“Chìa khóa vàng” mở ra các cơ hội quốc tế
Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Phó Trưởng Bộ môn Ngữ Văn Ý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM), ngôn ngữ Ý đã và đang đem lại những lợi thế nhất định cho người học.
Thứ nhất, ngành ngôn ngữ Ý là cơ hội tuyệt vời để người học tiếp cận với nền văn minh lâu đời nhất thế giới, cùng với những tinh hoa trong nhiều lĩnh vực như: hội hoạ, kiến trúc, thời trang... Học về văn hoá – văn minh và ngôn ngữ Ý giúp sinh viên có một nền tảng tốt để phát triển những thế mạnh của bản thân trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm mỹ, văn hoá, lịch sử...
Thứ hai, cơ hội du học Ý luôn rộng mở với các học bổng toàn phần, một phần và các chương trình trao đổi sinh viên. Qua đó, người học có thể trải nghiệm du lịch tại quốc gia này để khám phá thêm những nét đặc trưng khác.
Thứ ba, tiếng Ý có mức độ phổ biến và tính cạnh tranh không cao như các ngành ngôn ngữ thông dụng khác. Vì vậy, khi sinh viên tích cực trau dồi và rèn luyện ngôn ngữ này sẽ gia tăng ưu thế trong quá trình tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.
Hằng năm, chính phủ Ý cũng như các trường đại học Ý có hợp tác với Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) đều dành các suất học bổng rất hấp dẫn cho sinh viên ngành ngữ văn Ý. Trong đó bao gồm các khóa học ngôn ngữ - văn hóa ngắn hạn, các khóa học đại học và sau đại học kéo dài 2-3 năm.
Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, du học sinh Việt Nam có thể đăng ký học các ngành như Truyền thông (trong quan hệ quốc tế, quảng cáo, marketing, storytelling).
Ngoài ra, người học có thể mở rộng sang các ngành liên quan đến mảng du lịch như: ẩm thực, dịch vụ lưu trú, quản lý du lịch hoặc các ngành Quốc tế học; Quan hệ quốc tế; giảng dạy tiếng Ý; quảng bá văn hoá và ngôn ngữ Ý trên thế giới. Đây đều là các ngành thế mạnh của Ý bên cạnh các ngành đòi hỏi chuyên ngành sâu như nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế công nghiệp.
Sinh viên Ngữ văn Ý chụp ảnh cùng khách mời trong lễ kỉ niệm 10 năm thành lập bộ môn - Ảnh: Bộ môn Ngữ văn Ý. |
Chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng tuyển dụng
Cơ hội nghề nghiệp luôn là từ khóa mà người học quan tâm nhất. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân có thể làm việc tại các cơ quan ngoại giao: lãnh sự quán Ý, phòng thương mại Ý...
Bên cạnh đó, cơ hội việc làm luôn mở ra tại các doanh nghiệp Ý với vị trí: trợ lý giám đốc, phiên dịch viên, nhân viên kinh doanh, điều phối viên dự án. Các doanh nghiệp này thường hoạt động trong lĩnh vực thiết kế nội – ngoại thất, sản xuất đồ nội thất, chế biến gỗ, sản xuất các mặt hàng công nghiệp, kinh doanh thực phẩm hoặc xuất nhập khẩu.
Bạn trẻ cũng có thể làm việc trong lĩnh vực du lịch (doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng khách sạn, hướng dẫn viên du lịch tiếng Ý), hoặc trong lĩnh vực biên phiên dịch, cộng tác với các cơ quan truyền thông, các nhà xuất bản hoặc với các dự án tư nhân có hợp tác với phía Ý.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học cũng như nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, chương trình đào tạo của bộ môn Ngữ Văn Ý cũng luôn cập nhật và điều chỉnh định kỳ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan tốt nghiệp khóa 01 Ngữ văn Ý, hiện tại đang giảng dạy tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM chia sẻ: “So với những khóa đầu, chương trình đào tạo hiện nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với chuẩn đầu ra, nhu cầu của người học và tính thay đổi của thời đại”.
Cụ thể, hai năm đầu giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Ý, hai năm sau tập trung vào ba hướng chuyên ngành bao gồm: du lịch, thương mại và biên phiên dịch.
Ngoài ra, trong chương trình đào tạo có nhiều môn định hướng nghiên cứu, giảng dạy như các môn văn hoá, văn học, lịch sử nghệ thuật Ý, các môn lý thuyết ngôn ngữ… Trong suốt quá trình dạy và học, chương trình đào tạo của khoa luôn được thiết kế cân đối và mang tính ứng dụng cao.
Sinh viên Ngữ văn Ý tích cực trong các hoạt động ngoại khóa - Ảnh: Đoàn Hội Ngữ văn Ý. |
Trong công tác thực tập thực tế, chương trình đào tạo của bộ môn dành khoảng 1 tuần để người học trải nghiệm học tập ngoài môi trường lớp học. Qua đó, sinh viên có cơ hội va chạm và nhìn nhận mọi việc dưới góc độ thực tế, sâu sắc hơn. Đối với sinh viên năm cuối, bộ môn sẽ liên hệ với các doanh nghiệp tại TPHCM nhằm tạo điều kiện thực tập nghề nghiệp.
Môi trường học tập năng động, kết nối
Song song với chất lượng đào tạo, môi trường học tập ở bộ môn còn đề cao tinh thần kết nối, sẻ chia và hỗ trợ người học. ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bày tỏ: “Với chỉ tiêu khoảng 50 sinh viên, chúng tôi có thể dành nhiều thời gian để theo sát và hỗ trợ cho sinh viên. Từ đó mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên trở nên gần gũi hơn”.
Ngoài học tập, các hoạt động ngoại khóa trong bộ môn cũng diễn ra sôi nổi với nhiều workshop, tọa đàm, talkshow... Đồng thời, bộ môn tích cực hợp tác với lãnh sự quán Ý nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tham dự các buổi biểu diễn, xem phim, hòa nhạc, các sự kiện ẩm thực chất lượng, mang đúng màu sắc Ý.
Vũ Trường Chinh (sinh viên năm 3 Ngôn ngữ Italia Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) bày tỏ: “Mình rất thoải mái khi học tại Bộ môn Ngữ văn Ý. Giảng viên không chỉ tận tình giải đáp thắc mắc mà còn luôn chú ý đến tâm lý của sinh viên.
Đặc biệt, do từng có thời gian thầy cô đều là những người đã từng trải qua một thời gian ở Ý nên họ rất am hiểu văn hoá và ngôn ngữ. Vì vậy mỗi bài học đều được đan xen những kiến thức bên ngoài để sinh viên có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ và văn hoá của đất nước hình chiếc ủng”.
Sinh viên Ngữ văn Ý và Tổng Lãnh sự Ý Enrico Padula trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia - Ảnh: Bộ môn Ngữ Văn Ý. |