Đó là khẳng định của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Toán học ở Việt Nam tại buổi tọa đàm “Học Toán để làm gì?”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ buổi khai mạc “Ngày hội Toán học mở 2018” vừa được tổ chức lần đầu tiên tại TPHCM.
GS Hồ Tú Bảo - Giám đốc Viện John von Neumann (ĐHQG TPHCM) khẳng định, muốn làm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì phải có nguồn nhân lực số. Tuy nhiên theo GS Bảo, hiện nhân lực về khoa học dữ liệu được đào tạo ở Việt Nam còn hạn chế khi 3 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 105 người (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội chỉ 40 người, ĐH Công nghệ thông tin TPHCM 50 người, ĐH Bách khoa Hà Nội 15 người…). Trong khi Hàn Quốc có chiến lược để 5 năm tới có 5.000 người được đào tạo về lĩnh vực này.
GS Hà Huy Khoái - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đang là Tổng chủ biên một bộ sách giáo khoa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn nhận: Vẫn còn có nhiều ý kiến phản biện cho rằng, môn Toán của nước ta kiến thức quá nặng do nghiêng nhiều về phần mẹo và lượng bài tập. Tuy nhiên, thực tế khi so sánh kiến thức môn Toán với các nước lại cho thấy; về khối lượng kiến thức, môn Toán của ta vẫn còn nhẹ hơn.
Đồng quan điểm với GS Hà Huy Khoái, GS Hồ Tú Bảo cho rằng: Nếu như chúng ta thay đổi được cách dạy Toán, cách dùng Toán thì sẽ làm cho trẻ em thích học Toán hơn ngay từ những bậc học thấp nhất. Điều quan trọng, theo GS Bảo người học phải hiểu được ý nghĩa của Toán học, hiểu được bản chất của Toán, chứ không phải là học để giải các bài toán như hiện nay.