Ngành khoa học cơ bản: Không để 'xóa sổ' mã ngành

GD&TĐ - Để khắc phục tình trạng khó tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản, nhiều trường đại học đưa ra giải pháp tình thế...

Học sinh lớp 10 Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) học tập chuyên đề Công nghệ tế bào tại khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 10 Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) học tập chuyên đề Công nghệ tế bào tại khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Để khắc phục tình trạng khó tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản, nhiều trường đại học mở ngành mới mang tính liên ngành, ghép vào ngành khoa học ứng dụng. Cùng đó, thu hút thí sinh bằng các học bổng hỗ trợ người học, đào tạo có địa chỉ, cam kết việc làm sau khi ra trường…

“Thay tên, đổi họ”

Một số ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống của Trường Đại học Công Thương TPHCM như ngành Quản lý năng lượng, Công nghiệp vật liệu đã dừng tuyển sinh vài năm nay do số thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít. Một số ngành khác như Kỹ thuật môi trường, Công nghệ chế biến thủy sản cũng có xu hướng giảm số hồ sơ đăng ký xét tuyển sinh.

Để giữ lại mã ngành, tăng sức hút đối với thí sinh, nhà trường hướng đến việc đào tạo liên ngành, xây dựng những ngành học mới có sự kết hợp với ngành học hẹp nguồn tuyển. Như khoa Công nghệ thực phẩm mở thêm ngành mới Quản trị kinh doanh - thực phẩm, “lai” giữa quản trị kinh doanh và thực phẩm. Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh có thể học ngành Thực phẩm và ngược lại, tăng cơ hội việc làm khi học ngành này.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết, với tên gọi ngành đào tạo Hệ thống nhúng thuộc Chương trình tiên tiến, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không nhiều như kỳ vọng. Trong khi đó, đây là ngành học có nhu cầu nhân lực lớn và thu nhập cao.

“Sau khi khảo sát thực tế, chúng tôi thấy phụ huynh và học sinh phổ thông không có nhiều thông tin về ngành học này nên khó hình dung được các vị trí việc làm có thể đảm nhận sau khi ra trường. Vì vậy, nhà trường quyết định đổi tên thành ngành Hệ thống nhúng và IoT. Tình hình tuyển sinh sau đó khởi sắc hơn nhiều so với tên gọi cũ”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải so sánh.

Khoa Bảo tồn bảo tàng của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội được đổi tên thành Khoa Di sản văn hóa từ hơn chục năm nay. Thế nhưng, ngành đào tạo của khoa vẫn giữ nguyên là Bảo tàng học nên gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh khi nhìn vào tên ngành Bảo tàng học sẽ có suy nghĩ đầu ra của ngành học rất hẹp vì chỉ có thể làm việc tại các bảo tàng.

Trong khi đó, với ngành học này, sinh viên không chỉ được đào tạo vấn đề liên quan đến bảo tàng mà còn được cung cấp các thức về di tích, di sản... Cơ hội việc làm rộng mở, ngoài làm việc tại các bảo tàng, có thể ứng tuyển vào sở, ban nganh, trung tâm về văn hóa, du lịch, di tích...

Khối ngành Nông - Lâm - Ngư những năm qua đều nằm trong 4 nhóm ngành tuyển sinh khó khăn. Trong khi nhu cầu về nguồn nhân lực các nhóm ngành này lớn, từ đó tạo ra mâu thuẫn trong cung - cầu đào tạo các nhóm ngành.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh thông tin: “Có nhiều tập đoàn sản xuất giấy, chế biến lâm sản hợp tác với trường, cam kết sẽ tài trợ toàn bộ học phí cho sinh viên theo học ngành này. Họ cũng đầu tư trang thiết bị, quá trình nghiên cứu đào tạo của người học. Họ thực sự có nhu cầu nhưng tuyển người không ra, dù mức lương lên đến 20 triệu đồng thế nhưng vẫn thiếu người học”.

khong-de-xoa-so-ma-nganh-2-5561.jpg
Học sinh Trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng) trải nghiệm điều chế dung dịch nước rửa tay diệt khuẩn tại phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Tư vấn hướng nghiệp chuyên sâu

Thay đổi tên gọi của ngành học, hút thí sinh bằng các chế độ, chính sách học bổng... nhưng nhiều trường đại học vẫn không cải thiện được tình hình tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản.

PGS.TS Phan Cao Thọ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng phân tích, tâm lý chung là học sinh và ngay cả phụ huynh đều có nguyện vọng cho con theo học những ngành nghề thời thượng trong xã hội. Các nghề nghiệp có tính chất nghiên cứu hoặc điều kiện làm việc hơi vất vả, không tập trung tại thành phố lớn như địa chất, môi trường... thường ít học sinh lựa chọn hơn dù đầu ra sau tốt nghiệp rất thuận lợi.

“Trong khi đó, kiểu tư vấn “chớp nhoáng” như cách làm của các ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra trước thời điểm học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ có thể cung cấp những thông tin không đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động cũng như bức tranh phong phú của các ngành nghề”, PGS.TS Phan Cao Thọ nhận xét.

Kết quả tuyển sinh hai năm 2023, 2024 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đều khả quan. Với những ngành lâu nay hẹp nguồn tuyển như Môi trường, Công nghệ hóa học - môi trường, số thí sinh nhập học đạt xấp xỉ 100%. Đây là những ngành mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn.

Nhà trường bắt đầu công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp từ sớm, đón đầu từ khi học sinh THPT mới vào lớp 10 và chọn hình thức tư vấn chuyên sâu, cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường lao động, miêu tả đầu ra của từng ngành đào tạo cụ thể... để học sinh và phụ huynh dễ hình dung.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng, ngoài chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại trường phổ thông, còn có tour trải nghiệm tại các phòng thí nghiệm theo từng nhóm nhỏ.

Học sinh phổ thông có điều kiện được làm thí nghiệm hóa học, điều chế để làm nước rửa tay diệt khuẩn, thực hành làm mô hình tua - bin gió tiết kiệm điện năng... Tư vấn hướng nghiệp dựa trên trải nghiệm thực tế, theo hướng chuyên sâu là cách mà NVUK theo đuổi để hút thí sinh vào các ngành khoa học cơ bản.

Hà Phạm Bích Trâm - cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đã từ chối suất tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh để đi theo hướng nghiên cứu và chọn học ngành Khoa học Y sinh của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh. Với Hà Phạm Bích Trâm, Khoa học Y Sinh là ngành học không chỉ thú vị, sáng tạo mà còn giàu ý nghĩa bởi tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Một hướng nghiên cứu mà Trâm xác định sẽ theo đuổi, đó là trị bệnh theo hướng cá nhân hóa. “Ví dụ, cùng bệnh ung thư vú nhưng mỗi cá nhân sẽ có phác đồ điều trị, loại thuốc khác nhau do xuất phát của các đột biến không như nhau. Hiện nay, với bệnh này, bệnh nhân chỉ có thể điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị mà không phải ai cũng đáp ứng tốt”, Bích Trâm chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) cho rằng, tư vấn hướng nghiệp theo hướng chuyên sâu sẽ giúp học sinh có thông tin đầy đủ hơn về thị trường việc làm của các ngành nghề. Chẳng hạn, với nông nghiệp, cần chuyển tải cho học sinh thấy rằng, có nhiều phân khúc cần những lao động với kiến thức chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu về một nền nông nghiệp sạch - công nghệ cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.