Ngành khoa học cơ bản: 'Khát' người học lẫn người làm

GD&TĐ - Nhiều ngành nghề xã hội có nhu cầu nhân lực lớn, là “xương sống” của nền kinh tế, nhưng lại…“khát” người học.

Công nhân chế biến cá tại Công ty Aquatex Bến Tre. Ảnh: Quốc Hải
Công nhân chế biến cá tại Công ty Aquatex Bến Tre. Ảnh: Quốc Hải

Những năm gần đây, nhiều ngành nghề xã hội có nhu cầu nhân lực lớn, là “xương sống” của nền kinh tế, được các doanh nghiệp săn đón từ khi ngồi trên ghế nhà trường nhưng lại…“khát” người học. Các ngành Khoa học cơ bản, Nông lâm nghiệp đang trong hoàn cảnh này ngay cả khi cơ sở giáo dục không ngừng xoay xở tìm giải pháp hút thí sinh.

Khó tuyển sinh

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, mùa tuyển sinh vừa qua, ở cơ sở chính tại TPHCM có nhóm ngành Lâm nghiệp (Lâm học, Lâm sinh, Công nghệ chế biến lâm sản…) rất khó tuyển sinh.

Tương tự, với ngành đào tạo Công nghệ sinh học, Nông học, Tài nguyên và Du lịch sinh thái, Lâm nghiệp đô thị…, phân hiệu của trường tại Gia Lai cũng rơi vào tình trạng khó tuyển sinh ở hầu hết các ngành.

“Vừa rồi, Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT. Trong kiến nghị này, câu lạc bộ nêu rõ việc tuyển sinh khó khăn và đề xuất các giải pháp phù hợp”, ông Lý nói.

Thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy nhiều lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học chiếm dưới 1%, thấp nhất là dịch vụ xã hội (0,41%), thú y (0,48%). Riêng các ngành Khoa học cơ bản như: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê có tỷ lệ tuyển sinh ở mức 0,5 - 0,7%. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường có trên 0,85% thí sinh đăng ký. Đáng chú ý, trong ba năm liên tiếp (từ 2020 - 2022), 4 lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể: Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 49,1%, khoa học sự sống 57,92%, khoa học tự nhiên 59,43% và dịch vụ xã hội 61,36%.

Theo TS Trần Đình Lý, đào tạo nhân lực ngành Nông Lâm Ngư như lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - không phân biệt trường công hay trường ngoài công lập mà tập trung vào phát triển nguồn nhân lực của ngành.

Tuy nhiên, hiện nhiều trường đào tạo Nông Lâm Ngư nghiệp trên toàn quốc tuyển sinh rất khó, khiến nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng.

Tại Trường ĐH Công Thương TPHCM, mùa tuyển sinh vừa qua, ngành Công nghệ chế biến thủy sản tuyển sinh được khoảng 70 sinh viên, còn ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tuyển được hơn 80 sinh viên.

“2 ngành này chỉ lấy 17 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đây là 2 ngành thế mạnh của trường nhưng chỉ lấy bằng điểm sàn, khá thấp. Chúng tôi muốn tuyển sinh 2 ngành này với mức điểm cao hơn nhưng không được”, ThS Phạm Thái - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM nói.

Trên thực tế, câu chuyện các trường đại học không tuyển sinh được và phải đóng cửa ngành học không hiếm. Tại Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), 11 ngành phải dừng tuyển sinh trong năm 2022 và 2 ngành dừng tuyển sinh từ năm 2023.

Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen không tổ chức tuyển sinh, hoặc không tuyển sinh được 6 ngành học gồm: Quản lý tài nguyên môi trường, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thực phẩm, Quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, Bảo hiểm từ năm 2021 - 2022; ngành Nhật Bản học từ năm học 2022 - 2023 và tạm dừng tuyển sinh 4 ngành học như Luật quốc tế, Bất động sản, Hệ thống thông tin quản lý, Phim.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dừng tuyển sinh 7 ngành học gồm: Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học. Nguyên nhân là khi thực hiện mở ngành, trường đã khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh số lượng thấp.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), công tác tuyển sinh hằng năm cũng gặp khó với các ngành như: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học, Ngôn ngữ Ý, Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Ngôn ngữ Nga.

Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng, các ngành khoa học cơ bản, nhóm ngành Nông Lâm Ngư khó tuyển sinh một phần bởi “vướng” quy định về chỉ tiêu tuyển sinh. Ông nêu ví dụ, với chỉ tiêu khoảng 5.000 sinh viên/năm, sau 4 - 5 năm, lứa sinh viên này tốt nghiệp với số lượng còn khoảng 4.000 người. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nguồn nhân lực của thị trường lao động nên được tính là chỉ tiêu đầu ra sẽ hợp lý hơn so với chỉ tiêu đầu vào.

Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh cũng có thể bù trừ qua lại giữa các năm. “Nghĩa là nếu chỉ tiêu 5.000 sinh viên/năm, trong vòng 3 năm điều chỉnh cân đối miễn số lượng tuyển sinh là 15.000, 4 năm thì 20.000 sinh viên là hợp lý. Hiện nay, nhiều trường dù 3 - 4 năm tuyển sinh thiếu hụt, nhưng chỉ 1 năm tuyển sinh vượt lên một chút sẽ bị phạt”, chuyên gia này nói.

khat-nguoi-hoc-lan-nguoi-lam-4.jpg
Công nhân chế biến tôm tại FimexVN. Ảnh: Quốc Hải

Nguy cơ hụt nhân lực

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa bàn bạc và thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương một số nội dung.

Về thực trạng, câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản cho rằng, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian qua, là thế mạnh, trụ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam, rất cần được phát huy. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản đang và sẽ thiếu hụt lớn cả về số và chất lượng so với nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Trên thực tế, nhu cầu người học theo khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản những năm gần đây thấp. Kết quả tuyển sinh đại học khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản hằng năm của các học viện, trường đại học có xu hướng giảm nghiêm trọng; chỉ đạt 30 - 50% so với chỉ tiêu cần tuyển và tuyển sinh từ điểm sàn nên chất lượng đầu vào của sinh viên thấp.

khat-nguoi-hoc-lan-nguoi-lam-1.jpg
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: Lê Nam

Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên cao (xấp xỉ 46.000 người/năm). Thế nhưng, thực tế số lượng tuyển sinh hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% so với nhu cầu. Điều này dẫn tới nguy cơ tụt hậu về phát triển của nông nghiệp và nông thôn trong 5 - 7 năm tới.

Do đó, câu lạc bộ này đề xuất, để sớm giải quyết những nút thắt trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản nói riêng và quá trình phát triển của nông nghiệp và nông thôn nói chung trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, cần có chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, có chính sách đặt hàng đào tạo đối với ngành nghề truyền thống thiết yếu và khó tuyển sinh như Khoa học cây trồng, Khoa học đất, Lâm nghiệp, Chế biến lâm sản, Chăn nuôi, Thủy sản…

khat-nguoi-hoc-lan-nguoi-lam-2.jpg
Các doanh nghiệp, đoàn thể tham quan mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ảnh: NLU

Tìm cách thu hút

ThS Phùng Quán - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay, năm nay nhà trường tiếp tục duy trì gói học bổng hơn 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần (100% hoặc 50% học phí năm học đầu tiên) dành cho thí sinh trúng tuyển năm 2024 với thành tích cao vào các ngành, nhóm ngành khó tuyển như: Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường…

“Đây là những ngành, nhóm ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030”, ông Quán nói.

Để thu hút đầu vào cho những ngành khó tuyển, Trường ĐH Công Thương TPHCM có chính sách học bổng như giảm 50% học phí học kỳ đầu cho sinh viên nhưng nhìn chung giải pháp này chưa hiệu quả.

“Phần lớn thí sinh chỉ để ý đến 2 ngành Công nghệ chế biến thủy sản và ngành Quản lý tài nguyên và môi trường khi trượt các ngành khác”, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông chia sẻ và cho biết thêm, sinh viên các ngành này khi ra trường, trong 1 - 2 năm đầu tiên có mức lương cao nhưng thường sau 3 - 4 năm sau đó sẽ chuyển, bởi các ngành này công việc thường cực nhọc.

TS Trần Đình Lý cho hay, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thường xuyên kết nối với doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến sử dụng lao động ngành Nông Lâm Ngư, đầu tư tài trợ học bổng, miễn giảm học phí để thu hút sinh viên, kết nối giao lưu và tư vấn hướng nghiệp để thu hút thí sinh. “Đối với các ngành nhóm Lâm nghiệp khó tuyển, trường kết nối với các doanh nghiệp, sở NN&PTNT các địa phương, Chi cục Kiểm lâm… để giới thiệu nhân lực ngành lâm nghiệp cho các đơn vị”, TS Trần Đình Lý nói.

Tương tự, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đã hỗ trợ một phần chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm doanh nghiệp. “ĐH Quốc gia TPHCM cấp một phần chi phí đào tạo cho sinh viên học những ngành này nên học phí vừa phải”, ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác Sinh viên cho hay.

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) kiến nghị Chính phủ và các ban, bộ, ngành thành lập quỹ học bổng/kinh phí cấp bù ngân sách cho trường đại học để hỗ trợ học phí và học bổng cho sinh viên theo học nhóm ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản như ngành Sư phạm (theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 25/6/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm).

Thêm vào đó, cần có chiến lược và chính sách phù hợp cho hệ thống truyền thông nhằm chỉ đạo, định hướng thông tin cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức đúng về vai trò quan trọng của ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản trong giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường; là trụ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.