Nghịch lý ngành dệt may

GD&TĐ - Trong nửa đầu năm 2016, các doanh nghiệp dệt may đều gặp khó khi đồng thời lượng hàng xuất khẩu giảm và giá đơn hàng giảm, hoặc đơn hàng về tới Việt Nam nhưng lại bị các đối tác rút ra chuyển sang thị trường khác do giá cạnh tranh hơn.

Nghịch lý ngành dệt may

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho rằng, mục tiêu xuất khẩu đề ra trong cả năm khó có thể đạt như kỳ vọng.

Chồng chất khó khăn

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay không đạt tăng trưởng như kỳ vọng. Cụ thể, trong tháng 6/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 2,346 triệu USD, tăng 14,41% so với tháng 5 và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may mới đạt 12,6 tỷ USD và đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Nguyên nhân của việc giảm sút trên, theo ông Giang, một số quốc gia như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… được ưu đãi thuế xuất khẩu hàng dệt may, như tại Mỹ chỉ còn 0%, trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế lên tới 17%. Không những thế, giá nhân công tại các nước này cũng đang thấp hơn Việt Nam khiến khách hàng dịch chuyển đơn đặt hàng, doanh nghiệp trong nước khó càng thêm khó.

Cũng về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp dệt may bày tỏ lo lắng khi doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh nhiều chi phí khiến giá nhân công, giá gia công sản phẩm tăng cao hơn. Trong đó, đáng ngại nhất với các doanh nghiệp hiện nay là chi phí cho bảo hiểm xã hội, lương tối thiểu cho công nhân đã được điều chỉnh tăng thêm từ đầu năm 2016. Hơn nữa, những chi phí về vận tải, lãi suất cho vay và nhiều chi phí “không chính thức” cũng làm giảm năng lực cạnh tranh về giá của doanh nghiệp dệt may Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, các doanh nghiệp còn bày tỏ lo ngại từ tác động của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh khiến kinh tế châu Âu, trong đó có Liên minh Châu Âu (EU) chao đảo trong những ngày gần đây. Điều này làm kim ngạch xuất khẩu vào một trong 3 thị trường lớn nhất của dệt may là EU không những giảm về số lượng mà còn giảm về giá trị khi đồng Euro bị mất giá. Do đó, các doanh nghiệp cho biết, đơn hàng cho các tháng cuối năm cũng đang có sự giảm sút, dù từ tháng 6 mới là thời điểm “chính vụ”...

Giảm chi phí, tăng năng suất lao động

6 tháng qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi nhiều kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về sửa đổi các quy định, nghị định, thông tư, một số thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành phức tạp, rườm rà đang gây khó cho doanh nghiệp. Theo ông Vũ Đức Giang, Chính phủ cần sửa đổi quy định về giờ làm thêm của người lao động. Trong khi Nhật Bản quy định giờ làm thêm từ 600 - 720 giờ/năm thì hiện Việt Nam lại giới hạn làm thêm không quá 200 - 300 giờ/năm. Đây là điều bất hợp lý gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dệt may thường có tính thời vụ, lại phải chịu sức ép về tiến độ giao hàng; đồng thời cũng đi ngược lại với mong muốn của người lao động được làm thêm để tăng thu nhập.

Cùng với đó, Hiệp hội Dệt may cũng kiến nghị không tiếp tục tăng lương tối thiểu, bởi lương tối thiểu tăng thì bảo hiểm xã hội, phí công đoàn cũng tăng theo, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp, do những chi phí này chiếm tới 72% trong đơn giá gia công ngành dệt may.

Đồng thời, Hiệp hội đề xuất Chính phủ về việc thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 - 1.000ha, tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Hạn chế cấp giấy phép cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành may, chỉ nên thu hút đầu tư FDI vào khâu sợi, dệt nhuộm hoàn tất với điều kiện phải bảo đảm các quy định về môi trường.

Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - cho rằng, DN phải chủ động ứng phó với những khó khăn bằng cách tiết giảm tối đa chi phí, đặc biệt là tìm mọi cách để tăng năng suất lao động. Đặc biệt, cần tiếp tục phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, hiện người nước ngoài đến Việt Nam mua hàng may mặc rất nhiều, vì họ biết hàng may mặc Việt Nam chất lượng không thua kém hàng hiệu thế giới. Trong khi đó, người Việt lại có tư tưởng “sính ngoại” nên hàng năm đã chi hàng trăm triệu đồng để mua hàng hiệu từ nước ngoài.

Với mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2016 chỉ đạt khoảng 29 tỷ USD, thay vì 30 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.