“Ngập ngừng”... sách nói

“Ngập ngừng”... sách nói

Tiện lợi, phù hợp xu thế

Cùng với sách in, sách điện tử thì sách nói đang ngày càng phổ biến với bạn đọc trong thời đại số. Sách nói là dòng sản phẩm mà nội dung sách được truyền tải thông qua giọng đọc của con người. Ban đầu, sách nói được xây dựng chủ yếu dành cho độc giả khiếm thị. 

Nhưng với những ưu điểm như dễ tiếp nhận dưới dạng âm thanh, nhỏ gọn, thuận tiện để nghe mọi lúc mọi nơi, có thể nhiều người cùng nghe một lúc... sách nói còn phù hợp cho một số nhóm độc giả như trẻ nhỏ, người già…

Trong thời đại công nghiệp, cuộc sống của mỗi người trở nên gấp gáp hơn, ngay cả với người yêu sách, vì thế việc dành thời gian để đọc cũng là điều không dễ. 

Nhiều người tìm đến sách nói như một cách thay thế cho việc đọc sách truyền thống. Sách nói ngoài giọng đọc truyền cảm, còn có phần nhạc đệm, tiếng động... tạo cho sách diện mạo mới, hấp dẫn độc giả. 

Với loại hình sách này, độc giả có thể nghe sách để tiếp cận thông tin, học tập và giải trí trong thời gian di chuyển trên đường, hoặc làm việc nhà, tập thể dục…

Với những ưu thế đó, ngành công nghiệp sách nói thế giới đang có xu hướng tăng lên trong vài năm trở lại đây. Theo Forbes, doanh số Audiobook của Mỹ đạt gần 1 tỷ USD vào năm 2018, tăng 25% so với năm trước. 

Tờ Wall Street Journal gọi đây là “loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành xuất bản”. Không chỉ ở Mỹ, sách nói đang trở thành xu hướng tiếp cận tri thức, giải trí thịnh hành trên thế giới, đã và đang phát triển thành ngành công nghiệp tại các quốc gia châu Âu, Trung Quốc và sắp tới là các nước Đông Nam Á. 

Ở Việt Nam, những năm gần đây, sách nói đã được một số đơn vị khai thác và thu hút lượng độc giả nhất định, thế nhưng việc phát triển loại hình này lại đang gặp thách thức lớn.

Lỗ hổng bản quyền

Nhận thấy tiềm năng thu hút độc giả, thị trường sách nói trong nước đã nở rộ với nhiều kênh Radio và YouTube. Có kênh đầu tư chuyên nghiệp về thiết bị âm thanh, thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi. 

Qua các kênh này, độc giả có thể tiếp cận kho tàng sách với đủ loại đề tài: Văn học, kinh doanh, kỹ năng sống, sách thiếu nhi… có những tác phẩm nổi tiếng thu hút vài trăm nghìn, tới hàng triệu lượt nghe. 

Tuy nhiên, các trang web, kênh YouTube này phần lớn là do người dùng tự mua sách hay về đọc, ghi âm hay sao chép từ các nguồn có bản quyền rồi đăng tải trên Internet. Dù người nghe được miễn phí nhưng các kênh này có thể kiếm tiền từ quảng cáo.

Đại diện NXB First New - Trí Việt cho biết, cuốn “Hành trình về phương Đông” của đơn vị này giữ bản quyền đã bị xâm phạm khi được đăng tải lên các kênh video trực tuyến dưới dạng sách nói. Một số cuốn sách bản quyền “Hạt giống tâm hồn”, “Bí mật của may mắn”, “Quà tặng diệu kỳ”... của đơn vị này cũng bị làm lậu nhiều và bán công khai trên mạng ở hình thức sách nói. 

NXB Kim Đồng cũng bị “chôm” các đầu sách như: “Hoa dại”, “Khúc hát vườn trầu”, “Tìm mẹ” để “hô biến” thành sách nói và đăng tải trên trang các trang mạng xã hội. Cùng với đó, NXB Phụ nữ cũng từng phải lên tiếng trước công luận vì số lượng đầu sách của đơn vị này bị xâm phạm bản quyền rất nhiều...

Sự nở rộ những kênh vi phạm bản quyền đặt ra thách thức cho các tác giả và đơn vị làm xuất bản. Sách nói không bản quyền ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sách in và quyền lợi của tác giả. Nếu khai thác sách nói, các đơn vị xuất bản phải trả thêm tiền bản quyền (ngoài bản quyền sách in và ebook). 

Đưa lên Internet, các sách này ngay lập tức bị copy và đăng tải trái phép trên nhiều trang khác. Vì lý do đó, các nhà xuất bản, nhà phát hành sách chưa “mặn mà” với thị trường này.

 Thái Hà Books là một trong những đơn vị đã triển khai sách nói nhưng không thể tiếp tục thực hiện vì mức độ vi phạm tràn lan.

Có thể thấy, hiện hầu hết sách nói là bản phái sinh của sách giấy đã công bố trước đó. Gần như chưa có cuốn sách nào chỉ ra độc quyền bản sách nói. Vì thế, quyền sở hữu trí tuệ thuộc về tác giả và nhà xuất bản sách giấy. Mọi hành vi thu âm, sao chép và chia sẻ bị coi là vi phạm bản quyền và có thể bị xử lý bởi pháp luật. 

Trước thực trạng ăn cắp bản quyền trắng trợn để thu lợi bất chính nêu trên, các NXB và đơn vị phát hành sách bản quyền rất bức xúc. Họ mong muốn, ngoài việc nâng cao ý thức của người đọc, các cá nhân, tổ chức làm sách lậu, thì các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, có chế tài xử phạt mạnh, đủ sức răn đe để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tác giả và người kinh doanh sách đích thực. 

Đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Công nghệ Wewe tổ chức lễ ra mắt ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM. Voiz FM kết hợp với các đơn vị xuất bản và tác giả uy tín, tạo ra hơn 6.000 phút nội dung, hơn 1.000 đầu mục nội dung theo chủ đề đa dạng, như kỹ năng, đầu tư, kinh tế, lãnh đạo, khởi nghiệp, gia đình, văn học, giải trí… 

Độc giả có thể tải nội dung về máy, ghi nhớ vị trí đang nghe, được gợi ý nội dung nghe theo sở thích và xu hướng... Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, gần đây, ứng dụng đã thu hút được nhiều người dùng. 

Voiz FM đã và đang nghiên cứu công cụ để đọc sách với giọng đọc dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà vẫn giữ được sự tự nhiên, truyền cảm, nhằm rút ngắn quá trình sản xuất sách nói, mang đến nhiều gợi ý lựa chọn trải nghiệm hơn cho người dùng, giảm chi phí thực hiện. 

Dự kiến, giọng đọc trí tuệ nhân tạo sẽ được đơn vị này đưa vào sản xuất sách nói từ giữa năm nay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.