Ngân vang một tiếng nói Việt Nam

GD&TĐ - Hỏi chuyện một số nhà văn có tiếng ở Việt Nam rằng tại sao họ không chủ động quảng bá tác phẩm của mình ra với thế giới, thì một số người cho rằng, việc này khó như “đi lên trời”.

Ngân vang một tiếng nói Việt Nam

Khi hỏi chuyện một số nhà văn có tiếng ở Việt Nam, từng có những tác phẩm giá trị, từng đoạt giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, về việc tác phẩm của họ đã được nhà xuất bản nào của nước ngoài mua bản quyền xuất bản chưa, thì hầu hết họ đều lắc đầu. Hỏi tiếp rằng tại sao họ không chủ động quảng bá tác phẩm của mình ra với thế giới, thì một số người cho rằng, việc này khó như “đi lên trời”.

“Tóm lại là phải có rất nhiều tiền! Mà chúng tôi là nhà thơ, nghèo mạt rồi, tiền đâu ra?” – nhà thơ Nguyễn Hoa bộc bạch. Có tác phẩm chất lượng thôi chưa đủ, ta cần có nhiều tiền, có mối quan hệ với giới dịch thuật và xuất bản quốc tế, có kỹ năng ngoại ngữ thành thạo để kết nối… Bấy nhiêu khó khăn đó, thách thức đó đang là rào cản các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đưa tác phẩm của mình “vượt biên”.

Mới đây, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai đã có cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Những ngọn núi ngân vang” (The Mountains sing) viết bằng tiếng Anh, được nhà xuất bản của Mỹ Algonquin Books mua bản quyền, được dịch ra tiếng Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và phát hành rộng rãi tại Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan… Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ về cách chị đã vượt qua những thách thức lớn kể trên như thế nào, để tác phẩm của mình đến với đông đảo bạn đọc quốc tế một cách chuyên nghiệp.

- Để tiểu thuyết “Những ngọn núi ngân vang” được phát hành rộng rãi tại thị trường mạnh như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan… chị đã trải qua những khâu chuẩn bị như thế nào?

Đầu tiên, hãy nói đến thị trường Mỹ. Để xuất bản một cuốn sách ở Mỹ là rất khó. Tôi đã mất 7 năm để viết cuốn sách, mất thêm 3 năm để làm việc với nhà xuất bản Mỹ. Thực tế là các nhà xuất bản ở Mỹ không làm việc trực tiếp với tác giả, mà họ chỉ làm việc qua các đại diện văn học. Đại diện phải thẩm định tác phẩm đó bán được, chào tác phẩm cho nhà xuất bản, thuyết phục nhà xuất bản mua bản quyền. Trước tiên, tôi đã gửi thư tới cả trăm đại diện văn học để giới thiệu tác phẩm của mình. Sau đó mới có đại diện đồng ý nhận chào tác phẩm của tôi cho nhà xuất bản.

- Chị làm cách nào tìm kiếm được danh sách các đại diện văn học?

Tôi hỏi những người mình quen bên Mỹ, rồi tự dò dẫm kiếm tìm. Tôi xem trên các website của các đại diện văn học, khi biết họ có quan tâm đến vấn đề chiến tranh ở Việt Nam (do tiểu thuyết của tôi đề cập đến vấn đề này), thì tôi gửi thư đề nghị tới họ, kèm giới thiệu nội dung vắn tắt của tiểu thuyết trong 20 trang. Qua thư giới thiệu tác phẩm, họ sẽ đọc và quyết định chọn tác phẩm hay không.

Ngân vang một tiếng nói Việt Nam ảnh 1

- Với một tác giả “mới toanh” như chị trên thị trường sách văn học Mỹ, thì được một nhà xuất bản uy tín đồng ý mua tác phẩm, đó hẳn là một điều kỳ diệu…?

Trong vấn đề tìm đại diện văn học ở Mỹ, thì quan hệ cá nhân rất quan trọng. Đã từng có kinh nghiệm với một đại diện văn học ở Hồng Kông nên tôi hiểu rằng, nếu muốn xuất bản sách ở Mỹ, cần có quan hệ tốt với một người Mỹ sống ở New York thì mới có điều kiện kết nối với đại diện văn học và nhà xuất bản lớn, uy tín tại đó. Nếu xuất bản cuốn đầu tiên mà không có doanh số trên thị trường Mỹ, thì vĩnh viễn mình không có cơ hội thứ hai, vì sẽ không có ai mua sách của mình nữa.

Các nhà xuất bản nhìn vào doanh số bán hàng để quyết định có tiếp tục mua bản quyền tác phẩm tiếp theo của tác giả đó hay không. Tôi đã kết nối được với một đại diện văn học tại New York và gửi thư giới thiệu nội dung tác phẩm “Những ngọn núi ngân vang”. Chị ấy nhận và báo sau 3 tuần sẽ trả lời. Sau đó, khi nhận được thư của biên tập viên nhà xuất bản, thì tôi mới dè dặt hy vọng là tác phẩm của mình có thể có cơ hội.

- Chị có thể chia sẻ cách nhà xuất bản làm việc với chị và tác phẩm của chị sau đó như thế nào không?

Ban đầu, biên tập viên nhà xuất bản hỏi tôi về quá trình sáng tác tác phẩm, tôi viết bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh, hay trực tiếp viết bằng tiếng Anh? Khi biết tôi viết tác phẩm bằng tiếng Anh, chị ấy hỏi rằng: “Nếu tôi mua bản quyền cuốn sách của cô, thì cô phát triển thêm một tuyến nhân vật được không?”. Cuốn sách của tôi có hai tuyến nhân vật là Bà - Cháu.

Chị ấy muốn tôi phát triển thêm tuyến nhân vật ở giữa, đó là người Mẹ. Chị ấy đề nghị như vậy, còn tôi triển khai tuyến nhân vật người Mẹ như thế nào là do tôi. Tiếp đó, tôi còn làm việc với những biên tập khác nhau, triển khai ý chính của tiểu thuyết, về câu chữ, về thiết kế. Sau khi đã hoàn thiện, họ in thử cả trăm cuốn sách ra và chuyển cho các nhà báo, nhà phê bình văn học khắp nước Mỹ đọc để viết bình luận.

- Như vậy, với mỗi cuốn sách, họ quảng bá rất rộng rãi?

Bản thân tôi khá choáng với cách làm của nhà xuất bản Mỹ. Khi họ đã chọn cuốn sách, là họ dốc toàn lực để quảng bá, để bảo đảm thành công cao nhất có thể. Chính vì vậy, mỗi mùa họ chỉ có thể làm 2, 3 cuốn sách, cho nên việc chọn một cuốn sách nước ngoài để xuất bản với họ là quyết định khó khăn. Họ đã đầu tư rất nhiều công sức cho cuốn sách và sự ra đời của nó. Tháng 3/2020, sách được ra mắt, thì từ tháng 10/2019, họ đã họp video với tác giả, đưa ra kế hoạch dày đặc từng tháng cần làm gì cho cuốn sách.

Từ việc dịch sách sang các ngôn ngữ Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, bán bản quyền xuất bản sách ở Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và các nước khác… Việc đưa sách tới các hội chợ sách, thực hiện các poster bìa sách cao tới 3m. Theo gợi ý, tôi cũng phải lập Twitter, Instagram và đầu tư thời gian vào thường xuyên để tương tác với độc giả, quảng bá tác phẩm của mình. Thực sự là khi làm sách ở Việt Nam, chưa bao giờ sách của tôi được đầu tư quảng bá như thế.

Ngân vang một tiếng nói Việt Nam ảnh 2

- Liệu họ có công thức quảng bá sách để nó trở thành một bestseller không, thưa chị?

Họ có phương án đó, tuy nhiên tôi không chọn. Ví dụ, tác giả cũng có thể đầu tư cùng với nhà xuất bản để tăng doanh số bán, và tác giả sau đó thu lại tiền đầu tư từ doanh số bán sách. Bạn có thể đầu tư một khoản tiền 20 nghìn USD và thuê một nhóm các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình làm quảng bá cho cuốn sách trên các tờ báo có uy tín như New York Times, Washinton Post… Tuy rằng tôi không chọn cách thuê quảng bá đó, nhưng may mắn là sách “Những ngọn núi ngân vang” cũng đã được giới thiệu trên hai tờ báo uy tín ấy.

- Chị rút ra được điều gì sau quá trình viết trực tiếp tác phẩm bằng tiếng Anh, hướng tới thị trường Mỹ?

Viết cuốn sách này, tôi học được rất nhiều điều, lớn lên rất nhiều, trước tiên là trải nghiệm lịch sử, mà cụ thể là nạn đói năm 1945 chẳng hạn. Tôi phải đọc, phải học và đào sâu biến cố đó, nhìn lịch sử qua con mắt tiểu thuyết và tôi đã có được không chỉ kiến thức, mà cả những kỹ năng quý giá trong nghề. Khi tìm được nhà xuất bản ở Mỹ, tôi học được cách làm sách, quảng bá sách chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng của họ.

Tôi muốn chia sẻ với đồng nghiệp văn chương trong nước, rằng các nhà văn nên chủ động tự xuất khẩu tác phẩm của mình ra nước ngoài, đừng chỉ trông chờ vào Nhà nước, hay các hội nghề nghiệp làm việc đó cho mình. Tôi từng tham gia các sự kiện văn học quốc tế, thấy các nhà văn Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản viết và xuất bản tác phẩm bằng tiếng Anh khá nhiều. Các nhà văn nước ta nên mạnh dạn đầu tư kỹ năng ngôn ngữ Anh và các điều kiện khác nữa để có thể đưa tác phẩm của mình đến với thị trường quốc tế.

- Các nhà văn trẻ có thể dễ học tiếng Anh hơn, nhưng những nhà văn cao tuổi, không biết tiếng Anh, có thể đầu tư dịch tác phẩm của mình sang tiếng Anh và giới thiệu ra nước ngoài, được không chị?

Tôi nghĩ, để chọn dịch cả tác phẩm sẽ tốn công, mà khi chào bán tác phẩm bên nước ngoài không mua thì rất uổng. Muốn giới thiệu một tác phẩm thành công, thì cần marketing. Cách làm thông thường nhất là chúng ta dịch tóm tắt tác phẩm trong 20 trang, gửi cho đại diện nước ngoài, khi họ đồng ý thì chúng ta mới đầu tư dịch toàn bộ tác phẩm và chuyển cho họ.

Khi các tổ chức làm quảng bá văn học Việt Nam, nên có catalogue quy chuẩn, giới thiệu bài bản các tác phẩm với nội dung vắn tắt để trao cho các nhà xuất bản nước ngoài. Sau đó, cần có biên tập viên bản xứ biên tập tác phẩm đã dịch cho thật tốt. Chúng ta cũng cần chuẩn bị đội ngũ dịch giả, đội ngũ biên tập viên bản xứ chuyên nghiệp và trả thù lao xứng đáng cho họ.

- Xin cảm ơn chị!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.