Ngành Giáo dục chiếm 2/3 tổng số sản phẩm khoa học công nghệ

GD&TĐ - Thống kê giai đoạn 2011-2015, tổng số sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) của khối các trường đại chiếm hơn 2/3 trong cả nước.

Ngành Giáo dục chiếm 2/3 tổng số sản phẩm khoa học công nghệ

Con số này được nêu ra tại kết quả khảo sát hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đai học giai đoạn 2011 – 2016. Báo cáo được hoàn thành với sự tham gia của nhiều cán bộ, chuyên gia thuộc các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) trong cả nước và trong việc cung cấp số liệu và phân tích đánh giá về hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của 142 trường đại học trên cả nước.

Vượt trội ở khối các trường ĐH kỹ thuật công nghệ

Theo thống kê tại một số trường đại học về số lượng các dòng sản phẩm tiêu biểu, báo cáo cho thấy nhóm các trường có dòng sản phẩm KH&CN vượt trội như nằm trong khối các trường đại học kỹ thuật công nghệ (KTCN) như: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng.

Các trường đại học khối Kỹ thuật công nghệ đã tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, 9/16 trường ĐH khối Kỹ thuật công nghệ trong giai đoạn 2011-2015 đã có 1.729 hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết và thực hiện, tổng lợi nhuận từ nguồn thu các hợp đồng này là 553,09 triệu đồng.

Số lượng sản phẩm thương mại hóa theo các năm của hệ thống các Trường đại học giai đoạn 2011- 2015 (kết quả điều tra 2017).
Số lượng sản phẩm thương mại hóa theo các năm của hệ thống các Trường đại học giai đoạn 2011- 2015 (kết quả điều tra 2017).

Nghiên cứu trong lĩnh vực nông- lâm- ngư –y là điểm mạnh

Theo Báo cáo KHCN Việt Nam năm 2016, hoạt động chuyển giao tri thức nói chung, hàng năm các tổ chức KHCN trong các trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện các nhiệm vụ KHCN thu hút đầu tư của nhà nước với tổng mức đầu tư bình quân 1063,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao so với các tổ chức KHCN trong cả nước.

Điểm mạnh của hoạt động khoa học và công nghệ ngành giáo dục và đào tạo là nghiên cứu trong lĩnh vực nông- lâm- ngư -y. Các công trình nghiên cứu về giống, quy trình canh tác, phòng chống dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi đã tạo tiền đề cho nền nông nghiệp nước ta cất cánh.

Báo cáo nêu rõ: Nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học nông nghiệp mà nước ta đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về lúa, cà phê, hạt điều.

Ngoài ra, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học của các trường đại học y-dược cũng là một thế mạnh so với các nước trong khu vực.

Rất nhiều nghiên cứu về y-dược của các trường đại học nước ta ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới.

Khối các trường Nông-Lâm-Ngư-Y giai đoạn 2011-2016 đã có tổng cộng 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra, trong đó có 62 sản phẩm thuộc lĩnh vực y dược, 508 sản phẩm ứng dụng thuộc lĩnh vực nông lâm ngư.

Giai đoạn 2011 – 2016 cũng đã có 17 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có 4 sản phẩm thuộc lĩnh vực y dược và 13 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông lâm ngư

Cũng phải nói đến đóng góp của các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều kết luận của khoa học xã hội và nhân văn đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới.

Khối các trường KHXH&NV (7/16 trường khảo sát) có các đề tài tư vấn về chính sách cho các cấp trong cả giai đoạn 2011-2015. Nguồn thu từ các đề tài tư vấn này không cao nhưng vẫn cao hơn so với nguồn thu từ đề tài cấp bộ/ngành. Tổng số đề tài tư vấn khai thác được của các trường khoảng 67 đề tài với tổng số tiền thu về gần 30 tỷ đồng.

Doanh nghiệp KHCN trong các trường ĐH ngày một tăng

Hoạt động KHCN của các trường đại học đã góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới tổ chức KHCN và các doanh nghiệp KHCN.

Trong giai đoạn 2011-2015, về cơ bản, mạng lưới các tổ chức nghiên cứu KHCN (viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp KHCN…) trong các trường đại học đã được hình thành với các loại hình tổ chức phong phú, đa dạng và số lượng là 589 tổ chức.

Việc hình thành các tổ chức khoa học công nghệ góp phần hình thành các doanh nghiệp KHCN trong các trường đại học ngày một tăng.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao KHCN của các nhóm nghiên cứu mạnh đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học thuộc khối kỹ thuật như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng…

Trong những năm qua, ở ĐHQG Hà Nội đã hình thành các phòng thí nghiệm do Toshiba, Samsung tài trợ tại trường Đại học Công nghệ và trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thu hút được đầu tư từ khối các doanh nghiệp của Nhật Bản lên đến 7 triệu USD cho phát triển phòng thí nghiệm phát triển năng lượng sạch sản xuất Biodiegen.

Nghiên cứu khoa học giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khoa học và công nghệ của ngành GD&ĐT. Các hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên của sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu, đưa ra các luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ