1. Đại học Quốc gia Singapore (NUS)
Điểm đánh giá chung: 100/100.
QS đánh giá Đại học Quốc gia Singapore luôn dẫn đầu trong việc đưa ra các phương pháp tiếp cận toàn cầu về giáo dục và nghiên cứu. Hệ thống trường gồm 17 khoa, trường thành viên, với hơn 30.000 sinh viên đến từ 100 quốc gia. Năm nay, trường tăng một bậc trên bảng xếp hạng QS Asia. Ảnh: King"s College London
2. Đại học Hong Kong (HKU)
Điểm đánh giá chung: 98,7.
Đại học lâu đời nhất Hong Kong tăng hai hạng so với năm ngoái để vươn lên vị trí số 2. Trường có kết nối với hơn 340 đại học hàng đầu ở 43 quốc gia. Trong số hơn 20.000 sinh viên, có 9.000 em là sinh viên quốc tế đến từ 96 nước. Tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường trong 11 năm liên tiếp luôn đạt trên 99,4%. Ảnh: HKU
3. Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore)
Điểm đánh giá chung: 97,8.
Sau một năm chiếm vị trí dẫn đầu của Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang đã bị rơi hai bậc. Tuy nhiên, ngôi trường này vẫn được đánh giá cao nhờ việc nắm bắt các công nghệ số và có quan hệ đối tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực có tác động mạnh đến xã hội như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, máy tính, giáo thông thông minh, năng lượng sạch... Ảnh: Slate
=3. Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc)
Điểm đánh giá chung: 97,8.
Đại học Thanh Hoa luôn được QS đánh giá là một trong những trường có chương trình giảng dạy ngành khoa học máy tính và kỹ thuật tốt nhất thế giới. Trường có hơn 110 câu lạc bộ, hội nhóm sinh viên ở nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, nghệ thuật, phúc lợi xã hội, nhờ đó thu hút được nhiều sinh viên quốc tế. Ảnh: FB/Tsinghua University
5. Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)
Điểm đánh giá chung: 96,9.
Đại học lâu đời và danh giá bậc nhất Trung Quốc đã tăng 4 bậc trên bảng xếp hạng QS Asia. Với 93 chương trình đại học, 199 chương trình thạc sĩ và hơn 170 lựa chọn cho những người muốn học lên tiến sĩ, Đại học Bắc Kinh thu hút hơn 43.000 sinh viên. Ảnh: UC Blogs
6. Đại học Phục Đán (Trung Quốc)
Điểm đánh giá chung: 96,1.
Đại học Phục Đán có 17 trường thành viên và 69 khoa, là điểm đến mơ ước của rất nhiều học sinh Trung Quốc. Trường có chương trình trao đổi về mặt học thuật và quan hệ đối tác với hơn 200 đại học, viện nghiên cứu trên thế giới, trong đó có Đại học Harvard, Columbia, trường Kinh tế London. Ảnh: Study in China
7. Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST)
Điểm đánh giá chung: 96.
HKUST được thành lập vào năm 1991 với sự mệnh hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội Hong Kong, nâng cao kiến thức thông qua giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, quản lý và nghiên cứu kinh doanh. Trường hiện là nơi học tập của hơn 10.000 sinh viên đến từ khoảng 70 quốc gia. Ảnh: Wikipedia
8. Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST)
Điểm đánh giá chung: 95,5.
KAIST là cơ sở khoa học và công nghệ định hướng nghiên cứu đầu tiên ở Hàn Quốc. Nó được mệnh danh là đại học sáng tạo nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nhiều dự án nghiên cứu nổi bật. Khoảng 10.000 sinh viên đang theo học tại ngôi trường danh giá bậc nhất Hàn Quốc này. Ảnh: Tistory
9. Đại học Trung văn Hương Cảng - CUHK (Hong Kong)
Điểm đánh giá chung: 95.
Được thành lập năm 1963, CUHK có sứ mệnh kết nối truyền thống với hiện đại, Trung Quốc với phương Tây. Trường luôn thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành quy mô địa phương, quốc gia và quốc tế, trong đó chú trọng một số hướng như nghiên cứu về Trung Quốc, về công nghệ thông tin, tự động hóa hay môi trường bền vững. Ảnh: CUHK Business School
10. Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc)
Điểm đánh giá chung: 94,2.
Đại học Quốc gia Seoul được thành lập năm 1946 sau khi hợp nhất 10 cơ sở giáo dục đại học. Với 83 chương trình bậc đại học và gần 100 chương trình bậc thạc sĩ, tiến sĩ, trường thu hút hơn 28.000 sinh viên. So với năm 2018, Đại học Quốc gia Seoul đã tụt hai bậc trên QS Asia. Ảnh: US News
QS Asia 2019 đánh giá các đại học dựa trên 11 tiêu chí gồm: đánh giá của các nhà tuyển dụng, các nhà khoa học, tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, số bài báo và trích dẫn theo cơ sở dữ liệu của Scopus, giảng viên và sinh viên quốc tế, trao đổi sinh viên Việt Nam và quốc tế, mạng lưới nghiên cứu quốc tế.