp riêng. Trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, bảo đảm sinh viên sau khi tốt nghiệp có tinh thần doanh nhân, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, là nguồn tài nguyên lớn giúp cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng một cách bền vững.

Như vậy, trường đại học vừa là nơi trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp và là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, sau khi Đề án được ban hành Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, trong đó đề nghị các nhà trường nghiên cứu đưa các chuyên đề giảng dạy về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính khóa hoặc ngoại khóa với nội dung, thời lượng phù hợp. Các trường đại học đều nhận thức sâu sắc vai trò của mình đối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia nói chung và mỗi nhà trường đều có định hướng và các giải pháp cụ thể để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp riêng phù hợp với các nhóm ngành đào tạo. Ví dụ: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xây dựng hệ sinh thái thiên về đổi mới sáng tạo xã hội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thiên về đổi mới sáng tạo lĩnh vực khoa học công nghệ…

Tinh thần khởi nghiệp 4.0 lan tỏa trong các trường
  • Tinh thần khởi nghiệp 4.0 lan tỏa trong các trường

Biến ý tưởng thành hiện thực

- Tới đây, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV có được tổ chức định kỳ hàng năm hay không, thưa Thứ trưởng?

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2018 là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức. Điểm nhấn của Ngày hội là Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Qua cuộc thi, chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho HSSV khởi nghiệp. Đồng thời, tạo sân chơi bổ ích cho các bạn có những ý tưởng, dự án để thể hiện khả năng của mình. Tại cuộc thi, chúng tôi cũng mời các doanh nghiệp tham dự, chứng kiến. Qua đó, những ý tưởng, dự án tốt của các em có thể nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp để biến ý tưởng thành hiện thực.

Việc tổ chức sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV” là hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 1665 “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Vì vậy, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và với các đơn vị hỗ trợ sẽ duy trì và tổ chức hằng năm.

- Vậy Bộ có kế hoạch tiếp sức để các ý tưởng, dự án của HSSV trở thành hiện thực không, thưa Thứ trưởng?

Quan điểm của Bộ khi triển khai Đề án 1665 là chỉ đạo các cơ sở đào tạo quan tâm xây dựng và phát triển mạnh mẽ môi trường, hệ sinh thái hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, bao gồm: Bố trí đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; bố trí các không gian làm việc chung, các không gian ươm tạo trong khuôn viên nhà trường; bố trí các nguồn lực phù hợp điều kiện của nhà trường để hỗ trợ sinh viên; có thể thành lập Quỹ hỗ trợ HSSV khởi nghiệp của nhà trường bằng các nguồn xã hội hóa. Các trường có trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành và tạo điều kiện giúp sinh viên phát triển, hoàn thiện ý tưởng và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để tìm kiếm nhà đầu tư và có thể khởi nghiệp thành công.

Trường đại học vừa là nơi trang bị những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp; đồng thời cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

  
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành công văn hướng dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó đã hướng dẫn các cơ sở đào tạo chủ động bố trí các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Không chỉ những ý tưởng của HSSV đoạt giải mà tất cả ý tưởng của HSSV tham gia cuộc thi sẽ tiếp tục được nhà trường hỗ trợ, đồng hành để sinh viên tiếp tục phát triển, hoàn thiện để có thể hiện thực hóa trong tương lai.

Một điều rất đáng mừng, chúng tôi nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp với tinh thần là: Vì các em HSSV, vì thế hệ trẻ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các em. Một số doanh nghiệp đã cam kết hỗ trợ bằng những khóa đào tạo, bằng môi trường khởi nghiệp cho các em HSSV.

Đối với các dự án của sinh viên đoạt giải trong cuộc thi, hiện tại Bộ GD&ĐT đã phối hợp với một số các doanh nghiệp chuyên ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, nếu các doanh nghiệp đánh giá các dự án thực sự khả thi thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hỗ trợ nguồn vốn để các dự án đó đi vào hoạt động thực tiễn.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ