Ngành dệt may - dễ đầu ra, khó đầu vào

Ngành dệt may - dễ đầu ra, khó đầu vào
(GD&TĐ) - Hiện nay, không ít các doanh nghiệp ngành dệt may đang gặp thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm nhưng lại đang đứng trước nghịch cảnh: chi phí đầu vào tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.
Sáu tháng đầu năm 2010, xuất khẩu hàng dệt may đã mang về 4,87 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng tới 15%, Nhật Bản có mức tăng 10%...
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), những tháng cuối năm, lượng đơn hàng tăng khá mạnh. Về giá nhiều hợp đồng xuất khẩu cũng tăng 10-15% so với cùng kỳ. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều đã ký được đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí là đến hết năm.
Ngành dệt may đang khát lao động. Ảnh, internet
Ngành dệt may đang khát lao động. Ảnh, internet
Tuy nhiên, từ nay đến hết năm, Vitas nhận định: ngành dệt may nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với một số khó khăn do vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (lượng nguyên nhập khẩu hiện chiếm khoảng 80%, thậm chí có những mặt hàng phải nhập đến 95%).
Từ quý 2/2010, giá nguyên phụ liệu có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là nguyên liệu bông tăng tới 40% so với cùng kỳ 2009, đã làm cho chi phí đầu vào tăng cao. 
Thêm nữa, mặc dù đã là trung tuần tháng 7, nhưng tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất vẫn tiếp tục diễn ra tại các địa phương, khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp bị đẩy lên khá nhiều.
Do vậy, tiến độ thực hiện và lợi nhuận của các đơn vị phụ thuộc khá nhiều vào tổng lượng thời gian có điện trong thời gian gia công thực hiện đơn hàng; việc bố trí sản xuất cho kịp tiến độ đơn hàng đang là vấn đề hết sức khó khăn của các đơn vị này. Nếu mất điện trong thời gian ép tiến độ thực hiện đơn hàng các doanh nghiệp buộc phải chạy máy phát, dù chi phí nhiên liệu cao hơn khoảng 6 lần so với sử dụng điện. 
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp trong ngành vẫn là sự thiếu hụt lao động. Mặc dù gần đây, mức lương bình quân của công nhân ngành dệt may tại các tỉnh phía Bắc đã được nâng lên 1,8- 2,2 triệu đồng/tháng. Nhưng giá cả tiêu dùng ở mức khá cao, đã khiến cho người lao động chưa thực sự chuyên tâm vào công việc. Điều này đã khiến cho thời gian qua trên 10% lao động của ngành đã chuyển sang làm những công việc khác. 
Trước thực trạng trên, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp nên di dời cơ sở sản xuất về nông thôn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến việc nâng cao nâng suất lao động, cắt giảm các chi phí; bên cạnh đó, cần tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm thay vì chỉ nhận may gia công như trước đây để tăng thu nhập cho người lao động.
Giang Đông 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ