Nhà văn nữ: Đi ngắn, viết dài

GD&TĐ - Nữ nhà văn Việt Nam vừa háo hức muốn đi thực tế thật nhiều, lại cũng vừa lo lắng bất an trước mỗi chuyến đi có thể ngốn một khoảng thời gian dài.

Đoàn nữ nhà văn đi thực tế cơ sở của doanh nhân Lê Thị Bích Ngọc. Ảnh: Hoàng Nam Sơn
Đoàn nữ nhà văn đi thực tế cơ sở của doanh nhân Lê Thị Bích Ngọc. Ảnh: Hoàng Nam Sơn

Thế nên, mới có chuyện, trong Ban công tác Nhà văn nữ của Hội Nhà văn Việt Nam, chị em luôn nêu ý kiến về việc thiếu những chuyến đi, nhưng khi tổ chức, lại có người ngậm ngùi báo “không thể đi được”.

Những người “nhiều trong một”

Bởi lẽ, những nữ nhà văn, việc bên ngoài, trước công chúng là một cây bút tài hoa phun châu nhả ngọc, thì việc bên trong cũng bội phần quan trọng, đó là làm việc hàng ngày kiếm tiền, là làm vợ và làm mẹ.

Họ thực sự là những nữ tướng, giỏi giang trong việc chỉ huy con chữ trong trường văn trận bút, đảm đang vai trò nội tướng trong gia đình, lại cũng rất cần hoàn thành nhiệm vụ nơi họ làm việc để được trả lương tháng.

Bất chấp những cản trở đó, Ban công tác Nhà văn nữ vào đầu mùa Đông 2020 vẫn tổ chức được một chuyến đi thực tế cho 30 nhà văn nữ phía Bắc, về “Xứ Đoài mây trắng”.

Chuyến đi không quá dài, chỉ trong vòng 2 ngày làm việc, và đi không quá xa, chỉ đến thực địa hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ (ngoại thành Hà Nội), nhưng đã mang đến ngồn ngộn cảm xúc, tư liệu cho các cây bút nữ. Bởi lo toan thu vén đã quen, nên cách tổ chức chuyến đi thực tế của chị em cũng mang phong cách khác hẳn.

Đơn cử, cuộc giao lưu giữa đoàn nữ nhà văn với UBND huyện Đan Phượng thật đa dạng và hấp dẫn với nhiều màu sắc khác lạ.

Với những chia sẻ thân mật của chị Đào Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, đoàn nhà văn nữ càng thấm sâu truyền thống văn hóa của Xứ Đoài mây trắng, là quê hương của danh nhân Tô Hiến Thành, của nhà thơ Quang Dũng, với giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như chèo Tàu Tân Hội, ca trù Thượng Mỗ, thổi cơm thi, đua thuyền Đồng Tháp, thả diều Hồng Hà; nơi đây còn khởi nguồn phong trào “Phụ nữ Ba Đảm Đang” trong thời chống Mỹ.

Và không chỉ vậy, đoàn còn xiết bao ngạc nhiên với những điều mới mẻ: Đường làng giờ đây rực rỡ với những thảm hoa dài hai bên đường kéo ra tít tắp, khiến ta có cảm giác an vui, không còn bị những lo toan vất vả trì níu như xưa.

Những bức tường rào bê tông xám xịt bức bối tầm mắt, nay được chuyển hóa thành những bức tranh tường vui mắt, mô tả cảnh sinh hoạt làng quê xưa, những tích truyện cổ dân gian gần gũi, nuôi dưỡng tâm hồn người.

Và mừng vui nhất là thông tin, huyện Đan Phượng đã phát triển được 11 dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Biết bao thông tin đầy năng lượng đó đủ để các nữ nhà văn, nhà thơ trong đoàn khởi lên ý định cho những trang viết mới, cho những cuộc đi mới, và những khám phá mới.

Sau khi chia sẻ thông tin, món quà tặng được khách và chủ đều mong chờ, đó là những vần thơ đã từng tạo nên ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ lên đường đi đánh giặc.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, vẫn trẻ trung, vẫn đầy nhiệt huyết và là niềm ngưỡng mộ của bao người, mang đến buổi giao lưu không chỉ bài thơ “Hương thầm” huyền thoại, được cất lên bằng giọng ca ngọt ngào của ca sĩ xứ Đoài, mà bà còn thể hiện sức viết không mệt mỏi của mình bằng bài thơ về miền Trung sau một đêm bà khó ngủ trước thảm họa thiên tai mà người dân miền Trung đang gánh chịu.

Nhìn nữ sĩ tuổi đã ngoài bảy mươi, thế hệ cầm bút trẻ sẽ tiếp tục có nguồn động lực đi, cảm và viết về con người, quê hương thân yêu Việt Nam.

Các nhà thơ Vũ Thị Khương, Nguyễn Thị Mai, Phi Tuyết Ba, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phạm Phương Thảo, Nguyễn Thị Kim, Chử Thu Hằng, Nguyệt Vũ, Phan Mai Hương… và các nữ nhà thơ khác trong đoàn đều nồng hậu trao tặng những vần thơ tâm huyết nhất của mình tới những người bạn xứ Đoài và đồng nghiệp văn thơ Đan Phượng.

Các nữ sĩ không chỉ chia sẻ những vần thơ đẹp, mà còn cả chuyện bếp núc của người làm thơ, chuyện cười ra nước mắt…

Lần đầu tiên, những câu chuyện tình bí mật được chia sẻ, những thổn thức đầy nước mắt, những tiếc nuối âm thầm, và những khao khát mãnh liệt của trái tim yêu, được trợ giúp bởi không gian khoáng đạt xứ Đoài, được bộc phát và sẻ chia, thấu cảm trong tình yêu thương của vòng tay bạn hữu, đồng nghiệp và người hâm mộ.

Hai người phụ nữ kỳ tài

Các nhà văn tham quan dây chuyền sản xuất trứng sạch Ba Huân.
Các nhà văn tham quan dây chuyền sản xuất trứng sạch Ba Huân.

Bất ngờ xiết bao, khi ở chính xứ Đoài, chúng tôi “chạm mặt” bà Ba Huân, một nữ doanh nhân miền Nam đã chọn một mảnh đất tại huyện Phúc Thọ để xây dựng nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao – một mô hình đi đầu trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao của huyện.

Không trực tiếp gặp bà Ba Huân, nhưng qua tham quan dây chuyền xử lý và chế biến trứng gia cầm, xem phim tư liệu về quy trình sản xuất và nghe chia sẻ của nữ nhà báo Đoàn Khánh Sơn -  trợ lý của bà Ba -  về “Nữ hoàng hột vịt” Ba Huân, nhiều chị em trong đoàn đã rưng rưng nước mắt trước sự can đảm vô song của bà, một phụ nữ vượt qua nghịch cảnh riêng, tiếp tục vượt qua nghịch cảnh chung của ngành nông nghiệp, không chấp nhận sự sụp đổ của ngành sản xuất trứng gia cầm trong đại dịch H5N1 năm 2006, bà đã đi nhiều nước trên thế giới kiếm tìm câu trả lời, kiếm tìm công nghệ mới, giải pháp mới, để kiến tạo nên phương thức sản xuất tiên tiến, hỗ trợ bà con nông dân vượt qua khủng hoảng, sản xuất an toàn, bền vững.

Quả là một câu chuyện thực tế phi thường về người phụ nữ Việt, học mới hết lớp Một, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết, lại có thể khiến ông chủ lớn ở đất nước Hà Lan xa xôi động lòng, đồng ý đưa công nghệ mới về Việt Nam cho bà làm nên “cuộc cách mạng” thay đổi phương thức sản xuất và xử lý, chế biến trứng ở Việt Nam.

Ấn tượng thứ hai của đoàn nữ nhà văn là về một phụ nữ trẻ, xinh đẹp và “quyền lực” khác, đó là chị Lê Thị Bích Ngọc. Trong buổi thăm đền Hát môn (thờ Trưng Nữ Vương) tại huyện Phúc Thọ vào buổi sáng 22/10, ngày thứ hai của chuyến đi thực tế, chúng tôi được chị Bích Ngọc dẫn vào dâng lễ trong Đền. Chị Lê Thị Bích Ngọc dễ dàng thu hút sự chú ý của người đối diện bởi vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà.

Đôi mắt huyền lấp láy điệp với mái tóc đen dài quá eo mượt mà, làn da trắng mịn của Bích Ngọc khiến ta liên tưởng đến một phụ nữ chỉ biết đến điểm trang, làm đẹp. Nhưng thực tế, qua tiếp xúc, mới nhận biết chị là một người đàn bà thông minh, hoạt bát, năng động và thuộc type phụ nữ biết “biến điều không thể thành có thể”.

Cầu toàn, chi tiết, bao quát và biến ảo khác thường, chị có thể là một nữ lãnh đạo trẻ hiểu biết, quán xuyến, quyết liệt trong một doanh nghiệp, đồng thời có thể là một phụ nữ biết kết nối linh hoạt trong các hoạt động đoàn thể, trong cơ quan chính quyền.

Sự đa tài đó của Bích Ngọc thể hiện ở những công việc chị đã từng qua: Từ Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phúc Thọ, Quyền Trưởng phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ, Chủ tịch Lên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ, và hiện nay ra thương trường làm kinh doanh tổng hợp rất thành công, tạo việc làm cho nhiều người.

Đoàn nhà văn nữ ngắm nhìn cơ sở kinh doanh, và tư dinh của chị Bích Ngọc, chỉ có thể thầm thán phục và tự hào về sự đa tài của phụ nữ Việt Nam.

Cảm xúc dâng đầy, tư liệu ngồn ngộn, và những hình dung về biểu tượng người phụ nữ Việt Nam mới trong thời đại mới khiến các chị em văn sĩ trong đoàn vừa hào hứng, lại có chút trầm tư.

Sẽ viết cách nào, sẽ dùng thể loại nào, để có thể lột tả hết những chân dung phụ nữ vô cùng tài năng và hấp dẫn này. Họ đã chiến thắng trong cuộc tranh đấu với chính mình để vượt qua cái tầm thường nhỏ nhặt hàng ngày, để trở nên khác biệt.

Họ không còn là những phụ nữ Việt nhỏ bé như xưa, chỉ biết đứng sau đàn ông và chịu đựng một số phận, khiêm nhường vâng lời và chấp nhận những gì còn lại dành cho mình, mà họ là những phụ nữ biết vượt lên nghịch cảnh để thay đổi số phận, dám dũng cảm vượt ra khỏi khuôn khổ cũ, quy ước cũ để sáng tạo nên những mô hình kinh tế mới, hiện đại, tiên tiến.

Họ vừa xác lập vị trí mới của mình, vừa làm nên diện mạo mới cho nông thôn, tạo nên việc làm và giúp bao người công ăn việc làm, đổi đời bằng tư duy mới.

Những phụ nữ ấy, trong những miền quê ấy, sẽ vào trang báo, trang truyện ngắn, trang thơ, hay thậm chí là những cuốn tiểu thuyết? Họ xứng đáng như thế và chỉ trong một chuyến đi ngắn, nhà văn nữ trong đoàn đi thực tế sẽ biết kể những câu chuyện dài, bằng kỹ năng độc đáo được tôi rèn trong cuộc sống “nhiều trong một” của chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ