Ngành GD&ĐT đẩy mạnh công tác Văn phòng

GD&TĐ - Ngày 11/6 tại Nha Trang, gần 200 đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng (VP) Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành phố cả nước đã tham dự hội nghị công tác VP khối các Sở GD. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác VP
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác VP

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, Chánh VP Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương chủ trì hội nghị.

Văn phòng - nơi vạch các kế hoạch “tác chiến”

Từ lâu, công tác VP giữ vai trò rất quan trọng là tham mưu tổng hợp cho lãnh đạo Sở GD&ĐT về mọi hoạt động của ngành GD địa phương. Đồng thời là trung tâm thông tin truyền thông của ngành GD, là đầu mối quan trọng nhất trong hoạt động đối ngoại của các cơ quan quản lý GD các cấp.

Hội nghị tại Nha Trang, không có đại biểu đọc báo cáo tham luận, không in kỉ yếu tốn kém, hiệu quả thấp. Các đại biểu thảo luận trực tiếp xoáy sâu vào các vấn đề nóng của ngành. 

Mấy năm gần đây, việc tổ chức các hội nghị của Bộ GD&ĐT qua 7 điểm cầu truyền hình – truyền thanh trực tuyến trên cả nước còn hạn chế về số lượng người tham dự trao đổi, thảo luận và đường truyền kỹ thuật cũng không được thuận lợi. Chuẩn bị tổng kết năm học 2015-2016, dự kiến sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu của 63 Sở GD&ĐT.

Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công tác VP cực kì vất vả, diễn ra âm thầm, lặng lẽ. VP cần tích cực, tham mưu cho lãnh đạo Sở GD về việc ban hành, phản biện các chủ trương, chính sách của ngành GD địa phương.

Không chỉ tham mưu cho lãnh đạo Sở GD, mà VP Sở còn phải trình lãnh đạo Sở, kịp thời tham mưu cho Bộ GD&ĐT những vấn đề quan trọng cấp thiết đang đặt ra với GD ở tỉnh – thành mình.

Thứ trưởng yêu cầu công tác tham mưu của VP các Sở GD phải giúp lãnh đạo các Sở, tăng cường quan hệ công tác chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh – thành những vấn đề nóng, tránh đùn đẩy lên cấp cao hơn những vụ việc mà địa phương đủ thẩm quyền giải quyết.

 Để chuẩn bị tổng kết năm học 2015 – 2016 và phương hướng năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT yêu cầu Văn phòng các Sở GD&ĐT tham mưu, xây dựng, báo cáo, đánh giá cụ thể những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp trong triển khai thực hiện tăng cường đổi mới công tác văn phòng, công tác phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Đồng thời, VP các Sở GD&ĐT cũng cần khẩn trương nghiên cứu, áp dụng hệ thống thông tin quản lý và điều hành qua mạng điện tử theo hướng dẫn mới của VP Bộ.  
Ông Phạm Ngọc Phương - Chánh VP Bộ GD&ĐT

Truyền thông và xử lý thông tin đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc

Tại VP Bộ GD&ĐT đã có Trung tâm truyền thông GD, nhưng các Sở GD&ĐT hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách công tác truyền thông, chủ yếu do Phó Giám đốc Sở, hoặc Chánh, Phó VP, hoặc chuyên viên VP Sở GD kiêm nhiệm.

Đây cũng là một trong những lí do khiến cho việc xử lý các vụ việc trong ngành GD gây bức xúc bị ách tắc, khiến dư luận hoang mang.

Chánh VP Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Hữu Trung cho biết: Sở chúng tôi hàng tháng đều có kế hoạch chủ động họp báo, thông tin với báo chí những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm.

Đây cũng là cách làm của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Thanh Hóa còn mời chuyên viên cao cấp của Bộ Thông tin & Truyền thông đến tập huấn cho lãnh đạo chủ chốt của ngành GD tỉnh về công tác xử lý thông tin.

Bà Trần Thu Hà – Chánh VP Sở GD&ĐT Gia Lai - đề nghị: Bộ GD&ĐT cần tập huấn nghiệp vụ công tác truyền thông cho VP các Sở GD. Bà cũng mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng khi đưa thông tin về hoạt động của ngành GD&ĐT, cần có cái nhìn toàn diện, phải thấy hết những nỗ lực vượt bậc của các nhà giáo – nhà trường trong việc GD thế hệ trẻ.

Một cách làm hiệu quả trong công tác làm phối hợp truyền thông, theo Chánh VP Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương: Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị bàn bạc, thảo luận về một vấn đề chuyên môn cụ thể, văn phòng phải tham mưu cho người chủ trì có thông báo chính thức về các nội dung liên quan cho các nhà báo để phối hợp truyền thông. 

Chánh VP Phạm Ngọc Phương cũng khẳng định: Truyền thông là hoạt động cần đặc biệt chú trọng. Các Sở GD&ĐT phải có kế hoạch truyền thông thường xuyên và kế hoạch truyền thông theo các sự kiện của ngành.

Ngành GD&ĐT từ lâu đã xây dựng được nhiều sản phẩm truyền thông có chất lượng, coi truyền thông là diễn đàn để mọi tầng lớp nhân dân cùng chia sẻ, góp ý cho sự nghiệp trồng người. Việc chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực, để dư luận có cái nhìn khách quan, chân thực về ngành GD&ĐT.

 Phải đặc biệt quan tâm sâu sát hơn đối với những nhà giáo có nhiều cống hiến âm thầm cho trường lớp, nhất là những GV vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, để kịp thời khen thưởng xác đáng các trường hợp này, tránh để thầy cô bị thiệt thòi. 
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng

Sớm đổi mới công tác thi đua – khen thưởng

Cũng tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ thi đua - khen thưởng (TĐ-KT) Nguyễn Văn Vui cho biết:
Nhiều năm nay, các phong trào thi đua của ngành GD đã đi vào chiều sâu thực chất, đã xuất hiện nhiều nhà giáo điển hình bám trường, bám lớp, khắc phục khó khăn để duy trì sĩ số học sinh, GD các em khuyết tật và bồi dưỡng HS giỏi – phụ đạo HS yếu...

Bộ GD&ĐT rất quan tâm công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Văn Vui: Công tác TĐ-KT ở nhiều nơi vẫn còn nặng hình thức, chưa đồng bộ thường xuyên. Việc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và bình xét khen thưởng chưa thật sự hiệu quả.

Hạn chế rõ nét nhất là lâu nay phần lớn cán bộ quản lý GD được vinh danh điển hình tiên tiến. Trong khi đó, số lượng nhà giáo được tôn vinh khen thưởng khá ít.

Tình trạng không cân đối về số lượng nhà giáo được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú giữa các cấp học đã diễn ra qua nhiều đợt xét, nhưng chưa được khắc phục.

Vụ TĐ-KT yêu cầu các hồ sơ xét tặng các danh hiệu TĐ-KT trong ngành GD cần đảm bảo đúng nội dung, thủ tục quy trình theo quy định.

Các Sở GD&ĐT (nòng cốt là VP Sở) cần thường xuyên giới thiệu các tấm gương GV-HS có thành tích xuất sắc đột xuất để nêu gương. Tránh quan niệm cứng nhắc là tập thể, cá nhân nào được khen thưởng nhiều, thì đó là điển hình tiên tiến...

Kết luận về công tác TĐ-KT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đề nghị các Sở GD&ĐT thành phố lớn cần sớm trình cấp có thẩm quyền duyệt biên chế một cán bộ chuyên trách công tác khen thưởng tại VP Sở. Các Sở GD còn lại thì phải có cán bộ kiêm nhiệm công tác này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ