Ngành dệt may 'vật lộn' với tình trạng thiếu đơn hàng

GD&TĐ - Tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2023 đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn.

Xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp dệt may đang rất thiếu đơn hàng. Ảnh: Tự Trung
Xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp dệt may đang rất thiếu đơn hàng. Ảnh: Tự Trung

Bức tranh ngành dệt may những tháng cuối năm cũng chưa có tín hiệu sáng hơn, tiếp tục đối mặt với khó khăn chồng chất…

Doanh nghiệp nghìn lao động nhận đơn hàng vài trăm chiếc áo

Mới đây, tại buổi họp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch trong năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex nhìn nhận khó khăn là có thật và đã được ngành “lường trước” từ năm 2022 từ những tín hiệu thị trường.

Đơn cử với ngành sợi sau suốt 18 tháng tăng trưởng tốt, đến tháng 6/2022 đã có những cảnh báo về xu hướng giảm. Lý do là nhu cầu thấp, giá giảm do giá bông nguyên liệu biến động và giảm rất sâu so với cùng kỳ.

Với thị trường Trung Quốc, ngành sợi rất kỳ vọng khi nước này mở cửa. Tuy nhiên, thực tế lại là áp lực rất lớn, đặc biệt là vấn đề sản xuất bông tại Tân Cương, nên sản phẩm của Việt Nam gặp khó khi giá cả xuất sang Trung Quốc không cạnh tranh và nước này ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa. Việc này dẫn tới ngành sợi bị lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.

Với ngành may, theo ông Hiếu, doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. Dẫn chứng, ông nói chưa bao giờ mà với những doanh nghiệp có quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 - 1.000 áo jacket nhưng vẫn phải làm.

Hoặc có nhiều đơn hàng, đơn giá “giảm khủng khiếp”, nhiều mã hàng giảm tới 50%. Trước kia áo sơ mi 1,7 - 1,8 USD thì nay chỉ 70 - 80 cent. Chưa kể những rủi ro như khách chậm trễ giao hàng, tồn kho tăng...

Kim ngạch giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may

Theo nhận định của Tổng Giám đốc Vinatex, tình trạng của dệt may hiện nay là đơn hàng nhỏ lẻ, chi phí gia công thấp, phải nhận các mặt hàng không đúng sở trường. Khi khó thì dệt thoi làm dệt kim, đơn vị chuyên làm quần thì phải làm áo nên phải thêm máy móc thiết bị, đào tạo công nhân để chống dừng chuyền, đảm bảo việc làm.

Thực tế nêu trên dẫn tới ngành dệt may Việt Nam trải qua 4 tháng đầu năm trầm lắng với kim ngạch giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.

Năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố tỉ giá, lãi suất, tiền lương, xu thế chuyển dịch đơn hàng. Nhiều nước hỗ trợ thị trường phục hồi như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, hỗ trợ vốn, vận tải... trong khi Việt Nam có nhiều hạn chế hơn.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhìn nhận, 5 tháng đầu năm 2023 tình trạng thiếu đơn hàng, giá giảm tác động mạnh tới các doanh nghiệp.

Thống kê của Vitas cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 5 tháng năm 2023 đạt 8,782 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022.

Dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, thị trường thế giới đã tác động rất lớn đến ngành dệt may trong nước. Ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu từ các thị trường Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ…

Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm, thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng kéo dài hết quý II năm 2023.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Ứng phó linh hoạt, sẵn sàng “đón” cơ hội

Trước những thách thức nêu trên, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết đơn vị sẽ tập trung vào các giải pháp chính, như đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng “đón” cơ hội khi thị trường phục hồi.

Điều đáng mừng, trong bối cảnh như vậy nhưng toàn bộ lao động (gần 63 nghìn lao động) trong tập đoàn vẫn có việc làm, chưa đơn vị nào phải cho người lao động nghỉ việc và vẫn duy trì thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng trong toàn bộ hệ thống.

Bên cạnh việc giữ chân người lao động, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp.

Ngành may linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn…

Ông Trương Văn Cẩm đưa ra đánh giá, những tháng cuối năm chưa có tín hiệu lạc quan giúp doanh nghiệp phục hồi. Do đó, Chính phủ cần khởi động lại những gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19. Cần rà soát lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã sử dụng như thế nào, từ đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ đưa ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được đẩy mạnh. Như gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% hiện vẫn bị tắc.

Nghị quyết Quốc hội quy định “Chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi”, quy định như vậy gây khó cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại khó thực hiện. Do đó, kiến nghị cần sửa đổi quy định này để giúp doanh nghiệp khó khăn tiếp cận được gói hỗ trợ.

Ông Cẩm đưa ra kiến nghị lãi suất cho vay ra giảm xuống để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong dòng tiền. Ngoài ra, Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ người lao động bên cạnh việc doanh nghiệp tìm cách giữ chân lao động. Như những quỹ kết dư như chi phí công đoàn – phần doanh nghiệp đóng nên để lại để công đoàn cơ sở lo cho người lao động. Hay tiền quỹ hưu trí, tử tuất nên tiếp tục ngừng đóng hoặc giãn, hoãn thời gian đóng để doanh nghiệp có dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.