Ngành Giáo dục và Đào tạo đã đương đầu với thách thức, bền bỉ ứng phó với dịch bệnh

GD&TĐ - Sáng 14/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. 

Thích ứng linh hoạt, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh

Năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Theo thống kê, tính đến ngày 9/01/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Trong điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến các hoạt động của ngành. Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch Covid-19.

Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.

Trong năm, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đến ngày 30/11/2021, riêng ngành Giáo dục đã huy động được 146,892 tỷ đồng, 30.612 máy tính bảng, 31.305 điện thoại thông minh và 99.479 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Tính đến ngày 31/12/2021, Bộ đã phân bổ 87.756 máy tính cho 20 tỉnh, thành phố.

Các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến để hoàn thiện khối lượng chương trình và bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như kế hoạch học tập năm học 2021-2022; tích cực tham gia xây dựng, phát triển hệ thống trực tuyến đại chúng mở và các khóa học trực tuyến dùng chung nhằm tạo ra một nền tảng để kết nối chia sẻ học liệu và thúc đẩy tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở đào tạo.

Các cơ sở giáo dục đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trở thành điểm cách ly tập trung, sẵn sàng đón tiếp người trong diện cách ly hoặc làm địa điểm tiêm phòng; nhiều trường đại học đã tổ chức đoàn cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, lên đường chi viện các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Duy trì chất lượng giáo dục các cấp học và hoạt động giáo dục

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GDĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục mầm non linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em. Xây dựng tài liệu, học liệu trực tuyến, video nhằm hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non tại gia đình.

Bộ đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6; thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 và biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc. Thực hiện điều chỉnh quy trình thẩm định sách giáo khoa nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa trong thời gian tới.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao, năm 2021, có 37/37 lượt học sinh dự thi và đều đoạt giải. Trong đó, Chủ tịch nước đã trao 06 Huân chương Lao động hạng Nhì, 11 Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 6 Bằng khen cho các học sinh có thành tích xuất sắc.

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT (2 đợt) và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 đảm bảo nghiêm túc, an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Xét đặc cách tốt nghiệp cho 14.645 thí sinh đủ điều kiện, nhằm bảo đảm quyền lợi của các thí sinh có nguyện vọng nhưng không tham gia dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2021 công tác xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa bám sát điều kiện và khả năng thực hiện; các quy định hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động.

Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này. Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nề nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Bám sát thực tiễn, gia tăng tính hành động

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại những khó khăn mà ngành Giáo dục phải đối mặt trong năm 2021 do dịch bệnh Covid-19, đồng thời chỉ ra những việc đã làm được và những điều còn “đáng tiếc” của năm qua.

Theo Bộ trưởng, mặc dù còn một số việc, nội dung chậm, muộn, song nhìn tổng thể năm 2021, ngành Giáo dục đã đương đầu với thách thức, bền bỉ ứng phó với dịch bệnh và đã làm được nhiều việc. Đặc biệt trong khó khăn, hơn 1,5 triệu nhà giáo đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đã hành động vì nghề và vì học sinh.

Từ những việc đã làm được và những việc chưa làm được của năm qua, Bộ trưởng cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra là phải đặc biệt lưu ý tới thực tiễn, bám sát thực tiễn. Thời gian qua, nhiều việc đã được chỉ đạo và thực hiện sát với thực tiễn rồi nhưng cần phải tăng cường hơn nữa. Ngoài ra, cần gia tăng tính hành động trong công việc. Bộ trưởng cũng đồng thời lưu ý tới việc tăng cường phân cấp và tính kế hoạch để chủ động trong năm 2022.

Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ lớn của năm 2022, Bộ trưởng cho hay: Trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành Giáo dục.

Trước thực tế có gần 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên. “Trọng tâm vẫn là bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học”, Bộ trưởng nêu rõ.

Trong năm 2022, ngành Giáo dục cũng sẽ tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045 và triển khai nhanh các công việc liên quan đến chiến lược này. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện để ban hành các văn bản quản lý điều hành, trong đó lưu ý những văn bản quản lý điều hành khắc phục những hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch bệnh.

Đối với giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, năm 2022, 2023 được xác định là 2 năm trọng yếu trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy, cần phải nhìn thấy hết thách thức đặt ra về nguồn lực, điều kiện thực hiện để có phương án khắc phục và triển khai. Ngoài ra, kỳ thi THPT và triển khai tự chủ đại học cũng được Bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều thách thức, nên cần phải có các giải pháp, hành động ráo riết hơn.

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác như tăng cường chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế; tăng cường các thiết chế văn hóa trong hệ thống giáo dục và đào tạo… cũng được Bộ trưởng lưu ý thực hiện trong năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.