Vị tướng của làng rối nước Đào Thục

GD&TĐ - Tôi vẫn gặp ông hàng ngày trên con đường đến trường. Tôi đi dạy, còn ông đi thể dục buổi sáng về. Sau tiếng chào của tôi là nụ cười tươi tắn hồn hậu của ông. Có lẽ, vẫn quen thấy ông như thế nên tôi chưa bao giờ nghĩ ông lại có thời tuổi trẻ oai hùng như vậy. 

Vị tướng của làng rối nước Đào Thục

Cho đến một buổi chiều lũ nhỏ nhà tôi chạy chơi đến nhà ông. Tìm con, tôi mới biết ông sống ở đó. Một ngôi nhà xinh xắn nằm giữa vườn cây xanh tốt. Pha ấm trà, hai bác cháu ngồi chuyện trò. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy trong nhà ông treo rất nhiều huân huy chương và nhiều hình ảnh quý giá của một thời. Câu chuyện vui, lục lại những kí ức chiến tranh.

16 tuổi, chàng trai Đinh Thế Văn lên đường nhập ngũ năm 1953. Khi ấy, anh theo đoàn quân lên Tây Bắc để tham gia trận đánh cuối cùng với quân viễn chinh Pháp ngay tại lòng chảo Điện Biên. Kết thúc trận đánh lịch sử ấy, anh cũng vừa tròn 17 tuổi đời với 2 tuổi quân. Những tháng ngày “Mưa hầm cơm vắt, máu trộn bùn non” đã cho anh thêm nhiều trải nghiệm gian khổ, nhưng cũng giúp anh tôi luyện thêm khí chất vững vàng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Mấy năm, sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, anh xuất ngũ về làm ở Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao. Miệt mài lao động, miệt mài học tập, năm 1965 anh thi đỗ vào Đại học Bách Khoa.

Chiến tranh vẫn còn, những dự định của người con Thụy Lâm lại một lần tạm gác lại cho nghĩa vụ cao cả hơn. Anh tham gia vào kháng chiến chống Mỹ, đầu quân vào Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng Không- Không quân). Từ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện mà khi vừa ngoài 30 tuổi, anh đã được giao giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (năm 1971).

Trong chiến dịch 12 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội, Tiểu đoàn của ông trấn gác ở trận địa Chèm (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm), một trận địa xung yếu, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước. Dù có sự chuẩn bị nhưng ở lần đối đầu thật sự, tất cả các chiến sĩ đều cảm thấy căng thẳng, bởi B52 được bảo vệ bằng nhiều loại máy bay khác, lại còn có các thiết bị gây nhiễu nhằm đánh lạc hướng ra-đa. Thế nhưng, những khó khăn ấy được hóa giải bằng sự quyết tâm sáng tạo của những người lính Tiểu đoàn 77. Oanh liệt nhất là trận đánh đêm 20 rạng ngày 21-12, đúng đêm mà Ních-xơn tham vọng “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá” cũng là đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ. 3 chiếc máy bay B52 phải hi sinh dưới tên lửa của Tiểu đoàn.

Tôi thắc mắc hỏi ông:

- Sao Tiểu đoàn của bác lại có thể hạ được nhiều máy bay thế ạ?

Ông chỉ cười:

- Lúc bình thường chưa hẳn đã nghĩ ra cách đánh hay nhưng trong lúc gay cấn nhất, người ta thường có suy nghĩ táo bạo và sáng tạo, vận dụng những nhược điểm của máy bay B52 để chủ động tấn công: to, mặt phản xạ của tín hiệu B52 lớn, trọng lượng nặng (khoảng 30 tấn) không thể cơ động được như các loại máy bay khác, độ cao 10km rất vừa tầm với tên lửa SAM2. Điều đó lý giải tại sao trận địa Chèm là nơi bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất toàn quân lúc bấy giờ

Khuôn mặt ông giãn ra, trên môi là nụ cười hiền hậu. Dưới cái nắng chiều đầu thu, mái tóc lốm đốm bạc của ông khẽ nghiêng nghiêng. Sự rắn rỏi của một người từng tham gia quân ngũ khiến cho tôi có một sự cảm động, thán phục không hề nhẹ. Dường như từ con người giản dị ấy, toát lên cái chất dũng cảm, chân thật nhưng có một sự kiên định phi thường- sự kiên định của người lính bộ đội Cụ Hồ.

Năm 2013, tôi được bạn rủ đi xem rối, một tiết mục rất độc đáo “Hà Nội chiến thắng B52” do ông viết kịch bản từ năm 1984, được thuật lại một cách sinh động, hấp dẫn về các trận đánh 12 ngày, đêm lịch sử tại sân khấu thủy đình của làng. Tiết mục này, đã góp phần tích cực vào việc giáo dục lịch sử cho thế hệ sau về truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông.

Biết đến ông như thế nên khi lấy chồng về đây, trong mắt tôi đã có một sự kính trọng . Bạn tôi kể rằng chính ông là người bàn cách với các nghệ nhân của làng quyết tâm khôi phục nghề truyền thống múa rối nước của cha ông. Ông đi gặp nhiều cơ quan, đoàn thể vận động xin kinh phí, xây nhà thủy đình múa rối, gần 30 tích trò được khôi phục biểu diễn, đào tạo thêm lớp trẻ kế cận nghề. Rối nước thôn tôi, trở nên nổi tiếng và trở thành một giá trị quí báu của văn nghệ dân gian nhờ những tâm huyết như thế.

Ánh đèn điện bật sáng kéo hai bác cháu trở về thực tại. Vội vã đưa lũ nhỏ về nhà, tôi chào ông. Vẫn nụ cười hiền hậu ấy, ông vỗ vỗ vai tôi vui vẻ nói:

- Cô giáo à, thế hệ bác già rồi, bây giờ đến lúc nhường cho những người như các cháu. Chúng ta còn sống, còn khỏe, còn làm việc, cống hiến cho quê hương, mỗi việc làm có ích với cộng đồng là một liều thuốc bổ đối với bản thân.

Có lẽ đúng thế thật! Tôi không khỏi nghĩ ngợi về câu nói ấy. Người ta cứ kêu gào đủ chuyện này khác vì cộng đồng, vì tập thể.. Mấy ai làm nó một cách đơn giản, bình dị, không đao to búa lớn, chỉ coi việc mình làm điều có ích cho xã hội là một liều thuốc bổ cho chính bản thân mình. Mấy ai làm như thế mà lại được giống như ông?

(Ghi chép theo lời kể)

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.