Nhà văn Võ Hồng Thu: Thổ lộ những điều bình thường theo cách gợi cảm

GD&TĐ - Thu rất thật Thu là khi viết truyện ngôn tình, theo cách riêng của chị. Ngẫu nhiên được báo chí đặt viết những câu chuyện tình yêu từ hơn 10 năm trước, để rồi thành nhà tư vấn tâm lý tình yêu thầm lặng và trở thành nhà văn, Võ Hồng Thu đã tạo nên dòng viết riêng của mình và tự tin phát triển nó, được bạn đọc hào hứng đón nhận.

Nhà văn Võ Hồng Thu.
Nhà văn Võ Hồng Thu.

Chúng ta cùng “chiêm nghiệm” với Thu về chuyện sống, yêu, viết, khoái cảm và cả… trầm cảm.

Viết truyện là khoái cảm

– Chị đã viết 4 cuốn truyện ngắn, đều về những cuộc tình, và hướng về quan hệ thể xác đủ mọi cung bậc. Lý do chị tập trung vào dòng này hẳn hữu duyên? Lối viết như thế, mang lại cho chị những điều thú vị gì? Nếu có thể tự gọi tên dòng viết của mình, chị thích gọi tên nào?

4 tập truyện của tôi đều là những câu chuyện tình yêu nhưng không hẳn hướng về quan hệ thể xác, dù yếu tố đó ở một số truyện tôi viết khá tỉ mỉ. Nói rằng, tôi hướng về phân tích tâm lý đàn bà và đàn ông trong mọi cung bậc của tình yêu thì có lẽ chuẩn xác hơn.

Tôi tập trung chỉ một “dòng” này bởi thấy chắc đó là điều tôi có thể làm tốt nhất, hợp tạng. Và khi lần lượt ra các tập sách: Trà, cà phê hay là em/Nude tình yêu/Môi đưa bão về/Gáy mảnh hững hờ, tôi có sự cổ vũ của bạn đọc, sách bán khá tốt. Chính vì thế, tôi yên tâm với con đường mình đang đi.

Phải công nhận, tôi thực sự khoái cảm trong quá trình viết truyện. Cảm xúc không chỉ bắt đầu từ khi viết những dòng đầu tiên. Nó có từ khi tôi tìm tư liệu hoặc ghi lại một ý tưởng gì đó lóe lên trong đầu. Khi viết truyện mới thấy sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống xã hội là vô cùng cần thiết.

Càng biết nhiều, biết kỹ thì khi viết ra càng dễ dàng. Những câu chuyện tình yêu luôn đỡ... hại não nhất đối với người đọc, vì sự thân gần với độc giả. Với người viết cũng vậy thôi, những câu chuyện tình ái dù do chính mình viết ra vẫn có sức hấp dẫn với tôi, kể cả trong khi viết hay sau này đọc lại.

Mọi người vẫn gọi truyện tôi là ngôn tình, thậm chí có bài báo có cái nhan đề: Từ Thu “Người đẹp” sang Thu “Ngôn tình”. Thực ra, nếu chiếu từ định nghĩa ngôn tình như chúng ta từng biết về một dòng văn học xuất phát từ Trung Quốc với những truyện tình cảm, sến súa, nhẹ nhàng, hài hước… thì không chuẩn lắm. Nhưng tôi cũng có cảm tình với hai chữ: Ngôn tình.

Nhà văn Ngô Thảo nói rằng, đa số mọi người đọc truyện tôi viết đều không với tinh thần đọc một truyện hư cấu mà đều quan tâm như thể đó là một truyện xảy ra trong cuộc sống. Tôi thấy nhận xét đó chính xác bởi vì khi tôi đưa truyện lên Facebook, rất nhiều bạn bình luận hoặc nhắn tin riêng với cùng thắc mắc: Thế rồi sao (Mối tình ấy/ Số phận cô ta/ anh ta...).

Mọi người hay nói rằng không thỏa mãn vì truyện tôi lửng lơ quá, họ muốn những mối tình có cái kết rõ ràng kia.

- Chị sẽ tiếp tục phát triển lối viết riêng này của mình ra sao? Chị có hình dung 10 năm viết tiếp theo của mình, hay cứ để nó tự nhiên?

Theo thời gian, tôi tự nhận thấy mặc dù vẫn trung thành với một thể loại truyện tình ái nhưng rõ ràng tôi viết có sự thay đổi. Sự thay đổi đó chắc chắn là do từ bản thân tôi.

Chính tác giả biết thêm nhiều câu chuyện có thật trong đời hơn, yêu thương con người và trân trọng cuộc đời hơn, cảm nhận rõ hơn giới hạn của con người, sự hữu hạn của kiếp người. Để từ đó bình tĩnh trước những éo le và biết chấp nhận, thậm chí thỏa hiệp hơn với cuộc đời. Chắc điều đó có tác động không nhỏ khi mình viết các chương hồi tình ái, dù ngắn ngủi.

10 năm nghe thì lâu nhưng chỉ là thoáng chốc. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác khi viết những truyện ngắn đầu tiên, cũng cách đây đúng 10 năm. Bản chất tôi là người luôn thuận theo tự nhiên, trong hầu hết suy nghĩ và ứng xử, vậy nên việc viết cũng không nằm ngoài hai chữ: Tự nhiên.

Tuy nhiên, gần đây, tôi đã nghĩ nhiều hơn đến việc cần viết những câu chuyện mang một ý nghĩa sâu sắc nào đó, gắn với thực tiễn sống động mà tôi va chạm hàng ngày, chứ không hẳn chỉ là những câu chuyện quay quanh từ trường tình ái. Chẳng hạn, mùa Covid, tôi luôn cảm thấy rất xúc động và đang muốn viết một câu chuyện tình mùa Covid. 

Càng viết, càng khôn hơn

Nhà văn Võ Hồng Thu: Thổ lộ những điều bình thường theo cách gợi cảm ảnh 1

- Thời đầu, khi bắt tay vào viết truyện, chị có được ảnh hưởng từ một đồng nghiệp nào đó không?

Tôi viết hồn nhiên, từ một sự tình cờ. Tôi vẫn đùa là mọi chuyện trong đời tôi đều là do được người khác đẩy vào.

Cách đây tròn 10 năm, Thạch Hương - đồng nghiệp cũ của tôi ở Báo Tiền Phong đặt tôi viết chuyên mục Chuyện tình của Báo Phụ nữ Việt Nam. Truyện đầu tiên - rất ngắn, 900 chữ đã là về tình yêu. Tôi cứ miệt mài với các đơn đặt hàng như thế, rồi người ta gọi là người chuyên viết ngôn tình từ bao giờ, không nhớ nữa.

Tôi chắc chắn là không chịu ảnh hưởng từ một đồng nghiệp nào, dù tôi đọc không ít và cũng ngưỡng mộ một số người viết. Đơn giản vì tôi không có ý thức “viết văn” mà là kể những câu chuyện từ cuộc sống.

- Những nhân vật đàn ông, đàn bà, dường như từ ngoài đời thực, sống động, đầy màu sắc, hấp dẫn, đều chạy cả vào trang sách của chị. Tôi cho rằng, chị có con mắt quan sát thật kỹ lưỡng và dường như đều tóm được khát khao thẳm sâu của họ, dường như họ đến với chị hàng ngày?

Quan sát, đó chính là từ chuẩn nhất nếu như bạn viết văn. Và phải thật kỹ, từ chi tiết. Quá trình viết văn khiến tôi nhận ra, kiến thức chi tiết về bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng đều có ích.

Tôi có một may mắn là được báo Phụ nữ Việt Nam mời làm cộng tác viên từ cả chục năm nay. Ngoài những bài tâm lý, tư vấn, tôi còn có dịp tiếp xúc với một số con người cụ thể. Và nữa, khi tôi post truyện lên Facebook thì có khá nhiều bạn – chưa từng gặp ngoài đời – đã tin cậy kể cho tôi nghe cuộc đời của họ, cũng là muốn nghe từ tôi lời khuyên.

Đó là những chất liệu giúp cho những câu chuyện của tôi sinh động hơn. Nói thật là trí tưởng tượng có phong phú cỡ nào vẫn thua cuộc đời thực và một người cầm bút thì không thể sống quá nhiều cuộc đời trong một cuộc đời được.

Dĩ nhiên là càng viết thì tôi càng “khôn” hơn, tôi đã biến báo đủ để không ai có thể… kiện được mình viết ra câu chuyện của họ. Bởi vì tôi đã có bài học về điều này, từ những truyện đầu tiên. Thậm chí có nhà phê bình văn học còn bảo truyện của tôi thuộc loại “văn học ám chỉ”. Tôi không thanh minh mặc dù tôi thấy điều đó không chuẩn xác.

- Có điều gì ám ảnh chị mỗi đêm?

Bạn ơi, đêm tôi ngủ say lắm. Nghĩ mãi không nhớ ra điều gì ám ảnh mình cả. 

Trầm cảm – những tháng ngày đen tối

Nhà văn Võ Hồng Thu: Thổ lộ những điều bình thường theo cách gợi cảm ảnh 2

- Từng có lần chính chị rơi vào tình trạng trầm cảm, có phải vì thế mà chị miêu tả khá đắt tâm lý nhân vật trầm cảm trong một số truyện ngắn? Như vậy, viết có phải là một phương thuốc, hay giải pháp cho tinh thần người cầm bút? Hoặc là chị quá thông minh để không bỏ qua bất cứ thứ gì, không lãng phí bất cứ điều gì trong cuộc đời?

Cả mấy ý trong câu hỏi của bạn đều đúng. Tôi từng bị trầm cảm và vì thế mà giờ tôi còn tự tin chữa được cho người không may lâm vào tình trạng như mình. Bởi vì tôi đã đọc rất nhiều trong những ngày tháng đó. Có điều may mắn là tôi luôn ý thức được: Mình đang tệ. Mình cần thoát ra. Và tôi đã may mắn thoát được mà không dùng thuốc.

Viết chắc chắn là một phương thuốc không tệ. Nhưng cũng có một ý thế này. Khi bạn bị trầm cảm, bạn sẽ khó khăn khi làm một công việc mà bình thường bạn vẫn làm một cách dễ dàng.

Nhưng bạn buộc phải lao động chứ không nên nằm lệt bệt, chỉ có như vậy mới giúp bạn thoát ra được trầm cảm. Viết cũng là một hình thức lao động. Tôi nhớ lại những ngày tháng đen tối đó, khi viết là lúc tôi cảm thấy dễ chịu. Và khi viết xong một truyện, tôi có thấy tinh thần nhẹ nhõm.

Suy cho cùng trên đời không có gì được cả và mất cả. Vì vậy, trầm cảm là tình trạng mà tôi khá sợ và không muốn gặp lại nhưng cũng vì từng là bệnh nhân trầm cảm mà tôi có thể miêu tả trạng thái rất chuẩn.

Có một cô bạn tôi là tiến sĩ tâm thần học ở Úc khi đọc một câu chuyện tôi tả về một người đàn bà bị trầm cảm đã bảo tôi: Mày bị thế là khá nặng đấy. Tại sao mày có thể thoát ra mà không cần đến bác sĩ hay thuốc nhỉ. 

Và khi bí mật phơi bày

Nhà văn Võ Hồng Thu: Thổ lộ những điều bình thường theo cách gợi cảm ảnh 3

- Người thân nhất của chị có đọc sách chị viết? Có bình luận gì khiến chị suy nghĩ quá một ngày?

Tất cả những người yêu quý tôi đều đọc tôi, mà đọc từ khi tôi post lên Facebook chứ không phải tận sau này khi in thành sách. Tôi thường đọc rất kỹ những gì mọi người viết về tôi.

Tôi cảm thấy may mắn vì có nhiều người tôi rất tôn trọng và đánh giá cao về năng lực và nhân cách thì đều dành cho tôi những nhận xét về sách tôi viết.

- Chị tìm đâu ra những câu thật xuất sắc, xứng là những lập ngôn, nhưng vẫn mang phong cách riêng chị, kiểu như “tình yêu là sự rung động của 4 chân giường”? Ý tôi muốn biết là những câu giá trị đó đến với chị như thế nào?

Câu mà tôi ưng nhất, lấy làm slogan của cuốn sách Gáy mảnh hững hờ là: Có những chuyện người ta chỉ có thể nói trong tư thế nằm. Câu này càng ngẫm càng thú. Những câu gọi là lập ngôn đó đến với tôi một cách tự nhiên trong quá trình viết.

Tôi rất hiếm khi nghĩ ra chúng rồi mới “triển” một câu chuyện theo tinh thần đó. Tôi nghĩ là thế mạnh của tôi là nói lên những điều bình thường theo cách gợi cảm.

- Đọc sách chị, có thể đoán rằng chị biết ăn rất ngon, biết thưởng thức đời sống mới lạ, lại cũng biết tìm điểm tựa cho tinh thần từ triết lý của các bậc thầy. Sự lựa chọn hiện nay của chị, phải chăng đến từ sự trưởng thành tự nhiên trong vòng đời người đàn bà, hay từ một nỗi đau, bất trắc nào đó?

Nói bạn có tin không? Tôi thích tôi của ngày hôm nay hơn hồi trẻ nhiều. Tôi cảm thấy càng sống thì tôi càng… hay hơn, do hiểu về cuộc sống và không ngần ngại đắm mình vào mỗi một ngày đang được sống. Có lẽ điều này cũng xảy ra với đa số đàn bà, chỉ là mình có chút gì đó mẫn cảm hơn nên cảm nhận rõ hơn mà thôi.

Tôi tin rằng, trong cuộc đời của mỗi con người, không ai không có một bí mật chôn giấu nào đó, một nỗi đau nào đó do tình yêu mang lại. Tôi dám nói vậy sau khi đã quan sát khá nhiều và cả từ cuộc đời của chính mình.

Vì vậy, những cá nhân sâu sắc thường phải ở độ tuổi trung niên, khi mà đã ngấm ngấu nhiều chuyện, trực tiếp hay gián tiếp. Và khi mình là người viết thì cái con người đàn bà trưởng thành trong mình sẽ phơi bày trên từng dòng chữ. Vậy thôi.

- Xin cảm ơn chị!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.