Ngành luyện thi 25 tỷ USD và "canh bạc khổng lồ" của con nhà giàu

Nhiều phụ huynh ở Mỹ chấp nhận bỏ ra hàng triệu USD để con vào đại học. Cuộc cạnh tranh giữa những đứa trẻ giàu có dẫn đến sự xuất hiện của ngành công nghiệp luyện thi 25 tỷ USD.

Ngành luyện thi 25 tỷ USD và "canh bạc khổng lồ" của con nhà giàu

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Nicole (đề nghị giấu họ) làm quản lý chương trình gia sư. Cô từng nghĩ thế giới luyện thi đại học (PSAT) không công bằng.

Những học sinh không quá thông minh cũng có thể đạt điểm cao, thậm chí tăng thêm vài trăm điểm SAT trong vài tuần học nhờ được hướng dẫn bí quyết làm bài.

Đến khi con cô chuẩn bị vào đại học, Nicole cũng mạnh tay chi tiền cho con thi PSAT, bởi người mẹ sợ nếu gia đình không đầu tư, con cô sẽ không thể trúng tuyển trường tốt. Nỗi lo con không thành công đang ám ảnh phụ huynh Mỹ, đặc biệt những người giàu có.

Đưa con vào "canh bạc khổng lồ"

Nicole không phải bà mẹ duy nhất tính toán hỗ trợ con trong cuộc cạnh tranh vào đại học.

Ngày 12/3, cảnh sát liên bang công bố 50 bản cáo trạng liên quan gian lận tuyển sinh. Những phụ huynh giàu có, quyền lực, bao gồm hai nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin, chi hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD hối lộ nhân viên trường đại học, hoặc thuê người thi hộ để con họ có thể trúng tuyển trường danh tiếng.

Đương nhiên, nhiều gia đình khác không ám ảnh đến mức liều lĩnh như vậy. Họ chi số tiền không nhỏ, nhưng theo cách khác, hợp pháp. Họ cho con thi thử, mời gia sư luyện thi, thuê cố vấn tuyển sinh từ đại học để con có lợi thế hơn trong cuộc đua đó.

“Tôi có cảm giác nhiều phụ huynh đang đưa con vào canh bạc khổng lồ. Nhưng đó lại là xã hội Mỹ hiện nay. Nhiều người chấp nhận nó là một phần trong danh sách những việc cần làm khi nuôi dạy con”, Nicole chia sẻ.

Tuy nhiên, họ không thể phủ nhận lợi ích mà một tấm bằng đại học từ các ngôi trường hàng đầu mang lại. Năm 2018, 9/10 công việc mới ở Mỹ dành cho những người tốt nghiệp đại học. Người lao động có bằng cấp kiếm được nhiều tiền hơn và có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn.

Vì thế, dù chi phí học đại học liên tục tăng nhanh, với nhiều người, đây không chỉ là khoản đầu tư đáng giá mà là khoản nhất định phải đầu tư.

Trong khi đó, con đường vào các trường danh tiếng ngày càng khó. Năm 1941, 1.092 người trong tổng số 1.182 thí sinh ứng tuyển vào ĐH Harvard trúng tuyển. Năm 2018, số người trúng tuyển tăng gấp đôi trong khi số lượng đơn ứng tuyển lên đến hơn 42.000.

10 năm trở lại đây, phần lớn đại học hàng đầu ở Mỹ có tỷ lệ trúng tuyển giảm rõ rệt. Thực tế kết hợp giữa tầm quan trọng ngày càng tăng của tấm bằng đại học danh giá với cơ hội vào đại học hàng đầu ngày càng giảm khiến các gia đình giàu có lâm vào cuộc khủng hoảng.

Hơn bất cứ ai, họ lo sợ con không thể theo học trường tốt, tốt nghiệp với tấm bằng đủ "sức nặng" để có thể thành công như cha mẹ chúng.

“Trong một tuần, ngày nào, tôi cũng nhận điện thoại từ các bậc phụ huynh, nghe họ than vãn con học Toán không tốt”, Alexis White, Giám đốc Trung tâm Gia sư A-List ở Los Angeles, nói.

Bà cho biết những gia đình giàu có thường dễ hoảng loạn khi con chuẩn bị vào đại học. Bất kể họ giàu có đến đâu, thậm chí con họ không cần cố gắng, vẫn có thể hưởng thụ cuộc sống giàu sang. Những ông bố bà mẹ giàu có này luôn sợ hãi con họ không thành công.

Công nghiệp luyện thi hàng tỷ USD

Cùng với sự lo lắng tột độ của phụ huynh nhà giàu, nền công nghiệp luyện thi, cố vấn giáo dục ra đời. Năm 2016, lĩnh vực tổ chức thi thử thu về hơn 25 tỷ USD trong khi công nghiệp cố vấn giáo dục trị giá hơn 1,9 tỷ USD.

Nhưng, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy cuộc chạy đua trên hành trình tiến vào đại học là sự chênh lệch thu nhập giữa các gia đình.

Nganh luyen thi 25 ty USD va
Phụ huynh nhà giàu có nhiều cách để con thuận lợi vào trường danh tiếng, từ thuê gia sư, cố vấn để quyên tiền cho trường, thậm chí gian lận. Ảnh: Boston Globe.

Như Trung tâm A-List được nhắc đến ở trên, khách hàng của họ chủ yếu là con cái đến từ tầng lớp trung lưu hoặc sinh ra trong gia đình tỷ phú. Bởi theo Alexis White, những người nghèo gần như “tuyệt vọng” trong việc trợ giúp con có thêm lợi thế vào đại học lừng danh.

Nhà nghiên cứu Jeffrey Winters của ĐH Northwestern, cho biết các phụ huynh nằm trong top 1% người giàu nhất có thu nhập khoảng 420.000 USD/năm. Con số này cao gấp 10 lần đối với mức thu nhập bình quân của người Mỹ, nhưng vẫn ít hơn 100 lần so với những người nằm trong số 0,1% người giàu nhất.

Những người giàu có thường làm cùng công ty hoặc con họ học cùng nhau tại một trường tư thục danh tiếng. Vì thế, họ có xu hướng so sánh với nhau và đương nhiên, ai cũng muốn con mình nổi bật hơn.

Sarah (yêu cầu không sử dụng tên thật), giám đốc điều hành tại một viện nghiên cứu, cho biết các bậc cha mẹ giàu có chịu nhiều áp lực.

“Một vài người trúng tuyển Harvard nhờ thông minh vượt trội. Một số người khác vào đây nhờ bố mẹ họ tặng trường một tòa nhà. Một số thuộc diện ưu tiên. Nhưng đâu là chỗ cho con tôi? Cách duy nhất là phấn đấu trở nên gần giống với ứng viên lý tưởng của trường”, Sarah chia sẻ.

Nhưng ngay cả công nghiệp thi thử cũng có sự phân bậc theo mức độ giàu có. Các trường công lập thường tổ chức khóa luyện thi kéo dài vài tuần cho học sinh. Những gia đình giàu có đăng ký cho con học các khóa học buổi tối, lớp luyện thi SAT online. Người giàu hơn thì thuê gia sư riêng. Gia đình rất giàu thuê hẳn cố vấn để theo sát quá trình học của con trong nhiều năm.

Sarah thuộc trường hợp thứ 4. Bà thuê gia sư chuyên về luyện thi từ khi con học năm đầu trung học.

“Tôi cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau và nhất định phải bắt kịp. Một số học sinh thậm chí bắt đầu trao đổi với cố vấn đại học từ khi học trung học cơ sở”, bà giải thích.

Cùng suy nghĩ, Nicole cho rằng gia đình vẫn chưa dốc hết toàn lực để giúp con có những hỗ trợ cần thiết. Bản thân Nicole không muốn thỏa hiệp với cuộc "chạy đua tiền bạc" nhưng một con của bà sắp vào đại học, bà bắt buộc phải làm thế.

Nicole sở hữu nhiều nhà cho thuê, đồng thời có công việc ổn định, thu nhập cao. Bà lo lắng nếu không giúp, con sẽ không có được cuộc sống tương tự.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ