Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học…
Dự Hội nghị có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ông Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn; Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ.
Cùng đại diện lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành trên cả nước.
Cùng với cả nước, toàn ngành Giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Năm học 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; tăng cường thực hiện kế hoạch năm học, triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp THPT; tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở giáo dục đã chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình; điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá (trong đó, một số Sở GDĐT đã hướng dẫn kiểm tra cuối học kì II theo hình thức trực tuyến), hoàn thành kế hoạch năm học 2020 - 2021.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc chuyển đổi phương pháp giảng dạy được thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ những môn liên quan đến thí nghiệm, thực nghiệm, thực tập còn lại đều được triển khai dạy học trực tuyến. Tỷ lệ giảng viên dạy học trực tuyến của nhiều trường đạt 80 - 90% tổng số giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, thời lượng học trực tuyến chiếm tỷ lệ thấp so với kế hoạch đào tạo ban đầu của chương trình đào tạo.
Nhiều trường học có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được trưng dụng thành điểm cách ly tập trung, sẵn sàng đón tiếp người trong diện cách ly. Nhiều đại học, trường đại học đã tổ chức đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện lên đường chi viện cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Nhiều thầy giáo, cô giáo tình nguyện vào khu cách ly cùng học sinh, tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.
Có thể khẳng định, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2020 -2021, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 là năm toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra.
Đây cũng là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề của lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến giáo dục và đào tạo.
Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Năm học vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố; sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành năm học 2020-2021.
Theo Bộ trưởng, để chuẩn bị hội nghị này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội nghị tổng kết theo từng bậc học: Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội tổ chức tổng kết 1 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ năm học tới. Trên cơ sở đó, đã tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 toàn ngành.
Năm học đã qua là năm kết thúc kế hoạch của 5 năm cũ và năm học mới là mở đầu cho kế hoạch 5 năm. Vì vậy, báo cáo tổng kết 1 năm, nhưng cũng là nhìn lại chặng đường 5 năm và kế hoạch cho 5 năm tới với những định hướng cho cả chặng đường dài tiếp theo.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng mong muốn được nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận về những kết quả, cũng như tồn tại, hạn chế, bất cập, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ của giáo dục đào tạo; ý kiến đóng góp xây dựng cho kế hoạch phát triển giáo dục trong năm học tới…
Nguyễn Nhung
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020 - 2021
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Năm học cũng diễn ra khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và bùng phát trở lại ở nước ta. Nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trong một thời gian dài học sinh, sinh viên không thể đến trường.
Đứng trước những yêu cầu và thách thức mới, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học.
Ngành Giáo dục đã đạt được một số kết kết quả nổi bật:
Hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục;
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT;
Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn;
Chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên;
Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao;
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo;
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo;
Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế;
Bên cạnh các kết quả đạt được, năm học 2020-2021 cũng còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp; còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên; chất lượng đội ngũ không đồng đều. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.
Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức; kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai tự chủ ĐH nhiều nơi còn lúng túng... Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học...
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; rà soát và hoàn thiện các quy định về chức năng quản lý nhà nước quy định trong Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan...
Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên… Những giải pháp bảo đảm đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018.
Năm học 2021-2022 cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài. Tăng cường hội nhập quốc tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về GD-ĐT…
>>> Bộ GD&ĐT kiến nghị có giải pháp để học sinh sớm được tiêm vắc xin xem TẠi ĐÂY
Nguyễn Nhung
Nhiều trường học khu vực nội thành Hà Nội khó công nhận đạt chuẩn quốc gia
Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh về quy mô, chất lượng. Toàn thành phố có 2.792 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh, 159.400 cán bộ, giáo viên; tăng 44 trường và gần 69 nghìn học sinh so với năm học 2019-2020.
Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT Hà Nội đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn là 76,9%, hoàn thành kế hoạch trước 1 năm và vượt 7% so với kế hoạch thành phố giao năm 2020.
Hà Nội tiếp tục là địa phương có số học sinh đạt nhiều giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Hà Nội chiếm 5/12 số huy chương Vàng của đoàn Việt Nam.
Đây cũng là năm học đầu tiên, Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; cũng là năm đầu tiên, hầu hết học sinh của thành phố làm bài kiểm tra học kỳ II, tổng kết năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến.
Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với hơn 93 nghìn học sinh tham dự trong bối cảnh dịch bùng phát. Thành phố đã xây dựng kịch bản chi tiết, đảm bảo thành công trọn vẹn; Tiếp đó, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Công tác bồi dưỡng giáo viên được thành phố đặc biệt quan tâm. Năm 2021, có 73 nghìn cán bộ được bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới, 3.600 cán bộ giáo viên được nâng chuẩn trình độ IELTS, 89 nghìn cán bộ giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu một số vướng mắc như quy mô giáo dục lớn, mỗi năm tăng 44 trường với 69 nghìn học sinh nên biên chế giáo viên lớn, một số trường học quá tải. Việc quản lý học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP còn bất cập. Nhiều trường học khu vực nội thành khó công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Vân Anh
Đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - bày tỏ nhất trí với nội dung Báo cáo Tổng kết năm học 2020-2021 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh khẳng định những kết quả giáo dục đã đạt được trong năm học 2020 – 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, ngành GD&ĐT Lào Cai đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 chưa ban hành; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi (chưa có trong Luật Giáo dục 2019); cơ chế tài chính cho các trường PTDT nội trú (Thông tư ban hành năm 2009 không còn phù hợp); quy định dạy thêm, học thêm; cơ chế xã hội hóa dạy 2 buổi/ngày;
Chuyển đổi các trường mầm non công lập ra ngoài công lập ở nơi có khả năng xã hội hóa cao...; học phí, cơ chế miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập (Nghị định 86 có hiệu lực hết năm học 2020-2021);
Lộ trình thôi hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mẫu giáo, học sinh đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới...; biên chế giáo viên không tăng trong khi đó quy mô giáo dục tăng nhanh hằng năm; cơ chế in ấn tài liệu giáo dục địa phương (chưa có hướng dẫn của Trung ương)...
Mặt khác, ngân sách đầu tư cho phát triển giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và tăng nhanh quy mô giáo dục hằng năm.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao tuy được quan tâm đầu tư, nhưng còn nhiều khó khăn; vẫn còn nhiều phòng học chưa được kiên cố hóa.
Còn thiếu giáo viên so với định mức ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên chuyên biệt (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc), nhân viên y tế, bảo vệ, cấp dưỡng, thư viện, thiết bị.
Thiết bị dạy học tối thiểu mua sắm từ giai đoạn trước 2003-2007 thực hiện thay sách giáo khoa đến nay đã hết hạn sử dụng, hằng năm đã mua sắm bổ sung nhưng được rất ít.
Công tác xã hội hóa giáo dục về tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học ở vùng cao còn hạn chế. Dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài khiến học sinh phải nghỉ học. Học trực tuyến trong điều kiện thiếu thiết bị học tập cũng ảnh hưởng một phần đến kết quả học tập của học sinh.
Chủ tịch tỉnh Lào Cai đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục, trong đó có phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mầm non 3-4 tuổi.
Tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao nhiều khó khăn mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu.
Bộ GD&ĐT nghiên cứu, rà soát ban hành mới danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non sửa đổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo...
Đức Hạnh
Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, xem xét 4 nội dung
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, tham dự Hội nghị có ông Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Ngoài điểm cầu tại trụ sở UBND tỉnh, Nghệ An cũng bố trí thêm 1 điểm cầu tại Sở GD&ĐT để cán bộ, lãnh đạo ngành theo dõi nội dung Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An báo cáo về kết quả ngành giáo dục địa phương đạt được trong năm học 2020 - 2021.
Cụ thể, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, đề án nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho ngành giáo dục và đào tạo hoạt động hiệu quả và thực chất.
Dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành đã hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học, đạt được nhiều thành tích ở các bậc học. Chủ động chuẩn bị tốt và triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Công tác chuyển đổi số trong của ngành đạt được những kết quả khả quan; giúp đổi mới quản trị nhà trường và tổ chức dạy học trực tuyến thành công.
Nghệ An cũng đã đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2021 – 2022. Trong đó, chủ động triển khai kế hoạch, chương trình dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức phù hợp theo từng thời điểm và thực tế địa phương. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Tại hội nghị, Nghệ An có 4 nội dung đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, xem xét:
Thứ nhất, đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An. Tỉnh đang thiếu gần 8 nghìn giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học.
Thứ 2, hỗ trợ tỉnh Nghệ An về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ 3, đề nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ Nghệ An kêu gọi các nguồn lực thực hiện thành công Đề án phát triển mô hình trường phổ thông DTNT, DTBT và trường có học sinh dân tộc bán trú.
Thứ 4, đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10. Lý do, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học … để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình.
Hồ Lài
Kon Tum: Kiến nghị quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế
Phát biểu tại Hội nghị, bà Y Ngọc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, năm học vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên lĩnh vực GD&ĐT.
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Kon Tum có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 98,26%, tăng 0,56% so với năm 2020. Riêng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) đạt 98,81%, tăng 0,87%. Trong đó, 1 học sinh đạt thủ khoa khối D toàn quốc với tổng điểm 3 môn xét tuyển là 29,15 điểm.
Tại Hội nghị trực tuyến, bà Y Ngọc cho hay, năm học 2021-2022, địa phương sẽ tổ chức Lễ khai giảng tại từng lớp học, đảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực và đầy đủ ý nghĩa. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại Kon Tum được kiểm soát nên địa phương sẽ tổ chức học trực tiếp, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh những thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, thiếu biên chế giáo viên gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.
Tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD-ĐT địa phương và hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.
Tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT, tạo điều kiện tốt cho việc triển khai dạy học môn học tiếng DTTS (Bahnar, Jrai) trên địa bàn tỉnh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dung Nguyễn
Gia Lai đề xuất chương trình vắc-xin học đường
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Tỉnh Gia Lai có diện tích rộng thứ 2 cả nước với tỷ lệ dân tộc thiểu số là 46%. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 51,58%.
Bước vào năm học 2021-2022, tỉnh Gia Lai đã xây dựng 7 kế hoạch trọng tâm cho ngành GD-ĐT, trong đó quan tâm đến chuẩn hoá đội ngũ quản lý, giáo viên theo chương trình GDPT mới. Tỉnh đang rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp, để đáp ứng chương trình và sách giáo khoa mới.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, ngành GD-ĐT đang đứng trước nhiều khó khăn. Trước hết, với tỷ lệ 46% dân tộc thiểu số, việc phân bổ sách giáo khoa còn khó. Tuy nhiên, tỉnh đã rà soát và chuẩn bị kịp thời sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học mới. Thứ hai, việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên theo Luật Giáo dục chưa có lộ trình đầy đủ.
Tiếp đó, thực hiện quyết định số 681/QĐ-TTg, tỉnh Gia Lai có 96 xã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có 271 nghìn đối tượng bị tác động. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số không được hưởng những chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bữa trưa học đường. Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ cho những em này, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng.
Ngoài ra tỉnh còn vướng mắc trước việc chuyển đổi mô hình trường cao đẳng sư phạm để đảm bảo tính đồng bộ với các địa phương; thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học; khó tổ chức dạy học trực tuyến.
Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai nêu một số đề xuất, kiến nghị: Xây dựng chương trình vắc-xin học đường để học sinh sớm được tiếp cận, được đến trường an toàn; Cần quan tâm, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương và trên toàn quốc...
Tú Anh
Vĩnh Long: Cần gói an sinh hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hậu Covid-19
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Trong tình hình dịch bệnh, phải xác định Covid-19 luôn luôn xảy ra nếu chủ quan, lơ là. Đề nghị Bộ GD&ĐT quyết liệt hơn trong việc phân cấp địa phương trong việc quyết định và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, khả thi với từng cấp học. Nhưng phải đảm bảo chuẩn kiến thức cần thiết cần đạt, kiến thức nền tảng cốt lõi trong tình huống cấp bách và xây dựng ngân hàng đề thống nhất chung cho cả nước; trong đó có thang đo chuẩn kiến thức cơ bản phải đạt. Trên cơ sở đó từng địa phương có thể quyết định tổ chức các kỳ thi. Đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT theo điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Bà Quyên Thanh kiến nghị cần quan tâm đến vấn đề công bằng trong giáo dục, vì sau dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề nhất là học sinh. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để có thể lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, có gói an sinh hỗ trợ tạo điều kiện cho tất cả học sinh; nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn được bảo vệ với phương châm không để trẻ em, học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhất là hậu Covid.
Tại tỉnh Vĩnh Long, năm học 2021-2022 có gần 200 nghìn em đến trường, trong đó học sinh hoàn cảnh khó khăn là trên 14 nghìn em. Số học sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (F0, F1, F2, trong khu cách ly phong tỏa) là 695 em. Tỉnh đang huy động hỗ trợ các đối tượng học sinh, không để các em thiếu dụng cụ, SGK khi trở lại trường học sau dịch Covid-19...
Quốc Ngữ - Trường Tiến
TP HCM: Xem xét phương án kéo dài năm học
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết: Do tình hình dịch Covid-19, năm học 2021-2022 tại TP HCM không thể bắt đầu theo hình thức trực tiếp. Học sinh phổ thông học qua Internet, trẻ mầm non tựu trường muộn hơn. Học sinh tiểu học sẽ tổ chức lớp từ ngày 8/9. Thầy cô sẽ dành 10 ngày đầu hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học trên Internet cho học sinh, phụ huynh.
Thành phố chỉ đạo tăng cường xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho việc học trực tuyến hết học kỳ I.
Các địa phương kiểm soát dịch tốt sẽ tổ chức dạy trực tiếp ngay khi đủ điều kiện, tận dụng tối đa thời gian dạy trực tiếp, đặc biệt với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và lớp cuối cấp.
Chỉ đạo tiêm vắc-xin đầy đủ cho giáo viên khi trường học tái mở cửa. Tiến hành tiêm vắc-xin cho học sinh ở độ tuổi phù hợp với các quy định của ngành Y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng nêu một số vướng mắc như công tác phát hành SGK chậm do giãn cách xã hội. Đến nay, chỉ hơn 60% SGK theo chương trình GDPT mới được chuyển đến các trường. Thành phố đã chỉ đạo các địa phương tìm giải pháp phân phối sách sớm nhất cho học sinh tuỳ tình hình khu vực. Cung cấp SGK điện tử cho lớp 1-12 trên Internet và thông tin đến phụ huynh.
Chỉ đạo các trường nắm thông tin hoàn cảnh của học sinh để thống kê trường hợp khó khăn khi học trên Internet, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể như kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập. Những học sinh này sẽ có phương pháp kiểm tra, đánh giá riêng khi có điều kiện học trực tiếp.
Thành phố chỉ đạo ngành GD-ĐT phối hợp với Đài phát thanh truyền hình thành phố triển khai phát sóng dạy trực tuyến. Nội dung giảng dạy ưu tiên hướng dẫn trẻ tự học và phụ huynh phối hợp cùng con, đặc biệt với lớp 1, lớp 2 và lớp cuối cấp.
Thành phố đang nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu. Thành phố đặc biệt quan tâm đến giáo viên, nhân viên ngành GD bị mất việc, mất thu nhập; cơ sở giáo dục ngoài công lập như mầm non.
Tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:
Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét phương án kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt với khối lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Xây dựng phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, đặc biệt những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19
Bộ Nội vụ đảm bảo biên chế giáo viên với các môn học mới theo Chương trình GDPT mới.
Đề nghị nghiên cứu sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP phù hợp với tình hình hiện nay.
Tú Anh
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Cần giải pháp giải quyết bài toán về chất lượng đội ngũ giáo viên
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra 4 đề xuất:
Thứ nhất: Phải có những nhà giáo giỏi nhất, tâm huyết nhất. Giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục. Mới đây, Chính phủ ban hành 116/2020/NĐ-CP về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Đây là chính sách kịp thời và tiến bộ, nhưng đó mới là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để họ phát huy hết năng lực của họ. Điều kiện đủ phải bắt đầu từ các UBND các tỉnh, từ Bộ Nội vụ.
Thứ hai: Phải có cơ chế chính sách và môi trường tốt để nhà giáo phát huy hết năng lực, tâm huyết với thiên chức cao quý của họ. Chính phủ đã dành nhiều nguồn để kiên cố hóa trường học, dành cho trang thiết bị, nhưng nếu mạnh dạn đầu tư cho thầy cô để những người giỏi vào nghề, tâm huyết và yên tâm công tác thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ khác hẳn.
Thứ 3: Bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Trước đây, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phân công công tác giáo viên và đã có nhiều tác động tích cực về phát triển giáo dục miền núi, vùng khó khăn.
Nghiên cứu để có chính sách cho vấn đề này là rất cần thiết, nhằm từng bước phát triển giáo dục các vùng này và chỉ có thế mới có thể tạo ra sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.
Thứ tư: Sớm triển khai quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm. Giải quyết vấn đề này cần phải tính đến các đặc điểm bối cảnh hiện nay.
Minh Phong
PGS. TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh: Quan tâm sát sao để tự chủ đại học đi vào thực chất
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, PGS. TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đề cập 3 nội dung:
Thứ nhất: Chuẩn bị nền tảng công nghệ thông tin. Do có chuẩn bị từ trước nên trường đã bắt nhịp tốt khi dịch bệnh xảy ra, phải dạy học trực tuyến. Bài thi online vẫn đảm bảo chất lượng. Trường đồng thời tham gia tích cực, hiệu quả mọi hoạt động của công tác phòng chống dịch.
Thứ hai: Đảm bảo chất lượng giáo dục. Trường tiên phong xây dựng chương trình chuẩn năng lực. Đây là chương trình giảng dạy y khoa đầu tiên dựa trên khung năng lực của nước ta. Sau 6 năm triển khai đã tạo ra đội ngũ giảng viên biết cách xây dựng khung năng lực cho khối ngành sức khoẻ.
Hoan nghênh Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT về Chuẩn chương trình – các trường xây dựng được hệ thống đánh giá chương trình và phương pháp giảng dạy, từ đó tăng năng lực cho các giảng viên. Xây dựng được khung kiểm định sẽ thúc đẩy thay đổi mạnh mẽ về chất lượng giáo dục.
Thứ ba: Vấn đề tự chủ ĐH giúp phát huy tính năng động sáng tạo, tính cạnh tranh, nhân sự chất lượng cao của các trường ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, một số chính sách còn hạn chế về sự chồng chéo.
Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm sát sao để tự chủ đại học đi vào thực chất, bắt nhịp xu thế GD đại học khu vực và thế giới hiện nay. Đây cũng là kiến nghị của Câu lạc bộ các Chủ tịch Hội đồng trường gồm 126 thành viên – Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam.
Kim Thoa
Cần quan tâm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận liên quan đến GD-ĐT
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhất trí và đánh giá cao kết quả ngành GD-ĐT đã đạt được năm 2020 – 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm học 2021 – 2022.
Theo ông Nghĩa, trong năm 2020 – 2021, đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ, dịch bệnh Covid 19 tác động rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực trong đó có ngành GD-ĐT.
Tuy nhiên, ngành đã chủ động, sáng tạo, hoàn thành được các mục tiêu, chủ động phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; Đồng thời, hoàn thành tốt nội dung chương trình, nhiệm vụ học tập ở tất cả các cấp học.
Đạt được kết quả trên, không chỉ riêng nỗ lực của ngành giáo dục, mà của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, từng gia đình.
Thời gian tới, nhất là nhiệm kỳ 2021 – 2022 là năm đầu tiên quán triệt, triển khai học tập trong ngành theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII. Đây là năm mở đầu cho nhiệm kỳ Đại hội mới, thời kỳ đổi mới để hướng tới tầm nhìn tới năm 2030 và năm 2045.
Trên cơ sở nhất trí với 12 nhiệm vụ trọng tâm ngành GD-ĐT đã đặt ra, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất thêm một số mục tiêu, nhiệm vụ:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện tốt nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là chú trọng đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp nội dung, chương trình, kế hoạch, phương pháp của ngành, cần có sự vận hành chặt chẽ để vừa bảo đảm sức khỏe của người học, vừa tạo ra phương pháp học tập mới phù hợp hơn, chi tiết hơn.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã có chương trình phối hợp với Bộ GD&ĐT để tạo sự nhất trí cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; chung sức thực hiện mục tiêu giáo dục trong tình hình mới, nhất là khi có tác động của dịch bệnh.
Xác định kế hoạch năm học tới là năm học đầu tiên thực hiện nghị Nghị quyết Đại hội XIII, mở đầu cho giai đoạn mới. Do đó, cần quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của Đảng liên quan đến công tác giáo dục đào tạo...
Lê Hùng
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới, bảo đảm an toàn trường học, gắn với tiêm vắc xin
Chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục, của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên khi triển khai nhiệm vụ năm học trong điều kiện dịch bệnh, phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, ghi nhận, biểu dương kết quả ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Thủ tướng đồng thời biểu dương, ghi nhận sự tham gia của ngành Giáo dục trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tinh thần chủ động xung phong của khối các trường y dược.
Phát biểu của Thủ tướng nêu rõ những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua; những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cũng như những thách thức, nhiệm vụ đặt ra và cần có giải pháp khắc phục.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 2 nội dung: Thứ nhất, giải quyết các vấn đề của kế hoạch năm học 2021-2022. Thứ hai, giải quyết các vấn đề đang tồn tại của ngành, gắn với mục tiêu thực hiện các nghị quyết về phát triển giáo dục.
Đáng lưu ý, năm học 2021-2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới, bảo đảm an toàn trường học, gắn với tiêm vắc xin. Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai tiêm vắc xin cho học sinh; dựa trên căn cứ khoa học và độ tuổi để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm cho phù hợp.
Thủ tướng cũng có những chỉ đạo rất cụ thể, toàn diện về các vấn đề giáo dục, trên quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Nguyễn Nhung
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu bế mạc Hội nghị
Phát biểu bế mạc hội nghị, thay mặt toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh sinh viên ngành Giáo dục; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong năm học vừa qua; đặc biệt cảm ơn sự thấu hiểu, quan tâm sâu sát lo lắng cho việc dạy - học của thầy - trò trong năm học tới, với nhiều khó khăn thách thức.
Bộ trưởng cũng trân trọng cảm ơn những chỉ đạo mang tính định hướng và các yêu cầu đối với ngành Giáo dục cần thực hiện ngay trong năm học 2021- 2022, cũng như những việc cần làm trong các năm tiếp theo.
Thay mặt ngành Giáo dục nói chung và lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói riêng, Bộ trưởng tiếp thu đầy đủ những chỉ đạo của Thủ tướng và sẽ cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo. Quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế; thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trước mắt, bước vào năm học mới, ngành Giáo dục triển khai một số nhiệm vụ cấp bách, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục. Kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm học; trong đó ưu tiên triển khai dạy – học, linh hoạt thích nghi với các điều kiện và tình hình khác của các vùng miền địa phương.
Cùng với đó, tổ chức dạy – học trực tuyến hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số toàn diện, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, các hướng dẫn, phương pháp liệu, chương trình, nội dung, tư vấn hỗ trợ phụ huynh, đặc biệt lưu ý các giải pháp hỗ trợ học sinh lớp 1 và lớp 2.
Phối hợp với các bộ ngành, địa phương hỗ trợ giáo viên, địa phương gặp hoàn cảnh khó khăn, triển khai tiêm vắc xin cho giáo viên và học sinh để đảm bảo trường học mở cửa trở lại sớm nhất có thể.
Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu tiếp thu, xem xét đầy đủ thấu đáo trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, liên quan đến mọi nhà, mọi người và mọi ngành; Đồng thời, tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện, không ngừng phát triển giáo dục đào tạo.
Toàn ngành sẽ ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Minh Phong
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giới thiệu đại biểu
Dự hội nghị có: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương;
Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có: Đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam;
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;
Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội Vụ, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hiệp hội các Trường ĐHCĐ Việt Nam, Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự Hội nghị tại các điểm cầu, còn có 40 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
8 đồng chí Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy; 41 đồng chí Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; 48 đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì và đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn. Đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Giáo dục Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT.
Dự Hội nghị trực tuyến tại các cơ sở giáo dục đại học có các chủ tịch hội đồng trường, giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm trong cả nước.
Kim Thoa