Ngành khoa học dữ liệu: Thiếu cơ sở đào tạo

GD&TĐ - Khoa học dữ liệu là một lĩnh vực mới, mang tính đa ngành, được hình thành trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, nhu cầu nhân lực có khả năng vận dụng, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực khoa học dữ liệu ở Việt Nam và trên thế giới đang ngày càng tăng cao. Sức hấp dẫn là rất lớn, tuy nhiên chưa có nhiều nơi đào tạo ngành học này.

Nhu cầu về ngành học Công nghệ thông tin ngày càng lớn trong thời đại CMCN 4.0
Nhu cầu về ngành học Công nghệ thông tin ngày càng lớn trong thời đại CMCN 4.0

Nhu cầu lớn

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: Hiện nay, một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, viện nghiên cứu… trong nước cũng đã hình thành các trung tâm, phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu. Nhưng ở Việt Nam hiện có rất ít các chương trình đào tạo chuyên sâu về khoa học dữ liệu.

Nhu cầu về chuyên gia khoa học dữ liệu có ở nhiều lĩnh vực, từ những ngành có nhu cầu phân tích dữ liệu như y sinh học, môi trường, địa lý, địa chất, khí tượng, thủy văn, nông nghiệp, xã hội học... đến những ngành như tài chính, ngân hàng, kinh doanh thương mại, chăm sóc khách hàng, mạng xã hội... Có thể nói khoa học dữ liệu là một lĩnh vực liên ngành nên trong tương lai gần nhu cầu được đào tạo chuyên sâu để làm việc phân tích dữ liệu là rất lớn.

Cho đến thời điểm này, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội đang chiếm ưu thế, mạnh về cả 3 lĩnh vực toán ứng dụng, thống kê và tin học đã dành thời gian hơn 2 năm cho việc xây dựng bài bản, công phu một chương trình đào tạo bậc thạc sĩ về khoa học dữ liệu. Đến năm 2018, trường chính thức triển khai thí điểm chương trình đào tạo này. Được biết, Chương trình đào tạo khoa học dữ liệu bậc thạc sĩ sẽ đào tạo theo hướng trang bị đồng thời các kiến thức về toán học, thống kê, tin học, giúp học viên phân tích, khai thác hiệu quả nhiều loại dữ liệu khác nhau trong thực tế như trong kinh tế, tài chính, sinh học, biến đổi khí hậu…. đáp ứng những yêu cầu đa dạng về phân tích cơ sở dữ liệu của các ngành khoa học, kinh tế, xã hội đúng theo những đòi hỏi cấp thiết của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ hội được tuyển dụng nhiều hơn

Nhấn mạnh về vai trò của khoa học dữ liệu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, TS Lê Hồng Phương, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội, nhận định: “Trong thời đại số ngày nay, các tổ chức và cá nhân đã, đang và sẽ sở hữu các kho dữ liệu ngày càng lớn, được sản sinh với tốc độ ngày càng nhanh và nhiều. Khoa học dữ liệu sẽ giúp khai thác các mỏ dữ liệu đó hiệu quả, tạo thêm nhiều giá trị. Các mô hình, thuật toán phân tích dữ liệu không chỉ quan trọng trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, mà còn có tiềm năng giúp phát hiện các ý tưởng, quy trình kinh doanh, trợ giúp lãnh đạo ra quyết định tốt hơn trong mọi ngành nghề kinh doanh và mọi ngành công nghiệp”.

Trong một hội thảo về khoa học dữ liệu được Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội tổ chức, ông Lê Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng - Tập đoàn Viettel, cũng đồng quan điểm khi cho rằng: Với chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành khoa học dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam được Đại học KHTN thực hiện, các doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn cơ hội tuyển dụng và đào tạo từ trong nước. Ông Hưng cũng khẳng định: “Nhu cầu nhân lực cả về data engineer và data science trong lĩnh vực dữ liệu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũ đều sẽ nhìn dữ liệu như là một cửa tăng trưởng mới”.

Được biết, đến thời điểm này, Chương trình đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu đã và đang nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ về nhu cầu đào tạo cũng như tuyển dụng. Theo tiêu chí đặt ra, người học được trang bị kiến thức về phương pháp thống kê, phân tích và dự báo. Được rèn luyện các kĩ năng thu thập, phân tích dữ liệu, khảo sát dáng điệu, phân phối, phát hiện cá biệt, phát hiện mẫu điển hình; xây dựng mô hình thống kê, dự báo, phân cụm, gán nhãn tự động, ước lượng giá trị; xây dựng giải pháp công nghệ cho phân tích dữ liệu lớn. Học viên được thực hành ứng dụng mô hình lý thuyết trên dữ liệu thực tế; rèn luyện kĩ năng từ việc tham gia vào các dự án trong công nghiệp, dịch vụ. Người học có khả năng nghiên cứu độc lập với sự tư vấn, định hướng từ các chuyên gia đầu ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ