Ngành Sư phạm và những kiên định, bản lĩnh cần có

GD&TĐ - Sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường đã tác động sâu rộng và cụ thể tới các ngành nghề trong xã hội, sẽ chẳng còn có cá nhân nào, tổ chức, đơn vị nào vô can, đừng ngoài cuộc nữa. Và, thầy cô, nhà trường, ngành sư phạm cũng vậy. Nhà trường và người thầy có đổi mới, có năng động và sáng tạo hay không mới có thể “sống sót” và vực dậy, phát triển được trong thời kỳ khắc nghiệt này.

Học viện Quản lý giáo dục chào mừng tân sinh viên 2017 nhập học
Học viện Quản lý giáo dục chào mừng tân sinh viên 2017 nhập học

Từ trước đến nay, giáo dục và sư phạm như có một sự mặc định vĩnh hằng với đức tín, người thầy vô can với những điều như danh lợi, tiền bạc, giàu sang,... Người thầy như được định nghĩa là mẫu người “quân tử”, trí tuệ cao minh mà thanh sạch vô ngần. Thầy không thể sống vị cơm áo, gạo tiền được, thầy phải vượt ra ngoài khỏi những bon chen của cuộc mưu cầu danh lợi, thầy phải đồng nghĩa với nghèo mà thanh tao, với sự trong sáng, là chuẩn mực tuyệt đối như tầm gương không tì vết.

Chính vì thế mà khi nói đến những điều như dịch vụ giáo dục, thị trường giáo dục, marketing giáo dục, thương hiệu trường học,... vẫn còn nhiều người phản biện, cho đó là tư duy tầm thường hóa người thầy và nhà trường, là hạ thấp vị trí cao sang của nhà giáo, nhà giáo không phải là dân buôn!,...

Sự “yên ổn” của nhà trường không thể tồn tại một cách hình thức như vậy nữa, những tiếng đập liên hồi của cơ chế thị thường vẫn không thôi lên cánh cửa của lớp học. Lớp học cũng không còn đóng khuôn cố định trong sự biệt lập với xung quanh nữa. Nhà giáo, nhà trường, hiệu trưởng, nhân viên, người học cũng sẽ phải đối mặt với sự khắc nghiệt mà khá sòng phẳng của cơ chế điều tiết tự nhiên xã hội, họ có dám và quyết tâm đổi mới không, có năng động và sáng tạo hay không để “sống sót” và vực dậy, phát triển trong thời buổi khắc nghiệt này.

Kỳ tuyển sinh năm nay là một tín hiệu phức hợp, nhiều lo âu những cũng đầy hi vọng về một dự báo cho sự đổi mới quyết liệt, cần có trong ngành sư phạm.

Chất lượng đào tạo thấp, công tác dự báo, quy hoạch hệ thống trường sư phạm đang tồn tại nhiều bất cập, sự phân công lao động sư phạm lạc hậu, thể chế chậm đổi mới,... là những hệ lụy ảnh hưởng vô cùng lớn tới các nhà giáo và các trường sư phạm.

Sự “rớt giá” là từ của nhà kinh tế thì nay được dùng rất trúng nghĩa về vị thế người thầy và trường sư phạm. Và đến lúc này, những người làm giáo dục không thể đứng ngoài “cuộc chơi” vốn bị coi là của nhà kinh tế nữa.  

Cũng giật mình, cũng biết phải “tự cứu mình trước khi trời cứu” là phải “hạ giá”, kêu gọi người học để giữ mình, giữ nghề, giữ trường tồn tại.

Tuy nhiên, sự “đổi thay” này chỉ chớp nhoáng, bởi sức ỳ và sự trì trệ của nhà sư phạm, trường sư phạm quá lớn. Có thể “hạ điểm chuẩn” để tuyển cho đạt số chỉ tiêu người học, và tuyển sinh xong là cũng xong luôn cuộc giải cứu, nhà sư phạm – trường sư phạm vẫn thế, vẫn không biết làm gì để mình và trường mình hấp dẫn người học!

Kẻ nào hiểu quy luật và tuân thủ quy luật sẽ là người thắng cuộc. Câu nói của ai đó chắc rất đúng trong thời kỳ này và vận vào vị thế của nhà sư phạm trong thời hiện tại. Giáo dục cần được đặt trong tư duy phát triển có cạnh tranh bình đẳng như những ngành dịch vụ xã hội khác.

Nhà sư phạm và trường sư phạm trong hệ thống cũng vậy, cần được tư duy lại; để đổi mới, phát triển phải chấp nhận sự khắc nghiệt, chấp nhận những rủi ro, chấp nhận sự trả giá cho hành động vì sự cải thiện và phát triển bản thân.

Những mặc định tưởng như bất biến về nhà sư phạm như: chế độ, chính sách lao động nhà giáo, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua, khen thưởng,... cần được nghiên cứu đổi mới cho phù hợp với cơ chế xã hội, phù hợp với quy luật kinh tế- chính trị của đất nước.

Ngành sư phạm có những đặc thù đòi hỏi những con người có tố chất đặc biệt, cân bằng cả niềm say mê nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp. Giáo dục đang chuyển từ cách dạy đơn tuyến, “giót tri thức vào bình chứa học trò” sang hình thành phẩm chất- kiến thức và năng lực người học. Đây là sự đổi mới căn bản trong tư duy triết lý, phương pháp dạy học của nhà sư phạm nên rất cần đào tạo được đội ngũ nhà giáo có khả năng gánh vác trọng trách này.

Và vì thế, đầu tư cho giáo dục, cho trường sư phạm là tất yếu để đảm bảo sự hợp quy luật, sự cạnh tranh bình đẳng cho một ngành nghề đặc thù trong thể chế xã hội đặc thù. Muốn vậy, phải bắt đầu từ cải thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, cần nghiên cứu và quy hoạch lại mạng lưới hệ thống trường sư phạm có tính đến yếu tố thị trường, sự cạnh tranh và xu hướng hội nhập; cần sớm có cách giải pháp đồng bộ để phát huy năng lực học tập và đổi mới trong các nhà giáo và nhà trường.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu và nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đối với công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.

Trong cuộc đổi mới này, sẽ không tránh được những “sóng sánh” như cách dùng từ đầy hình ảnh mẫn cảm của nhà lãnh đạo giáo dục, cũng dám chấp nhận rủi ro, cũng sẽ có của những tín hiệu có thể bị coi là trái chiều, là thách thức… nhưng cũng là cơ hội để chúng ta tư duy lại, bình tĩnh, cẩn trọng để có những quyết sách phù hợp, mang lại sự đổi mới thật sự cho ngành sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ