Chuyển động của những ngành nghề mới này đang đòi hỏi một nguồn nhân lực trình độ cao để tạo ra sự khác biệt.
Ứng dụng công nghệ và số hóa
Một số ngành nghề được coi là trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), trong đó có: Kỹ sư phát triển phần mềm robot; Kỹ sư phát triển phần cứng kiểm soát robot; Kỹ sư phát triển công nghệ in 3D; Chuyên gia ứng dụng công nghệ in 3D; Chuyên gia phân tích thông tin y tế. Bên cạnh đó, các ngành nghề khác như: Kỹ sư chế tạo pin nhiên liệu, dược phẩm sinh học, năng lượng gió, năng lượng tái sinh, sẽ là những nghề hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp mới thân thiện với môi trường.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc làm trong hiện tại và tương lai có sự tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học công nghệ. Do đó, đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ và số hóa là cơ hội góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm, nhưng cũng đặt ra không ít những thách thức mới do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo.
Không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà phương thức tổ chức, cung cấp lao động cũng thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Khái niệm người làm nghề tự do (freelancer) ngày càng trở nên phổ biến. Ngay tại Việt Nam, theo thống kê của một website dành cho cộng đồng freelancer (vLance.vn) thì hiện đã có gần 170.000 người làm việc theo hình thức này, trong các lĩnh vực CNTT, thiết kế đồ họa, dịch thuật…
Tăng cường năng lực tiếp cận
Có thể thấy, những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ đang đặt ra những thách thức mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó là thách thức về đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg. Một trong những giải pháp quan trọng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện là phải thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận các xu thế công nghệ sản xuất mới.
Trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.
Cụ thể: Giao Bộ GD&ĐT thúc đẩy triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 - 2018; nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; đồng thời tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của CMCN 4.0.
Bộ LĐ-TB&XH được yêu cầu phải đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của CMCN 4.0; nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của CMCN 4.0 tới cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội.