Đoàn kiểm tra do ông Vi Mạnh Hùng - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ làm trưởng đoàn.
Giáo dục được đổi mới mạnh mẽ
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Phú Thọ, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; được sự lãnh đạo thường xuyên, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác giáo dục và đào tạo tại Phú Thọ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả nổi bật.
Công tác tuyên truyền được thực hiện hiệu quả. Giáo dục được đổi mới mạnh mẽ theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học từ việc thi cử, kiểm tra, đánh giá kết quả đến việc hoàn thiện hệ thống...
Quy mô trường lớp, thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Toàn tỉnh có 253/305 trường mần non đạt chuẩn quốc gia, chiếm 82,95%; 270/275, chiếm 98,18% trường tiểu học, 231/245, chiếm 94,29% trường trung học cơ sở, 36/49, chiếm 73,47% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm đạt trên 97%, cao hơn trung bình cả nước. Năm 2022, Phú Thọ đứng thứ 8 toàn quốc về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT (có 324 học sinh đạt điểm 10 ở các môn thi; có 524 học sinh có tổng điểm ba môn để xét tuyển vào đại học đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó có 2 thí sinh có điểm thi từ 29 điểm trở lên …).
Mạng lưới trường, lớp được sắp xếp tinh gọn, ổn định phù hợp với thực tiễn, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên.
Hiện nay toàn tỉnh có 88,9% giáo viên ở các bậc học, cấp học đang đứng lớp đạt chuẩn về trình độ đào tạo trở lên. Số giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện đạt tỷ lệ cao, giáo viên tích cực tham gia và có kết quả đáng khích lệ tại các hội thi do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Hằng năm ngân sách tỉnh Phú Thọ chi cho GD&ĐT đạt khoảng 20-25%. Riêng giai đoạn 2016-2020, tổng chi là 19.266 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26% tổng chi ngân sách địa phương.
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã được trang bị máy tính kết nối Internet, bình quân toàn tỉnh mỗi trường có khoảng 1,2 phòng máy với khoảng 25-27 máy tính.
Các loại hình trường ngoài công lập phát triển góp phần đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực thành phố, thị xã, tăng thêm sự lựa chọn cho người học.
Ghi nhận những kết quả
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; những thuận lợi, khó khăn của ngành Giáo dục Phú Thọ từ đó đưa ra các phương hướng, giải pháp cụ thể để ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Cụ thể, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, quản lý về giáo dục và đào tạo; tình trạng phát triển các khu công nghiệp, dân số tăng nhanh ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học; Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền…
Kết luận buổi làm việc, ông Vi Mạnh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Thọ đã ghi nhận kết quả đạt được của ngành Giáo dục Phú Thọ trong thực hiện 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW như công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, có nhiều hình thức phổ biến Nghị quyết phù hợp; với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, có nhiều đổi mới...
Trưởng Ban Tuyên giáo Vi Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, ngành Giáo dục Phú Thọ cần tập trung vào giải quyết những vấn đề còn khó khăn. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Huy động được các nguồn lực xã hội để thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục. Đồng thời, phối hợp tốt hơn nữa giữa các ngành trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW...