Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện cùng PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM) xung quanh vấn đề đạo đức nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện.
* Thực tế hiện nay cho thấy, đạo đức của một bộ phận nhà giáo đang xuống cấp cùng với sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, ông có cho rằng, sự sống còn của công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” quan trọng và tất yếu là phát triển đội ngũ giáo viên toàn diện cả tài và đức?
Trước hết, có thể nhận thấy những thay đổi của xã hội đang là những thách thức của việc phát triển con người hiện nay. Khi đạo đức xã hội có những biểu hiện đáng lo lắng và thậm chí cần phải lên tiếng báo động thì đạo đức của con người nói chung và của một nhóm người, hay nhóm nghề nói riêng cũng không nằm ngoài cuộc. Tuy vậy, nghề giáo và thầy cô giáo có những biểu hiện về đạo đức nhà giáo là điều rất đáng lo lắng bởi nghề giáo là nghề đặc thù của đời sống xã hội, là nghề “trực tiếp góp phần” tạo nên con người.
Công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nhất thiết cần có những điều kiện mà trong đó vai trò của người thầy hết sức quan trọng. Quan trọng bởi chính cái tài người thầy sẽ kiến thiết đổi mới, thực thi đổi mới. Nhưng chính “đức” của thầy cô giáo sẽ làm cho quá trình đổi mới đúng về thực chất, đậm ý nghĩa và đầy trách nhiệm. Thực sự không thể đổi mới nếu thầy cô cứ “ì”, hay cứ “lửng lơ” nửa vời, thiếu quyết tâm, thiếu sự hết lòng, cố gắng và nỗ lực... Hơn thế nữa, sự trì nặng của yếu tố đạo đức, sự vô tư trong nghề nghiệp, sự dễ dãi với chính mình khi thực hiện nhiệm vụ nghề giáo là những bước cản cho sự đổi mới.
* Theo ông, để gìn giữ phát huy đạo đức nhà giáo, để mỗi người thầy thực sự là người thầy cao quý, ngành Giáo dục cần có những giải pháp đồng bộ nào?
Tôi cho rằng, trong vài năm gần đây, dù xã hội có nhiều thay đổi, con người cũng có lắm đổi thay nhưng đội ngũ nhà giáo có nhiều thầy cô vẫn hết lòng với nghề, vẫn xem đạo đức nghề nghiệp là điểm đến trong nhận thức và hành động. Lẽ dĩ nhiên, như đã nói, vẫn có một số thầy cô buông lỏng đạo đức nghề nghiệp và đã có những hành vi sai trái, phi đạo đức.
Ngành Giáo dục đã có nhiều động thái quan trọng để đảm bảo đạo đức nghề giáo trong vài năm qua và những thông tư có liên quan đã ra đời. Chúng ta nhận thấy về công tác truyền thông, Bộ GD&ĐT đã có những hành động rất thiết thực như: Truyền thông về các tấm gương trong ngành Giáo dục, điều chỉnh các thông tư, các chuẩn có liên quan đến nghề, nghiên cứu và dự thảo hướng đến ban hành các quy tắc ứng xử trong nhà trường...
Nhìn trên tổng thể, chúng tôi cho rằng vẫn cần các giải pháp đồng bộ như: Công tác quy hoạch lại các trường sư phạm để đảm bảo chất lượng đào tạo cần được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả, khả thi; vấn đề đảm bảo chuẩn đầu ra trong đào tạo hướng đến chuẩn nghề nghiệp cần được kiểm soát nghiêm ngặt; thể chế hóa việc thực hiện chuẩn nghề giáo (trong đó có các tiêu chuẩn cụ thể về đạo đức nghề), cải tiến và có trọng điểm về vấn đề đào tạo định hướng nghề giáo hay nhập môn nghề giáo... Song song đó, cần có công tác giám sát thực thi nghề, sau ba năm hay một chu trình, cần có việc đánh giá nghề (trong đó tiêu chuẩn đạo đức nghề cần được ưu tiên), xem xét chế độ dành cho nhà giáo, giải quyết vấn đề khó khăn trong nghề nghiệp và những nguy cơ làm xói mòn đạo đức nghề từ thực tiễn...
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn |
* Hiện nay, liên quan đến những tiêu cực nổi cộm trong giáo dục như: Nạn dạy thêm học thêm; chạy lớp, chạy trường, chạy giải, mua điểm, bán bằng… lại xảy ra ở khu vực giáo viên có thu nhập cao hơn, giáo viên ở thành phố, giảng dạy hoặc ở vị trí quản lý ở các trường điểm. Phải chăng bộ phận giáo viên đang xuống cấp về đạo đức cũng bởi do sự khó khăn về vật chất, sự vật lộn với “miếng cơm manh áo” mà ra?
Tôi nghĩ điều này là một trong những nguyên nhân nhưng nó chưa hẳn là tất cả hay là nguyên nhân duy nhất.
Đầu tiên, tôi nghĩ cần nhìn vào sự định hướng nghề nghiệp và giá trị của nghề. Nếu người ta chọn nghề hay người lớn định hướng nghề cho con em mình vào nghề giáo để dạy thêm có tiền, chọn môn có thể dạy thêm, chọn môn chính... thì cái sai rõ thuộc về sự chọn nghề. Thực tiễn đã vài năm chúng tôi triển khai học phần Nhập môn nghề giáo dành cho sinh viên sư phạm mới thấu cái khó của việc “điều chỉnh” chọn nghề của một lối nghĩ có vấn đề từ đầu...
Thứ hai, chúng ta cũng nhìn lại những biểu hiện từ xã hội để đánh giá và suy xét một cách biện chứng: Xã hội chúng ta có chuộng bằng cấp hay không? các bậc cha mẹ có suy nghĩ con mình là số một nhiều không?... Đây là cách nhìn mang tính biện chứng để lý giải dẫu biết rằng chủ thể chính vẫn là thầy cô giáo.
Công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT” nhất thiết cần có những điều kiện mà trong đó vai trò của người thầy hết sức quan trọng. Quan trọng bởi chính cái tài người thầy sẽ kiến thiết đổi mới, thực thi đổi mới. Nhưng chính “đức” của thầy cô giáo sẽ làm cho quá trình đổi mới đúng về thực chất, đậm ý nghĩa và đầy trách nhiệm.
Hãy thử hỏi, nếu xuất phát từ những khó khăn nhất định về lương bổng, những thách thức và áp lực từ phía gia đình, những sự va đập trong khi định hướng giá trị nghề, giá trị hạnh phúc, liệu rằng thầy cô giáo có bị ảnh hưởng, có căng thẳng và thậm chí lệch hướng, sai đường?
Nói thế để khẳng định, cái khó có thể làm người ta chọn sai giá trị, sau đó trượt luôn và thiếu bản lĩnh để dừng... Khi vật lộn với “miếng cơm manh áo”, vì nhu cầu người ta có thể hành động sai là thế. Tuy nhiên, không thể quên rằng khi đã chọn nghề nào, lời cam kết về đạo đức nghề nghiệp cần được tuân thủ và giữ vững nếu ta thực sự muốn sống với nghề đó. Cái mâu thuẫn lại chính ở chủ thể, khi chủ thể chưa thông thoáng và quyết liệt.
* Quan điểm của ông trước ý kiến: Tăng lương và mức thu nhập ổn định sẽ là giải pháp tối ưu cho việc đảm bảo đạo đức người thầy không?
Tôi nghĩ, tăng lương và mức thu nhập ổn định sẽ là giải pháp cho việc đảm bảo đạo đức người thầy xuất phát từ vấn đề nhu cầu và động cơ của con người. Tuy nhiên, nếu nói là giải pháp tối ưu thì chưa hẳn.
Xét về mặt nhu cầu của con người, tăng bao nhiêu là đủ nếu con người luôn đẩy nhu cầu của mình lên cao, thậm chí không giới hạn.
Xét về mặt động cơ lao động, tăng lương rất cần nhưng còn nhiều động cơ khác chi phối hành động nghề nghiệp.
Ngoài ra, cần xem xét các yếu tố về bối cảnh, đặc trưng nghề và các vấn đề có liên quan đến áp lực nghề, niềm vui - hứng thú nghề để hiểu thầy cô hơn và tác động đúng trọng điểm.
Sự phân tích trên để tạo ra cái nhìn đa chiều nhưng cần khẳng định rằng, xem xét lại chế độ nhà giáo, đánh giá đúng và đủ, đánh giá đa diện có chú ý đến đặc trưng là việc cần làm ngay. Tăng lương nhà giáo có căn cứ, cơ sở, phù hợp với cái chung nhưng không thể không làm nhanh và ngay, sáng tạo và linh hoạt để tiếp cận quản lý từ trách nhiệm giải quyết vấn đề xã hội.
Giáo viên cần chủ động trau dồi kiến thức đạo đức. Ảnh; Thanh Long |
* Hiện nay, trong quá trình đào tạo của các trường sư phạm, vấn đề đạo đức nhà giáo đã được đặt ra xứng tầm chưa? Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đạo đức nhà giáo cần được quan tâm, đổi mới… ra sao để mỗi sinh viên sư phạm khi ra trường đã có một nền móng vững chắc cơ bản về tri thức và đạo đức?
Tôi nghĩ, mỗi trường sư phạm có những quan tâm khác nhau về vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, công tác đào tạo đạo đức nghề của các trường sư phạm chưa đều tay và có vấn đề là điều có thể nhận thấy. Ngay cả khi giảng viên chưa thật sự yêu nghề, chọn nghề giáo cũng chưa đúng định hướng thì việc truyền lửa nghề chắc chắn cần xem lại.
Hơn nữa, vấn đề đạo đức nhà giáo đã được đặt ra xứng tầm chưa lại là vấn đề mang tính vĩ mô. Trước đó, các học phần về Tâm lý giáo dục học có vị trí quan trọng và có sức ảnh hưởng, thậm chí còn là học phần dùng thi tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, trung học sư phạm vào những năm 1992 - 2000... Thế nhưng gần đây các học phần này có thời lượng giảm cũng như chất lượng giảng dạy cũng có phần “có vấn đề”. Xứng tầm hay không còn được nhìn nhận ở cách phát triển đội ngũ bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn của trường, của ban chủ nhiệm khoa... Thực tế bộ môn này ở khá nhiều trường thiếu hẳn những chuyên gia giáo dục, sức ảnh hưởng và tầm phủ sóng của bộ môn này ở nhiều trường, khoa chưa đủ mạnh thì vấn đề triển khai giáo dục đạo đức nghề giáo còn hạn chế là tất yếu...
Ngoài ra, định hướng của từng thầy cô là giảng viên, công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực tập sư phạm đợt 1, đợt 2 (thực tập sư phạm tốt nghiệp) cần đúng tầm là trách nhiệm cần thực thi. Khi mà sinh viên thực tập đều đạt 9, 10 điểm thì sao có thể an tâm về hành trình tự rèn luyện nghề trong đào tạo?
Như đã đề cập, chính mỗi cơ sở đào tạo cần có trách nhiệm để việc đào tạo đạo đức nghề được thực thi. Đơn cử như với học phần Nhập môn nghề giáo mà trường chúng tôi đề xuất trong đào tạo đã được thực hiện đến năm thứ ba mới thấy sinh viên chọn nghề có vấn đề, định hướng giá trị nghề quá hạn chế... Từ đó chúng tôi đề ra biện pháp giải quyết trong đào tạo trong suốt chặng đường còn lại của quy trình đào tạo nghề.
* Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT đòi hỏi người thầy phải thay đổi ra sao và cần làm gì để bồi dưỡng, trau dồi những năng lực phẩm chất đó?
Muốn đổi mới trước hết phải thay đổi về nhận thức là đổi mới rất cần, buộc phải thực hiện. Bên cạnh đó, người thầy phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo và biết đối đầu với thách thức nghề nghiệp. Ngoài ra, muốn thực thi đổi mới người thầy phải có nghề, phải có kỹ năng, phải có “nội lực” theo đúng định hướng. Điều này cần được chính thầy cô xem xét tự thân, những nhà quản lý giáo dục nhìn và đánh giá thực chất chứ không phải chỉ là “vận động”, khuyến khích...
Bản thân người thầy phải trau dồi thật nhiều. Hiện tại, chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã điều chỉnh và mang tính định hướng khá rõ; khi chuẩn này được áp dụng chính thức, mỗi thầy cô phải nghiêm khắc tự đánh giá để điều chỉnh, để phát triển bản thân bằng kiểu tư duy tích cực
Mỗi thầy cô cũng cần hoàn thiện chính mình về năng lực nghề và đạo đức nghề từ công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Nếu nhận ra những hạn chế của bản thân để làm tốt hơn bằng cách thay đổi, rèn luyện, học tập, bổ khuyết thì không còn gì tuyệt vời bằng. Chính cách tổ chức bồi dưỡng thường xuyên mới đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ là một trong những giải pháp.
* Cảm ơn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn!