Ngành khoa học cơ bản: Khơi thông chính sách và quan niệm

GD&TĐ - Trước khó khăn, thách thức mà ngành khoa học cơ bản đang đối diện, đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc Gia Hà Nội). Ảnh minh họa: INT
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc Gia Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Theo đó, cần có chính sách “đặt hàng”, hỗ trợ chi phí học tập và “đầu ra” cho người học.

GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): Áp dụng chính sách như sinh viên ngành Sư phạm

khoi-thong-chinh-sach-va-quan-niem-3-5966.jpg
GS.TS Lê Thanh Sơn. Ảnh: NVCC

Trước năm 2022, ngoài học bổng khuyến khích học tập và học bổng tài trợ, một số ngành khoa học cơ bản được nhà trường ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên thuộc chương trình cử nhân khoa học tài năng và một số chương trình thuộc khối khoa học trái đất.

Từ năm học 2022 - 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Gói học bổng gồm: Miễn học phí; miễn phí chỗ ở nội trú; hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm trong năm thứ nhất và duy trì các năm tiếp theo nếu đạt học lực loại giỏi trở lên; ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học; ưu tiên khi xét các học bổng khác.

Với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, 9 ngành khoa học cơ bản được nhận học bổng là: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.

Ngoài học bổng của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài, các cựu sinh viên… để triển khai gói học bổng khác đến với sinh viên của trường nói chung và sinh viên ngành khoa học cơ bản nói riêng. Chẳng hạn, với sinh viên ngành Khí hậu học có học bổng của Tổng cục Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Bên cạnh học bổng hỗ trợ tiền học phí, sinh viên còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, có nhiều cơ hội ra nước ngoài thực tập và được ưu tiên vị trí việc làm sau tốt nghiệp; trình độ sau đại học cũng được hỗ trợ chi phí nghiên cứu.

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học luôn dành sự quan tâm trong việc đào tạo ngành khoa học cơ bản. Dù điểm xét tuyển đầu vào không quá cao và học phí ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo, nhưng nhiều năm qua, một số ngành khoa học cơ bản vẫn rơi vào tình trạng khó tuyển sinh.

Hiện nay, sinh viên có xu hướng lựa chọn ngành nghề có tính ứng dụng cao, cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập nhanh hơn các ngành khoa học cơ bản. Nếu tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản còn gặp khó khăn, có thể dẫn đến nhiều hậu quả. Trước mắt, khó thu hút được học sinh giỏi, năng lực và tư duy tốt. Về lâu dài, nếu không có cán bộ khoa học giỏi, đầu ngành, đầu đàn sẽ thiệt thòi cho những thế hệ sau. Bởi thông thường, các nhà khoa học giỏi còn làm công tác giảng dạy, đào tạo nên có nhiều thế hệ học trò.

Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa và có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút người học các ngành này. Chính sách có thể tương tự như đang áp dụng với sinh viên ngành sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”.

TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Tác động từ cơ chế, chính sách

khoi-thong-chinh-sach-va-quan-niem-4.jpg
TS Lê Viết Khuyến. Ảnh: NVCC

Các ngành truyền thống có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội đất nước; thậm chí, một số ngành được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Thế nhưng, kết quả tuyển sinh trong những năm gần đây đạt thấp.

Vậy làm gì để thu hút người học các ngành khoa học cơ bản? Tôi cho rằng, ngoài yếu tố lựa chọn của thí sinh, cần có tác động từ cơ chế, chính sách, truyền thông nhằm thay đổi quan niệm của giới trẻ về lựa chọn ngành, nghề.

Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho những ngành này, bởi khoa học cơ bản là ngành thiết yếu, nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước. Vì thế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn thông qua chính sách đãi ngộ về học bổng, việc làm… Đồng thời, cần có cơ chế “đặt hàng” đào tạo các ngành khoa học cơ bản.

Cũng cần nhấn mạnh, chúng ta không chỉ giữ các ngành khoa học cơ bản mà phải phát triển mạnh hơn nữa, gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Muốn vậy, cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Theo đó, cấp thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ quan liên quan để xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu phù hợp với nhu cầu của xã hội. Đồng thời, cần xác định, dự báo được nguồn nhân lực của ngành khoa học cơ bản trong khoảng 10 năm tới.

Các trường đại học cần tăng cường công tác truyền thông, hướng nghiệp để sinh viên hiểu rõ hơn về các ngành khoa học cơ bản. Muốn vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học với trường THPT trong công tác hướng nghiệp, giúp học sinh có thời gian lựa chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích bản thân.

Sinh viên Nguyễn Anh Quân – Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Lo “đầu ra” cho sinh viên

khoi-thong-chinh-sach-va-quan-niem-1.jpg
Sinh viên Nguyễn Anh Quân. Ảnh: TG

Ngoài chương trình học bổng, hỗ trợ học phí cho các ngành khoa học cơ bản, em mong có cơ chế đặc thù về việc làm và chế độ đãi ngộ thỏa đáng dành cho sinh viên ngành này.

Chẳng hạn, bố trí, sắp xếp vị trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, để chúng em không phải lo “đầu ra”. Nếu không tạo chính sách về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản thì những năm tới vẫn khó để thu hút thí sinh vào học.

Trước mắt, em mong các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách “đặt hàng” đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Có được cơ chế này sẽ giải quyết được bài toán “đầu ra”, việc làm, giúp sinh viên yên tâm học tập. Nếu có được những cơ chế, chính sách nêu trên, em tin ngành khoa học cơ bản sẽ khởi sắc.

Theo TS Lê Viết Khuyến, để thu hút và giữ chân những nhà khoa học giỏi vào các ngành khoa học cơ bản, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Nhà nước, hoạt động của cơ sở giáo dục và hiệu quả thực tiễn các công trình nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.