GS.TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Bộ GD&ĐT đã chủ động chọn việc để triển khai thực hiện
Đi thi quốc tế, học sinh của chúng ta đều được giải cao. Điều đó cho thấy, giáo dục trong nhà trường đã có sự tiến bộ vượt bậc. Thành tích đó rất đáng tự hào.
Thế nhưng nhiều người cứ đem so sánh giáo dục của nước ta với nền giáo dục của Pháp, Mỹ, Nhật thì quả là không công bằng và phiến diện.
Rõ ràng, từ sau khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thì Bộ GD&ĐT đã có sự chuyển động tích cực.
Bộ GD&ĐT đã không chờ các việc theo tuần tự mà đã lựa chọn ra một số việc để mà khởi động và triển khai thực hiện. Ví dụ như việc tổ chức kỳ THPT Quốc gia vào năm 2015, hay như việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa Bộ cũng đã vào cuộc rất tích cực.
Mặt khác, trong thời gian vừa rồi Bộ đã xiết chặt nề nếp của giáo dục đại học. Giáo dục đại học cũng đã có Luật Giáo dục đại học và có những quy định mới để phát triển đúng hướng và có tính chất hội nhập cao hơn.
Bộ cũng đã quan tâm, chăm lo cho giáo dục mầm non sau một thời gian dài bị lãng quên và tới đây là sắp xếp lại giáo dục nghề nghiệp. Tất cả đã tạo nên một không khí đổi mới thật sôi động.
Song cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay giáo dục đại trà chưa được như mong muốn nhưng điều đó hoàn toàn có thể thông cảm được bởi nền giáo dục của nước ta chịu nhiều sự tác động khách quan như: Yếu tố lịch sử, hậu quả của chiến tranh, điều kiện địa lý…
Đổi mới giáo dục đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cử tri |
TS Cao Kim Ánh – Nguyên chuyên viên cấp cao ngành Công nghệ Thông tin của Ngành Dầu khí Việt Nam: Đổi mới giáo dục đáp ứng lòng mong mỏi của phụ huynh
Là một cán bộ về hưu và với tư cách là một cử tri, tôi rất hoan nghênh những chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua. Đặc biệt là trong một, hai năm gần đây.
Đáng ghi nhận nhất là chủ trương đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư số: 30/2014/TT-BGDĐT. Đây là điều mà phụ huynh chúng tôi mong chờ từ lâu.
Trước đây, bản thân tôi cũng như là bố, mẹ của các cháu nội, cháu ngoại tôi luôn bị áp lực bởi điểm số. Các cháu được điểm cao thì không sao, nếu được điểm kém thì cả nhà sẽ bắt đầu chiến dịch ép cháu học tập, rồi thuê gia sư…
Thế nhưng bây giờ mọi thứ đã giải tỏa. Dạo này các cháu đi học về hôm nào cũng vui tươi, rồi khoe rối rít với tôi rằng: Hôm nay cháu được cô giáo khen. Qua trò chuyện tôi thấy các cháu cũng thích được cô nhận xét hơn là chấm điểm như trước đây.
Qua chủ trương trên tôi thấy Bộ GD&ĐT đã lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh để thay đổi phương pháp giáo dục sát với thực tiễn khách quan.
Việc thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học như hiện nay cũng giúp các em phát triển một cách toàn diện, phát triển được năng lực cá nhân.
Nhiều người thường có những nhận xét hà khắc về giáo dục. Theo tôi đó là ý kiến chủ quan, không dựa trên phương diện lý luận và thực tiễn.
Ai cũng biết, đã là cái mới thì bao giờ cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Vấn đề là Bộ GD&ĐT đã dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua với một tinh thần hết sức cầu thị.
Điều mà cử tri chúng tôi mong muốn hiện nay là: Bộ nên tiếp tục duy trì, và quyết tâm thực hiện những chủ trương đổi mới trong giáo dục. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và không lùi bước trước những khó khăn thử thách ban đầu.
Chúng tôi luôn ủng hộ những chủ trương đổi mới của Ngành để con cháu chúng tôi được thụ hưởng nền giáo dục phát triển tiên tiến, có năng lực, phẩm chất tốt đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.