Ngành dệt may trước thách thức cuộc CMCN 4.0

GD&TĐ - Cũng như các ngành nghề khác, dệt may Việt Nam đang chịu rất nhiều áp lực và thách thức trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Với công nghệ tự động hóa được đẩy lên tối đa, tạo ra một trào lưu sản xuất mới, sử dụng robot, tất yếu lượng lao động sẽ giảm mạnh...

Ngành dệt may sẽ làm gì trước cuộc Cách mạng 4.0?
Ngành dệt may sẽ làm gì trước cuộc Cách mạng 4.0?

Như vậy, lợi thế về nhân công giá rẻ mà bấy lâu vẫn là thế mạnh của Việt Nam sẽ không còn nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngành dệt may sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì các đơn hàng sẽ dịch chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển. 

Phải đổi mới công nghệ

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách của Bộ Công Thương, thời gian qua tuy trình độ công nghệ trong lĩnh vực may đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp và chậm so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Cụ thể, hiện tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, đặc biệt là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chỉ chiếm khoảng 20%; 70% thiết bị có công nghệ trung bình, 10% là công nghệ thấp.

Với ngành dệt, hiện nay hầu hết các thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá, nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim thì lại đang ở mức thấp. Hiện, đa số các máy móc của các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã sử dụng trên 15 năm, chất lượng xuống cấp, tiêu thụ điện năng cao và hiệu quả sử dụng rất thấp.

Hơn nữa, tuy thiết bị dệt kim của các doanh nghiệp Việt Nam tuy chiếm gần 60% trong tổng số máy, nhưng lại chủ yếu là máy dệt kim phẳng chỉ dùng để dệt màn tuyn, tất. Số máy móc dệt kim tròn dùng cho dệt vải lại quá ít, chỉ chiếm chưa đến 6%, nhưng hiện hầu hết số máy này đã quá cũ kỹ, công nghệ lạc hậu nên chỉ có thể dệt vải cung cấp cho thị trường trong nước chứ không thể xuất khẩu…

Cần có chiến lược phù hợp

Có thể nói, hiện ngành dệt may Việt Nam đang đứng ở “ngã ba đường”, bởi một khi công nhân giá rẻ hiện đã không thể so được với các nước như: Lào, Campuchia, Bangladesh…, còn về công nghệ lại kém hơn nhiều so với các nước phát triển. Trước tình cảnh này, nếu ngành dệt may không có những chiến lược chuyển đổi phù hợp, đầu tư bài bản thì ngành này sẽ không thể duy trì được sự phát triển, đồng thời bị tụt lại phía sau.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tính – một chuyên gia trong ngành dệt may cho rằng, để có thể tồn tại và cạnh tranh được với các đối thủ trước cuộc Cách mạng 4.0, ngành dệt may Việt Nam trước tiên buộc phải đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động.

Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới, qua đó giảm được lượng lao động trên một sản phẩm. Làm được điều này năng suất của ngành dệt may sẽ tăng, khi đó chi phí sẽ giảm, có thêm tiền để tăng lương và thu hút được người lao động có trình độ cao phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thế giới…

“Để ngành dệt may Việt Nam thích ứng, cũng như chiến lược phát triển phù hợp với cuộc Cách mạng 4.0 thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trong quá trình đầu tư công nghệ bằng cách: Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế đối với những doanh nghiệp đầu tư xanh, sạch trong sản xuất.

Song song với đó, Nhà nước cũng cần có quy hoạch tổng thể đối với ngành dệt may, nên đặt những nhà máy sản xuất ở địa phương hay khu vực nào thuận tiện nhất về mọi mặt. Từ đó, ngành dệt may mới có thể vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng 4.0, tiếp tục phát triển để đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới” – bà Tính cho biết.

Để có thể bắt kịp được với cuộc Cách mạng 4.0, việc một mình ngành dệt may làm là rất khó, mà rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các cấp bộ, ngành thông qua việc giảm thuế, lãi suất, từ đó các doanh nghiệp có định hướng cụ thể trong đầu tư, áp dụng công nghệ  sản xuất mới… để có thể tiếp tục phát triển, đóng góp và giữ vững được kim ngạch xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...