Bảo tồn trang phục truyền thống: Có khả thi?

GD&TĐ - Trước xu thế mai một dần trang phục truyền thống các dân tộc, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL vừa ký chi hơn 200 tỉ đồng cho đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.   

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái.
Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái.

Đó không chỉ là tin vui, niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Mai một trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống của các dân tộc không những thể hiện nét đẹp văn hóa độc đáo mà còn góp phần làm phong phú hơn bức tranh văn hóa đa sắc tộc của Việt Nam.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, giao thoa giữa các dân tộc đặc biệt là dân tộc Kinh, nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) đã không còn mặc các trang phục của dân tộc mình. Bởi thế, một số trang phục truyền thống đã bị mai một và mất dần.

Trước thực trạng này, Bộ VH,TT&DL vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” với tổng kinh phí thực hiện đề án là 222,9 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 51,2 tỉ đồng và ngân sách đối ứng từ địa phương là 171,7 tỉ đồng.

Dự án sẽ được triển khai từ năm 2019 - 2030 với 2 giai đoạn, cụ thể: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các DTTS đồng thời khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một; Đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần vào các dịp lễ, tết, hội...

Báo cáo của Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH,TT&DL cho biết: Cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, việc sử dụng trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc có sự biến đổi rất nhanh do xu hướng Việt hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với cấp độ nhanh chóng.

Hơn nữa, lớp trẻ DTTS hiện nay cũng không mặc theo kiểu truyền thống mà còn coi trang phục truyền thống là lạc hậu… Đó là thực tế đang diễn ra hiện nay, phản ánh tính tất yếu của đời sống văn hóa, xã hội.

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày, nếu cứ mặc trang phục truyền thống sẽ gặp phải những bất tiện. Hơn nữa, việc may, thêu một bộ trang phục truyền thống DTTS tốn nhiều công sức và thời gian, trong khi, ngoài chợ quần, áo vô cùng phong phú, đa dạng, lại còn đẹp và rẻ khiến cho đồng bào các dân tộc mất dần thói quen tự dệt vải, tự may trang phục truyền thống.

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Xu hướng mất dần trang phục truyền thống của người DTTS được sản xuất thủ công là một tất yếu khi xu hướng Việt hóa đang diễn ra hàng ngày. Hơn nữa, quan niệm về cách ăn mặc của người dân tộc cũng đang có xu hướng thay đổi theo hướng hiện đại hóa, Âu hóa, trong khi trang phục truyền thống vốn rất tốn công, tốn của để làm ra. Không những thế nó lại còn vướng víu, không tiện dụng, phù hợp với đời sống sinh hoạt hiện đại”.

Cần được gìn giữ, khôi phục

Nhiệm vụ của đề án là nghiên cứu, khôi phục trang phục truyền thống các DTTS đã bị mai một; Xây dựng ngân hàng dữ liệu về trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam (quay phim, chụp ảnh, viết bài) phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và quảng bá... với tổng kinh phí thực hiện là 230 tỉ đồng, thực hiện trong 12 năm.

Kinh phí này được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn lực do nhân dân đóng góp, ngân sách địa phương, nguồn vốn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội...

Xung quanh vấn đề này PGS.TS Trần Thị Trâm, nguyên giảng viên Văn học dân gian, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Việc gìn giữ trang phục truyền thống của các DTTS là điều hết sức hoan nghênh. Tôi cũng ủng hộ mục tiêu đưa trang phục truyền thống thành đồng phục trong các trường dân tộc nội trú. Đây là một giải pháp tốt trong việc gìn giữ trang phục truyền thống.

Tuy nhiên, việc đầu tư hơn 200 tỉ đồng trong lộ trình 12 năm cần cụ thể hóa các đầu việc, tránh lãng phí, chồng chéo, không hiệu quả; Tập trung đẩy mạnh việc phát triển công nghệ sản xuất, làm sao sản xuất ra những bộ trang phục truyền thống dễ dàng, nhiều và rẻ hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con DTTS”.

Nói về đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH,TT&DL cho biết: “Thực hiện đề án này, chúng tôi mong muốn trang phục truyền thống các dân tộc được bảo tồn và gìn giữ trong chính cộng đồng, trong chính chủ thể văn hóa.Mục tiêu này không hề dễ dàng, rất cần có thời gian. Trước mắt, sẽ xây dựng một số mô hình bảo tồn tốt, sau đó nhân rộng ra các DTTS khác”.

“Khi đề án đi vào đời sống sẽ giúp những chủ thể văn hóa, đồng bào các DTTS nhận thức được vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn di sản và truyền lại cho con cháu mai sau”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.