Khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19 với ngành kế toán

GD&TĐ - Nhiều ngành nghề kinh doanh phải chịu tác động tiêu cực trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và nghề kế toán cũng không phải ngoại lệ.

Các công ty dịch vụ kế toán và các kế toán viên sẽ phải thay đổi cách vận hành công việc để thích ứng với những khó khăn và thách thức của bối cảnh hiện nay.

Cắt giảm nhân sự kế toán tại các doanh nghiệp

Từ thời điểm đại dịch Covid bùng phát, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh do sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu giãn cách xã hội. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng lao động, trong đó bao gồm cả nhân viên kế toán.

Một số đơn vị sử dụng lao động còn yêu cầu nhân viên kế toán phải làm các công việc khác ngoài chuyên môn để bù đắp vị trí của nhân sự khác bị cắt giảm. Mặc dù kế toán là bộ phận “đầu não” quan trọng của nhiều doanh nghiệp, song nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, thì việc cắt giảm nhân sự là điều không tránh khỏi. Nếu rơi vào tình trạng phá sản, một khối lượng lớn kế toán viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm.

Khó khăn do thay đổi cách thức làm việc

Kế toán viên mặc dù chủ yếu làm việc dựa trên văn bản, chứng từ sổ sách nhưng không có nghĩa rằng đại dịch Covid không ảnh hưởng đến cách thức làm việc của nghề này. Kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội, đa số ngành nghề bao gồm cả kế toán phải chuyển đổi cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến qua mạng.

Cách thức làm việc này khá linh hoạt tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn và rủi ro chẳng hạn như khó khăn trong việc đối chứng thông tin trên máy với thông tin tại các tài liệu chứng từ gốc được lưu trữ tại công ty, khó khăn trong việc lấy chữ ký và con dấu doanh nghiệp cho các văn bản,…

Chuyển đổi số và xu hướng làm việc từ xa

Đại dịch Covid-19 là một thách thức lớn đối với nghề kế toán song đây cũng là cơ hội giúp khai phá tiềm năng trong cách thức hoạt động của nghề này.

Sự tác động của đại dịch Covid-19 làm cho làn sóng chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Các công ty phần mềm kế toán liên tục đưa ra các sản phẩm hỗ trợ người dùng trên các nền tảng online mà không cần phải đến nơi làm việc. Điều này, không chỉ đảm bảo an toàn trong mùa dịch, mà sẽ là một xu thế làm việc mới trong tương lai bởi sự tiết kiệm về chi phí vận hành, thời gian và công sức đối với các kế toán. Từ đó giúp doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính - kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, quản lý điều hành…

Ngoài ra, chuyển đổi số mang lại cơ hội phát triển cho ngành kế toán khi rút ngắn khoảng cách về địa lý. Người lao động có thể làm kế toán ở bất cứ nơi đâu chỉ với một chiếc máy tính và năng lực chuyên môn của mình.

Xu hướng sử dụng dịch vụ kế toán từ bên ngoài

Từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Một số doanh nghiệp thay vì tuyển dụng kế toán làm việc tại doanh nghiệp thì chuyển qua sử dụng dịch vụ kế toán tại các công ty dịch vụ kế toán và các kế toán viên hành nghề độc lập để giảm thiểu chi phí nhân sự, đồng thời vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin tài chính kế toán cho cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Đây sẽ là cơ hội cho các công ty dịch vụ kế toán và các kế toán viên có đủ điều kiện hành nghề phát triển thị trường việc làm của mình và tạo ra một xu thế mới về nghề kế toán trong tương lai.

Bên cạnh đó, do tác động từ đại dịch Covid-19, dẫn đến chuyển đổi số cũng trở nên phổ biến hơn, điều này dẫn đến sự thay đổi về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế các công việc thủ công của kế toán như: nhập liệu, tính toán, định khoản,… Điều này khiến cho người làm kế toán nhận thức được việc phải nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công việc để có thể giải quyết được những vấn đề mà máy móc không thể giải quyết.

Nhìn chung, mặc dù đại dịch COVID-19 đã để lại những khó khăn nhất định đối với hầu hết các ngành nghề nói chung và đối với nghề kế toán nói riêng nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho nghề này. Để có thể kịp thời thích ứng với sự thay đổi đó, một phần người hành nghề kế toán cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, một phần cần nhanh chóng tiếp cận, học hỏi và đổi mới trong cách thức làm việc, đặc biệt là các phần mềm, ứng dụng công nghệ về kế toán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...