- Thưa Giáo sư, ông có thể giới thiệu một cách khái quát nhất vai trò của ngành Tài chính định lượng?
Tôi luôn yêu thích Toán học, và đã phát hiện ra ngành Tài chính định lượng trong lúc đang học Thạc sĩ vào giữa những năm 90. Đây là lĩnh vực tương đối mới mẻ tại thời điểm bấy giờ và đang phát triển ở châu Âu và Mỹ. Tôi cảm thấy rất hứng thú khi thấy các phương pháp Toán học được ứng dụng một cách trực tiếp để giải quyết những bài toán cụ thể của thị trường tài chính, như là làm giá tăng ngạch (option pricing) hay việc chọn danh mục đầu tư (portfolio selection) và các công cụ đó đã làm thay đổi sâu sắc sự hiểu biết về các mô hình tài chính.
Mặt khác, có rất nhiều bài toán phát sinh từ các câu hỏi thực tiễn trong ngành tài chính đã tạo ra những thách thức và những hướng nghiên cứu mới trong ngành Toán ứng dụng. Sự tương tác rất hiệu quả và hữu ích này giữa lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực Toán tài chính khá là đặc biệt và đã thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên giỏi của ngành Toán học. Đó là một động lực đầy cảm hứng cho tôi để lựa chọn ngành này.
- Hiện nay, FinTech (tạm dịch là Công nghệ tài chính) bùng nổ và các giao dịch ngân hàng kiểu cũ đang dần kết thúc. Theo ý kiến của ông thì trong thời kỳ chuyển đổi số thì hướng mới trong nghiên cứu về tài chính định lượng là gì và ngành này sẽ có những thay đổi như thế nào?
Tài chính định lượng là một lĩnh vực vẫn đang tiếp tục phát triển. Những xu hướng mới nhất, những phát triển đáng chú ý nhất đó là trong lĩnh vực học máy và FinTech trong một loạt các ứng dụng, bao gồm quản lý danh mục đầu tư sử dụng robot để tư vấn, các thuật toán tự động giao dịch, kỹ thuật phát hiện lừa đảo, phân tích quan điểm/tin tức, tính toán tài chính.
Tại thời điểm hiện tại, học máy và mạng nơron nhân tạo đang như một hộp đen và việc có được một khả năng diễn dịch tốt về công dụng để hiểu cách thức hoạt động và các hạn chế của chúng là một việc hết sức cần thiết. Về mặt này, Toán học sẽ đóng một vai trò quan trọng để hỗ trợ cho việc ứng dụng một cách tốt hơn và hiệu quả hơn kỹ thuật học máy trong lĩnh vực tài chính định lượng.
- Ông có thể đánh giá về tình hình nghiên cứu và nhân lực trong lĩnh vực tài chính định lượng ở Việt Nam, so với khu vực và trên thế giới?
Ngành công nghiệp tài chính ở Việt Nam chưa phát triển như ở châu Âu hay Mỹ. Vì vậy, tài chính định lượng ở Việt Nam chưa có vị thế và tầm quan trọng ở các trường đại học giống như ở các nước. Tôi được biết là ở Việt Nam thì tài chính định lượng được giảng dạy chủ yếu tại các chương trình thạc sĩ ở các khoa Kinh tế của các trường đại học; trong khi đó thì ở châu Âu hay Mỹ, ngành này thường được giảng dạy và nghiên cứu ở các khoa Toán hay khoa Vận trù học, với các học viên có kiến thức nền tảng vững vàng trong các lĩnh vực xác suất - thống kê và khoa học máy tính.
- Được biết, ông đã tham gia hợp tác nghiên cứu và giảng dạy ở Viện John Von Neumann, TPHCM và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, vậy Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của các đơn vị mà ông hợp tác trong kết nối các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài để họ có thể đóng góp được một cách hiệu quả vào đời sống khoa học tại Việt Nam?
Quả thực, tôi đã thường xuyên giảng dạy tại Viện Nghiên cứu John Von Neumann (JVN), và gần đây đã tổ chức những buổi hội thảo về tài chính định lượng tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM). Thông qua đó, tôi nhận thấy hai viện nghiên cứu này đóng một vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của Toán ứng dụng, cụ thể hơn là Tài chính định lượng và Khoa học dữ liệu trong cộng đồng khoa học tại Việt Nam.
Những chuyên gia nước ngoài có thể giúp đỡ tổ chức các hội thảo quốc tế, mời các nhà Toán học có tiếng ở những viện nghiên cứu này để đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực xác suất và thống kê – một ngành mà hiện nay có lẽ chưa được chú trọng bồi dưỡng đầy đủ ở các trường đại học ở Việt Nam, và việc này cũng để giới thiệu về xu hướng mới trong ngành Toán ứng dụng và Khoa học dữ liệu.
Tôi tin tưởng rằng điều này sẽ là một bước tiến quan trọng nhằm khuyến khích những sinh viên giỏi làm việc trong những lĩnh vực này ở Việt Nam, và cũng sẽ góp phần gia tăng hợp tác với các tổ chức ngân hàng và trong khu vực công nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!