Đến với chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, chúng ta sẽ thấy rõ những gương mặt tài hoa ấy. Và trong những ngày đầu tháng 3 ấm áp này, khi mà mọi người đang dành những điều tuyệt vời nhất cho một nửa thế giới thì việc tìm về với các nhà thơ nữ cũng sẽ đem đến cho chúng ta nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ.
Trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, chúng ta thấy có sự góp mặt của 4 nhà thơ nữ tài hoa: Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Anh Thơ và Xuân Quỳnh. Mỗi người một con đường đi nhưng họ thực sự đã để lại dấu ấn trong dòng chảy của Văn học Việt Nam.
Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) được biết đến là nữ sĩ Việt Nam thời Lê Trung Hưng. Làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, Hưng Yên chính là quê hương của bà. Bà nổi tiếng thông minh từ nhỏ, có tài văn chương, giàu cá tính. Xung quanh bà từng có nhiều giai thoại với những lời đối đáp dí dỏm liên quan đến tài thơ phú và bản lĩnh của bà. Bà là tác giả tập truyện chữ Hán Truyền kì tân phả” (chữ Hán) và được xem là dịch giả của truyện Nôm nổi tiếng “Chinh phụ ngâm” ( nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn). Đây là một tác phẩm ngâm khúc nổi tiếng, từ tình cảnh cô đơn, buồn đau của người chinh phụ để thể hiện tiếng nói tố cáo chiến tranh phi nghĩa, đề cao quyền sống con người, trân trọng khát vọng cuộc sống trần thế, khát vọng về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của những người phụ nữ.
Đây chính là cảm hứng nhân văn sâu sắc của “Chinh phụ ngâm”. Cảm hứng này trở nên trọn vẹn hơn với bản dịch rất xuất sắc của Đoàn Thị Điểm. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” được chọn dạy ở học kì 2 của lớp 10 là một biểu hiện sinh động về tâm trạng sầu tư vì khắc khoải đợi chờ chồng của người chinh phụ để từ đó hiểu rõ hơn về giá trị tư tưởng và thẩm mĩ của toàn bộ tác phẩm.
Cũng trong thời kì phong kiến, Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) đã đánh dấu một cách mạnh mẽ tài năng và bản lĩnh của mình. Bà là con gái của ông đồ Nghệ Hồ Phi Diễn. Quê hương của bà là đất học nổi tiếng (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Bà cũng nổi tiếng thông minh và hiếu học từ nhỏ. Với những bài thơ làm theo thể Đường luật ngắn gọn, với lối nói vừa thanh vừa tục, với sự đa dạng trong việc sử dụng ngôn từ, với việc sử dụng chữ Nôm một cách nhuần nhuyễn sáng tạo với việc bênh vực người phụ nữ, thể hiện rõ khát vọng về quyền sống, quyền được hạnh phúc... bà đã được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.
Một số bài thơ của bà được nhiều người biết tới như “Bánh trôi nước”, “Mời trầu”, “Làm lẽ”, “Vịnh cái quạt”, chùm thơ “Tự tình”... Bài thơ “Tự tình” số 2 trong chương trình lớp 11 chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bài thơ là tiếng nói đau đớn, phẫn uất trước duyên phận éo le hẩm hiu của người phụ nữ. Dù gắng gượng để vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Từ nỗi niềm đó tác giả thể hiện khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc vô cùng mãnh liệt.
Đến với thế kỉ XX, chúng ta sẽ gặp một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, đó là Anh Thơ (1921 – 2005). Bà tên thật là Vương Kiều Ân, sinh tại trị trấn Ninh Giang (Hải Dương). Dù là người đến sau nhưng bà đã ghi dấu ấn ở mang thơ viết về làng quê Việt cùng với Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân...
Những bài thơ của bà đậm đà hồn Việt từ ngôn ngữ cho đến nội dung. Để từ đó mỗi người thấy hiểu thê, yêu thêm, tự hào thêm về quê hương đất nước mình. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bức tranh xuân hạ thu đông, những dòng sông, những bến đò, những buổi chiều quê trong thơ bà. Bài thơ “Chiều xuân” được chọn để đọc thêm trong chương trình lớp 11. Với bài thơ này học sinh sẽ cảm nhận được bức tranh thôn quê bình dị, thân thuộc những năm đầu thế kỉ và để từ đó có cái nhìn rộng mở mơn về những đóng góp tích cực của phong trào Thơ mới.
Sẽ thực là khuyết thiếu nếu nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) không được kể đến. Chị được đánh giá là nhà thơ nữ hàng đầu của nước ta cuối thế kỉ XX. Chị viết nhiều về chiến tranh, trẻ em và tình yêu. Nhưng có lẽ bạn đọc các thế hệ thực sự ấn tượng với mảng thơ ca viết về đề tài tình yêu. Thơ chị là tiếng lòng của một phụ nữ hồn hậu, nhiều trắc ẩn, luôn khát khao về tình yêu và một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Những bài thơ như “Thuyền và biển”, “Tự hát”, “Hát ru chồng những đêm khó ngủ”, “Hoa cỏ may”, “Thơ tình cuối mùa thu”... đã tìm được sự đồng điệu ở nhiều độc giả. Nhiều bài thơ của chị cũng đã được phổ nhạc. Bài thơ “Sóng” được chọn dạy ở lớp 12 đã thể hiện rõ tiếng lòng của một người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung trong tình yêu.
Có thể thấy bốn nhà thơ là 4 số phận, cá tính và phong cách thơ khác nhau. Mỗi người đều có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học Việt Nam, nhất là trong vấn đề khẳng định tiếng nói của những người phụ nữ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy ở họ có nhiều điểm gặp gỡ. Chính những điểm gặp gỡ đó đã giúp chúng ta hình dung phần nào về chân dung những nhà thơ nữ Việt Nam
Mặc dù có những “niềm riêng riêng những...” nhưng những nữ sĩ kể trên đã dám sống với đam mê văn chương của mình. Điều đó chứng tỏ họ có khát vọng, có tài năng, dám thể hiện tài năng và có bản lĩnh. Bởi sống trong môi trường còn có nhiều định kiến, nhiều quan niệm chưa thực sự công bằng với người phụ nữ thì những nhà thơ nữ vẫn “sống” được thì họ cũng phải “ghê gớm” lắm!
Trong số những nhà thơ có tên tuổi ở nước ta thì số lượng nhà thơ nữ thực sự ít ỏi. Xuyên suốt cả chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông cũng chỉ dừng lại ở con số 4. Dù không quá nhiều nhưng họ đã khẳng định được tiếng nói của phái nữ: dám yêu, dám sống, dám đấu tranh, dám thể hiện cái tôi cá nhân. Đó cũng là một cách để những nữ sĩ kì tài ấy thể hiện “chất nữ quyển” trong thơ ca, trong cuộc đời. Giữa bối cảnh xã hội không thực sự coi trọng người phụ nữ thì cách sống và cách ứng xử với thi ca của họ là điều đáng quý, đáng trọng và đáng học!
Bây giờ cuộc sống có quá nhiều thay đổi. Quan niệm của xã hội về người phụ nữ đã cởi mở hơn rất nhiều. Nhưng thực sự áp lực lên đôi vài của người phụ nữ ngày càng dày lên vì họ vừa phải đảm nhận vai trò trong gia đình vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ngoài xã hội. Thì việc suy ngẫm về tài năng, bản lĩnh và khát vọng của những nhà thơ nữ tài hoa đã kể trên như một nguồn động viên đối với những người phụ nữ ngày hôm nay. Rằng: hãy sống, hãy yêu, hãy bảo vệ những điều tốt đẹp khi còn có thể. Để những người phụ nữ luôn được chia sẻ, được yêu thương và được trân trọng, được hạnh phúc. Đó từng là khát vọng của các nữ sĩ. Và đó chẳng phải là khát vọng của phụ nữ thời nay hay sao?