Hiệu quả có thể mạnh hơn tại những quốc gia mà cho đến nay người dân có tuổi thọ trung bình khá thấp. Tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta có hạn chế được các yếu tố có ảnh hưởng đến nguy cơ đoản thọ hay không. Một điều may mắn là nhiều yếu tố trong số đó phụ thuộc vào chính chúng ta.
Nghiên cứu được thực hiện dưới sự dẫn dắt của Tiến sĩ Kyle Foreman, Giám đốc Khoa học dữ liệu thuộc Viện Chuẩn Sức khỏe và Tiến hóa (IHME) thuộc ĐH Washington. Các tác giả của công trình nghiên cứu dự đoán sự gia tăng đáng kể các trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh thận mãn tính.
Họ cũng dự đoán số ca tử vong do béo phì cũng tăng lên. Các tác giả cũng bày tỏ hi vọng các yếu tố nguy cơ căn bản sẽ được giảm thiểu nhờ cải thiện công tác tuyên truyền, giáo dục và gia tăng mức sống của xã hội. “Tất cả phụ thuộc vào việc các hệ thống chăm sóc sức khỏe có chế ngự được các yếu tố nguy cơ chủ chốt hay không” – Tiến sĩ Foreman nói.
Năm yếu tố có ý nghĩa cơ bản đối với nguy cơ tử vong sớm là: Cao huyết áp, mức đường trong máu cao, chỉ số cân nặng cơ thể tăng, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. Yếu tố thứ sáu được các tác giả chỉ ra là ô nhiễm không khí.
Các tác giả công trình nghiên cứu lưu ý rằng, danh sách các nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong sẽ thay đổi. Nếu như trong năm 2016, các bệnh không lây nhiễm và tai nạn chiếm 40% trong số các nguyên nhân thường xuyên dẫn tới tử vong, thì đến năm 2040 chúng chiếm đến 80% (trong đó có thêm các bệnh như đau tim, đột quỵ hay bệnh Alzheimer).
Theo kịch bản xấu, tuổi thọ trung bình sẽ hạ xuống tại 87 quốc gia; bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình tăng thêm 1 năm tại 57 quốc gia khác. Theo kịch bản lạc quan, tuổi thọ trung bình gia tăng ở mọi quốc gia, trong đó tăng tới 10 năm tại 46 quốc gia.
“Tại nhiều quốc gia vẫn sẽ có nhiều người có thu nhập quá thấp, có trình độ văn hóa thấp; yếu tố này dẫn đến tử vong sớm. Bên cạnh đó, một số quốc gia có thể cải thiện tình hình, giúp các công dân của họ hạn chế những yếu tố nguy hiểm như hút thuốc lá hay ăn uống không điều độ” – Tiến sĩ Christopher Murray, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết.